Một số điều khoản kỳ lạ của chính quyền Biden khiến khoản tài trợ chip này trở nên kém hấp dẫn hơn với nhiều công ty, đặc biệt là hãng nước ngoài.

Nhiều công ty ngỡ ngàng vì điều kiện kỳ lạ của chính quyền Biden để trao khoản trợ cấp chip 39 tỉ USD

Sơn Vân | 01/03/2023, 13:58

Một số điều khoản kỳ lạ của chính quyền Biden khiến khoản tài trợ chip này trở nên kém hấp dẫn hơn với nhiều công ty, đặc biệt là hãng nước ngoài.

Chính quyền Joe Biden đã triển khai chương trình đạo luật Chips và Science (chip và khoa học) trị giá gần 53 tỉ USD.

Ngày 23.2, Bộ trưởng Thương mại Mỹ - Gina Raimondo thông báo kế hoạch cung cấp khoản trợ cấp cho sản xuất chip, sau đó đưa thêm thông tin chi tiết về cách các công ty đăng ký tài trợ.

Đây là khoản đầu tư công rất lớn bao gồm khoảng 39 tỉ USD khuyến khích các nhà máy sản xuất chip, vật liệu và thiết bị, cùng với 13,2 tỉ USD dành cho nghiên cứu, phát triển và đào tạo lực lượng lao động. Chương trình kèm theo các ưu đãi về thuế, cung cấp khoản tín dụng thuế đầu tư nâng cao 25% cho thiết bị sản xuất và chế biến.

Theo Hiệp hội Công nghiệp chất bán dẫn, hơn 40 dự án đã được công bố với cam kết đầu tư gần 200 tỉ USD vào các cơ sở sản xuất mới.

Các hãng chip hàng đầu Mỹ như Intel, Micron Technology và Texas Instruments... đều đã công bố kế hoạch mở rộng sản xuất.

Chương trình này là một phép thử với Mỹ về việc theo đuổi chính sách công nghiệp và xây dựng lại chuỗi cung ứng trong nước để có thể chịu đựng được các cuộc khủng hoảng trong tương lai.

Các nhà phân tích của ngân hàng đầu tư Goldman Sachs (Mỹ) ước tính chương trình có thể hỗ trợ tăng thị phần của Mỹ trong sản xuất chip toàn cầu dưới 1% và lưu ý chi phí xây dựng, vận hành một nhà máy mới ở Mỹ cao hơn 44% so với Đài Loan.

nhieu-cong-ty-ngo-ngang-vi-dieu-kien-ky-la-cua-chinh-quyen-biden-de-trao-khoan-tro-cap-chip-39-ti-usd.jpg
Tổng thống Biden phát biểu khi ông và Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo tổ chức cuộc họp trực tuyến với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và thống đốc bang để thảo luận về các vấn đề chuỗi cung ứng, đặc biệt là giải quyết chip bán dẫn, trong khuôn viên Nhà Trắng ở Washington ngày 9.3 - Ảnh: Reuters

Hôm 28.2, chính quyền Biden tiết lộ các điều kiện để trao khoản trợ cấp 39 tỉ USD với mục đích cải tổ ngành sản xuất chất bán dẫn của Mỹ. Theo hãng tin Reuters, các nguồn tin trong ngành công nghệ cho biết một số điều khoản kỳ lạ khiến khoản tiền này trở nên kém hấp dẫn hơn.

Dù không có nguồn tin nào trong ngành chip cho biết các công ty sẽ hủy bỏ kế hoạch mở rộng xây dựng ở Mỹ, nhưng họ phàn nàn về hàng loạt quy tắc của Bộ Thương mại Mỹ để nhận tài trợ, từ yêu cầu chia sẻ lợi nhuận vượt mức với chính phủ đến cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ em giá cả phải chăng cho các công nhân xây dựng nhà máy.

Chia sẻ lợi nhuận vượt mức là một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất. Những nguồn tin trong ngành nói rằng biện pháp này gây bất ngờ và không rõ nó sẽ được áp dụng như thế nào với các công ty. Mỗi công ty sẽ phải đàm phán các thỏa thuận riêng với chính phủ Mỹ.

"Nếu đó là tiền đề cho những điều sâu rộng hơn mà các quan chức chính phủ sẽ tìm kiếm trong giai đoạn đàm phán thì có một số lời chỉ trích rằng nó có thể khiến mọi việc trở nên khó khăn hơn", một nguồn tin trong ngành bán dẫn nói với Reuters, yêu cầu giấu tên vì nhạy cảm của vấn đề.

