Bộ trưởng Thương mại Mỹ - Gina Raimondo đã có một thông điệp nghiêm túc dành cho các nhà sản xuất thiết bị sản xuất chip của Mỹ trong tuần này.

Các hãng chip Mỹ lo đối thủ nước ngoài hưởng lợi ở Trung Quốc, Bộ trưởng Thương mại lên tiếng

Sơn Vân | 04/11/2022, 14:26

Bộ trưởng Thương mại Mỹ - Gina Raimondo đã có một thông điệp nghiêm túc dành cho các nhà sản xuất thiết bị sản xuất chip của Mỹ trong tuần này.

Cụ thể là: "Bạn sẽ cần đợi 6 - 9 tháng trước khi Washington có thể đạt được thỏa thuận với các đồng minh của Mỹ về các quy định mới nghiêm ngặt nhằm hạn chế Trung Quốc tiếp cận một số công nghệ nhất định".

Mỹ đang thực hiện một thỏa thuận nhằm đưa các công ty ở Hà Lan và Nhật Bản - quê hương của một số nhà sản xuất thiết bị sản xuất chip lớn nhất - phải chịu các giới hạn về bán thiết bị đó cho Trung Quốc.

Các công ty Mỹ đã bị ràng buộc bởi các biện pháp kiểm soát xuất khẩu, điều mà họ cho rằng sẽ tiêu tốn hàng tỉ USD doanh thu, khi các đối thủ cạnh tranh chính ở châu Âu và Nhật Bản phải đối mặt với ít giới hạn hơn với doanh số bán hàng ở Trung Quốc.

Để đạt được thỏa thuận nhằm san bằng sân chơi có thể mất từ ​​6 đến 9 tháng, bà Gina Raimondo nói với đại diện của các công ty Mỹ, theo những người có hiểu biết trực tiếp về cuộc họp.

Chính quyền Biden đã công bố một vòng quy tắc kiểm soát xuất khẩu mới vào ngày 7.10 để hạn chế quyền tiếp cận của Trung Quốc với các thiết bị sản xuất chip và chất bán dẫn tiên tiến được sản xuất bằng công nghệ Mỹ.

Gina Raimondo đã đưa ra bình luận khi bà gặp đại diện từ các nhà sản xuất thiết bị, gồm cả Lam Research Corp và KLA Corp, hôm 3.11.

Người phát ngôn của Bộ Thương mại Mỹ từ chối bình luận. Đại diện của Lam Research và KLA Corp không trả lời các câu hỏi về vấn đề này.

Thị trường thiết bị sản xuất chip toàn cầu được thống trị bởi các công ty Mỹ như Lam Research, KLA Corp, Applied Materials Inc cũng như ASML Holding (Hà Lan) và Tokyo Electron (Nhật Bản).

Hiện tại, các nhà cung cấp ngoài nước Mỹ có nhiều lợi thế hơn trong việc làm ăn với Trung Quốc.

Lam Research, KLA Corp, Applied Materials Inc đã cảnh báo các nhà đầu tư rằng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới sẽ làm giảm doanh thu của họ. Rủi ro với họ là cho đến khi các hạn chế được áp dụng một cách đồng đều hơn, các công ty nước ngoài sẽ giành được thị phần ở Trung Quốc, tạo ra doanh thu bổ sung và qua đó có thể được dồn vào việc phát triển các sản phẩm mới.

Trong khi thị trường tổng thể cho thiết bị sản xuất chip sẽ thu hẹp vào năm tới, theo ước tính, các nhà phân tích dự đoán rằng ba công ty Mỹ sẽ bị sụt giảm doanh thu mạnh hơn so với đối thủ ở Nhật Bản.

Mỹ đang chuẩn bị tăng áp lực lên các đồng minh để chặn việc bán thiết bị chip cho Trung Quốc. Tarun Chhabra (quan chức cấp cao của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ) và Alan Estevez (Bộ trưởng Thương mại Công nghiệp và An ninh Mỹ) dự kiến ​​sẽ đến Hà Lan để thảo luận về các biện pháp hạn chế chip Trung Quốc vào cuối tháng này, tờ Bloomberg đưa tin, dù không có thỏa thuận nào dự kiến ​​được đưa ra từ các cuộc đàm phán.

