Các nhà khoa học Đức đã thành công trong việc làm chậm quá trình lão hóa não ở những con chuột già và cải thiện chức năng nhận thức ở những con chuột trẻ trong thử nghiệm tác động lên các tế bào gốc của não.
Theo Nature Communications, các nhà khoa học Đức đã chứng minh được rằng các khía cạnh quan trọng của chức năng hồi hải mã (hippocampal function) có thể được đảo ngược khi về già, hoặc được bù đắp trong suốt cuộc đời, bằng cách khai thác nguồn dự trữ nội sinh trong não của các tế bào gốc thần kinh (neural stem cells). Điều này có nghĩa là bằng cách tác động lên các tế bào gốc của não, có thể làm chậm quá trình lão hóa. Đây là kết luận của các nhà khoa học ở Trung tâm trị liệu tái sinh của Đại học kỹ thuật Dresden (Đức).
Cụ thể, các nhà nghiên cứu Đức do giáo sư Federico Calegari hướng dẫn đã sử dụng các mũi tiêm đặc biệt để kích thích các tế bào gốc thần kinh vùng đồi thị ở chuột để tăng hoạt tính của chúng và số chu kỳ tế bào trong quá trình phân chia. Kết quả đã ghi nhận một số lượng lớn tế bào thần kinh mới được hình thành, bù đắp được cho sự suy giảm thần kinh liên quan đến tuổi ở những con chuột già. Ngoài ra, các nhà khoa học đã tìm thấy một sự cải thiện về chức năng nhận thức không chỉ ở những con chuột già mà còn ở những con chuột trẻ.
Các tế bào thần kinh mới vẫn tồn tại trong một thời gian dài và cũng hình thành liên kết với các tế bào lân cận trong não. Ví dụ, những con chuột già lấy lại được khả năng định hướng trong không gian nhờ khả năng “lập bản đồ môi trường”, chứ không phải nhờ ghi nhớ và phát triển thói quen.
Kích thích tế bào gốc cũng có tác dụng có lợi đối với não của chuột non, khi kìm hãm được sự suy giảm nhận thức liên quan đến tuổi và trí nhớ được lưu giữ lâu hơn.
Vũ Trung Hương