Những người trong ngành cho biết ngay cả một số điều khoản được mong đợi, chẳng hạn ưu tiên cho những người nộp đơn đồng ý ngừng mua lại cổ phiếu trong 5 năm sau khi nhận được trợ cấp, có thể gây khó khăn cho một số công ty. Việc mua lại cổ phiếu giúp giữ cho các nhà đầu tư hài lòng trong điều kiện thị trường đầy biến động của ngành công nghiệp chip, vốn đã chuyển từ tình trạng thiếu hụt sang dư thừa trong 2 năm.

Tôi tin rằng điều này sẽ gây ra những phiền muộn cho các công ty. Không ai biết thị trường sẽ diễn ra như thế nào. Khoản tài trợ này sẽ hạn chế tính linh hoạt của họ”, một lãnh đạo ngành công nghiệp chip nói với Reuters, yêu cầu giấu tên vì các vấn đề nhạy cảm.

Khi công bố các quy tắc hôm 28.2, Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo cho biết chúng nhằm đảm bảo số tiền được chi tiêu hợp lý và theo cách có lợi cho người lao động.

Bà Gina Raimondo nói: “Trong suốt quá trình làm việc, chúng tôi cam kết bảo vệ tiền thuế của người dân, tăng cường lực lượng lao động Mỹ và mang đến cho các doanh nghiệp Mỹ một nền tảng để họ làm những gì họ giỏi nhất: Đổi mới, mở rộng quy mô và cạnh tranh”.

Với các công ty có lợi nhuận như TSMC, đã khởi công xây dựng một nhà máy lớn ở bang Arizona (Mỹ) nhưng chưa tiết lộ liệu có xin tài trợ của Mỹ hay không, các điều khoản chia sẻ lợi nhuận vượt mức và không mua lại cổ phiếu có thể gây khó khăn trong việc thu hút nhà đầu tư bên ngoài Mỹ.

TSMC là nhà sản xuất theo hợp đồng lớn nhất thế giới, có trụ sở ở Đài Loan.

Một nguồn tin thứ ba trong ngành công nghiệp chip cho biết: “Thật kỳ lạ khi một công ty nước ngoài chấp nhận kiểu can thiệp này vào hoạt động kinh doanh của mình”.

TSMC không trả lời ngay lập tức khi được đề nghị bình luận.

Với các công ty chip đã lên kế hoạch cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ em cho công nhân nhà máy của họ, các yêu cầu bổ sung để mang lại lợi ích tương tự cho công nhân xây dựng nhà máy mới là hơi phiền nhiễu, nhưng tất cả đều có thể kiểm soát được. Tôi lo lắng rằng một số điều này có thể làm chậm những gì mọi người đang cố gắng thực hiện", theo nguồn tin trong ngành của Reuters.

Một vấn đề nghiêm trọng hơn là việc xây dựng các nhà máy chip mới có thể sẽ đắt đỏ hơn ở Mỹ, nơi chi phí vốn đã cao hơn các trung tâm công nghiệp như Đài Loan và Singapore.

Dù không ai mong đợi một "bữa trưa miễn phí", nhưng theo một nguồn tin của Reuters, các điều khoản bất ngờ sẽ buộc các công ty tính toán lại chi phí cho nhà máy ở Mỹ. Song, nguồn tin nói thêm: "Tôi không nghĩ rằng đã thấy bất cứ điều gì khiến chúng tôi từ bỏ".

Bài liên quan
Hãng chip nhớ số 1 Trung Quốc giảm tới 70% đơn đặt hàng từ nhà cung cấp thiết bị sản xuất hàng đầu
Theo một nguồn tin trong ngành, YMTC (nhà sản xuất chip nhớ hàng đầu Trung Quốc) cắt giảm đáng kể các đơn đặt hàng thiết bị sản xuất những tháng gần đây.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 3: Đầu tư phát triển, xuất nhập khẩu đều ghi điểm tốt
Trên các lĩnh vực quan trọng như xuất nhập khẩu, đầu tư phát triển, tài chính - ngân hàng - chứng khoán, tiêu dùng, thu chi ngân sách đều có sự cải thiện, thay đổi theo hướng tích cực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều công ty ngỡ ngàng vì điều kiện kỳ lạ của chính quyền Biden để trao khoản trợ cấp chip 39 tỉ USD