Tuần trước, Alan Estevez cho biết ông hy vọng sẽ đạt được một thỏa thuận với các đồng minh của Mỹ trong thời gian tới.

Alan Estevez nói rằng ông muốn các quy tắc với các công ty Mỹ phải "công bằng với sự cạnh tranh của họ trên toàn cầu và công bằng cho sự cạnh tranh giữa họ với nhau".

Ngoai ra, Alan Estevez tiết lộ rằng ông và các quan chức khác như Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan cùng Gina Raimondo đang nói chuyện với các đồng minh về vấn đề.

cac-hang-chip-my-lo-doi-thu-nuoc-ngoai-huong-loi-o-trung-quoc.jpg
Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ - Antony Blinken và Giám đốc điều hành Applied Materials Inc - Gary Dickerson cầm một đĩa bán dẫn silicon 12 inch tại cơ sở của công ty ở thành phố Santa Clara, bang California, Mỹ ngày 17.10 - Ảnh: Reuters

Các cổ phiếu liên quan đến chất bán dẫn Nhật Bản đã vượt trội so với các công ty cùng ngành của Mỹ vào tháng trước.

Điều này diễn ra trong bối cảnh lo ngại về tác động từ các quy định chặt chẽ hơn của Mỹ với xuất khẩu chip sang Trung Quốc.

MSCI - thước đo cổ phiếu chip Nhật Bản đã tăng 14% trong tháng 10 (tốt nhất trong gần 2 năm) và gấp hơn 4 lần Philadelphia Semiconductor Index.

Philadelphia Semiconductor Index là chỉ số trọng số vốn hóa của Sở giao dịch chứng khoán Philadelphia bao gồm 30 công ty lớn nhất Mỹ chủ yếu tham gia vào việc thiết kế, phân phối, sản xuất và bán chất bán dẫn. Nó được tạo ra vào năm 1993 bởi Sở giao dịch chứng khoán Philadelphia.

Công ty có thành tích tốt nhất Nhật Bản là Lasertec Corp, nhà chế tạo thiết bị thử nghiệm cho quá trình sản xuất chip in thạch bản cực tím. Giá cổ phiếu Lasertec Corp đã tăng 45% trong tháng 10.

Trong khi cổ phiếu chip phục hồi trên toàn cầu vào tháng trước sau khi giảm mạnh vào đầu năm nay do lo ngại về việc tăng lãi suất và định giá ngành, việc Trung Quốc chịu thêm vòng trừng phạt mới từ chính quyền Biden gây thêm lo ngại cho các nhà cung cấp Mỹ.

Masahiro Wakasugi, nhà phân tích tại Bloomberg Intelligence, cho biết cổ phiếu chip Nhật Bản đã tăng “cực kỳ tốt” vì chúng phải đối mặt với tác động tương đối hạn chế.

Tuy nhiên, như đã thấy trong nhận xét về thu nhập từ các công ty lớn khác trên toàn cầu, nếu các hãng bán dẫn Trung Quốc ngừng đầu tư thì sau một thời gian có thể có tác động gián tiếp làm giảm nhu cầu với các nhà cung cấp khác không phải công ty Mỹ”, Masahiro Wakasugi nhận định.

Chính quyền ông Biden hôm 7.10 đã công bố hàng loạt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu, bao gồm cả biện pháp cắt đứt Trung Quốc khỏi một số chất bán dẫn được sản xuất ở bất kỳ đâu trên thế giới bằng thiết bị của Mỹ.

Hàng loạt biện pháp (một số có hiệu lực ngay lập tức) có thể dẫn đến sự thay đổi lớn nhất trong chính sách của Mỹ với xuất khẩu công nghệ sang Trung Quốc kể từ những năm 1990.

Các chuyên gia cho biết các quy định mới sẽ có tác động rộng rãi, làm chậm nỗ lực của Trung Quốc trong việc phát triển ngành công nghiệp chip của riêng mình, thúc đẩy các nghiên cứu thương mại và nhà nước liên quan đến vũ khí quân sự, trí tuệ nhân tạo, trung tâm dữ liệu và nhiều lĩnh vực khác được hỗ trợ bởi siêu máy tính và chip cao cấp.

Các biện pháp kiểm soát mới cũng đến vào thời điểm ngành công nghiệp chip toàn cầu đang đối mặt với “những cơn gió lớn” do nhu cầu với máy tính, smartphone cùng các thiết bị điện tử khác giảm và cảnh báo doanh thu yếu. Các chuyên gia cho biết các nhà sản xuất chip Trung Quốc có thể sẽ được cảm nhận được tác động tức thời.

Theo quy định mới, các công ty Mỹ phải ngừng cung cấp cho những nhà sản xuất chip Trung Quốc thiết bị có thể sản xuất chip tương đối tiên tiến gồm chip logic dưới 16 nanomet, chip DRAM dưới 18 nanomet và chip NAND có 28 lớp trở lên, trừ khi họ có được giấy phép.

Điều đó được thiết lập để tác động đến các nhà sản xuất chip theo hợp đồng hàng đầu Trung Quốc như Semiconductor Manufacturing International Corp (SMIC) và Hua Hong Semiconductor Ltd cũng như các nhà sản xuất chip nhớ hàng đầu được chính phủ hậu thuẫn như Yangtze Memory Technologies Co Ltd (YMTC) và Changxin Memory Technologies (CXMT).

Danni Hewson, nhà phân tích tại công ty AJ Bell, nhận định: “Các biện pháp này sẽ làm ảnh hưởng đến lĩnh vực chip của Trung Quốc, phá hỏng nhiều kế hoạch tăng trưởng và có khả năng cản trở sự đổi mới ở cả phương Đông lẫn phương Tây. Sẽ có nhiều phòng tổ chức các cuộc họp cấp cao nhất trong vài ngày tới xem xét tác động của các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ”.

Các xưởng đúc Trung Quốc chiếm một phần nhỏ trong thị trường chip hợp đồng toàn cầu, do TSMC của Đài Loan thống trị, nhưng kiểm soát khoảng 70% thị trường nội địa, nhấn mạnh nỗ lực của Bắc Kinh nhằm thúc đẩy khả năng tự cung tự cấp chip.

Với chip bộ nhớ, những người theo dõi ngành công nghiệp đã coi YMTC và CXMT là hy vọng tốt nhất của Trung Quốc để thâm nhập thị trường toàn cầu, đối đầu với những đối thủ hàng đầu như Samsung Electronics (Hàn Quốc) và Micron Technology (Mỹ). Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết các quy định mới hiện sẽ gây trở ngại lớn cho YMTC và CXMT.

"Sự tiến bộ của bộ nhớ sẽ bị hạn chế vì không có cơ hội nâng cấp thiết bị quy trình, không có cơ hội mở rộng sản xuất và thị trường sẽ bị mất", Gu Wenjun, người đứng đầu nghiên cứu tại công ty tư vấn ICWise có trụ sở tại Thượng Hải, viết trong một báo cáo.

Các nhà phân tích cho biết việc chặn nguồn cung cấp thiết bị cho sản xuất chip cao cấp cũng có thể có tác động phân tầng với các chip đơn giản hơn.

Với chip NAND, cùng một thiết bị được sử dụng để sản xuất NAND 128 lớp cũng có thể tạo ra NAND 64 lớp đơn giản hơn, theo Stewart Randall - người theo dõi lĩnh vực bán dẫn của Trung Quốc tại công ty tư vấn Intralink có trụ sở tại thành phố Thượng Hải (Trung Quốc).

Bài liên quan
Hãng chip Trung Quốc chịu cú sốc do nhà sáng lập có quốc tịch Mỹ
Lontium Semiconductor Corp không phải là một cái tên quen thuộc như Intel hay Texas Instruments, nhưng kế hoạch niêm yết ở Trung Quốc có thể thử nghiệm các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới khiến số phận nhiều giám đốc điều hành Mỹ tại các công ty chip Trung Quốc rơi vào tình trạng lấp lửng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ba kịch bản về lạm phát năm 2024
Ba kịch bản lạm phát năm 2024 tương ứng với CPI bình quân năm lần lượt là 3,8%, 4,2% và 4,5%.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Các hãng chip Mỹ lo đối thủ nước ngoài hưởng lợi ở Trung Quốc, Bộ trưởng Thương mại lên tiếng