Tuần này, người dân châu Âu bắt đầu được quyền lựa chọn sử dụng trình duyệt và nền tảng tìm kiếm, tải ứng dụng từ đâu, dữ liệu cá nhân trực tuyến của họ được dùng ra sao.
Khoa học - công nghệ

Các ‘ông lớn' công nghệ phải thay đổi khi châu Âu áp dụng Đạo luật Thị trường số

Cẩm Bình 07/03/2024 16:56

Tuần này, người dân châu Âu bắt đầu được quyền lựa chọn sử dụng trình duyệt và nền tảng tìm kiếm, tải ứng dụng từ đâu, dữ liệu cá nhân trực tuyến của họ được dùng ra sao.

Đây là loạt thay đổi bắt buộc theo Đạo luật Thị trường số (DMA) có hiệu lực từ ngày 6.3, nhằm mục đích làm cho thị trường số trở nên công bằng và cạnh tranh hơn. Loạt “ông lớn” công nghệ Amazon, Apple, Alphabet, Meta, Microsoft, ByteDance đều phải tuân thủ.

Khoảng 22 dịch vụ, từ hệ điều hành, ứng dụng nhắn tin cho đến nền tảng mạng xã hội, sẽ thuộc phạm vi điều chỉnh của DMA, trong đó có Maps, YouTube, Chrome, Android cung cấp bởi Google; Safari cùng iOS do Apple cung cấp; Marketplace của Amazon; Facebook, Instagram, WhatsApp của Meta; Windows cùng LinkedIn của Microsoft.

Đơn vị vi phạm nhiều lần sẽ phải đối mặt với mức phạt tối đa 20% doanh thu toàn cầu hàng năm (có thể lên tới hàng tỉ USD). Hình phạt với vi phạm “mang tính hệ thống” là bị buộc ngừng hoạt động.

cac.jpg
Châu Âu áp dụng Đạo luật Thị trường số khiến nhiều "ông lớn" về công nghệ phải thay đổi

Tác động toàn cầu của DMA

EU luôn đi đầu trong nỗ lực kiểm soát ngành công nghệ toàn cầu. Khối này từng phạt Google vì vi phạm luật chống độc quyền, ban hành quy định cứng rắn chỉnh đốn mạng xã hội cũng như thông qua Đạo luật Trí tuệ nhân tạo (AI) đầu tiên trên thế giới.

Những gì EU thực hiện thường đóng vai trò hình mẫu cho các khu vực khác noi theo. Một số quốc gia như Nhật Bản, Anh, Mexico, Hàn Quốc, Úc, Brazil, Ấn Độ đang bắt tay soạn thảo bộ quy định nhằm ngăn chặn các “ông lớn” công nghệ thống trị thị trường số.

Theo học giả Bill Echikson (Trung tâm Phân tích chính sách châu Âu): “DMA sẽ trở thành tiêu chuẩn thực tế”.

Học giả Zach Meyers (Trung tâm Cải cách châu Âu) cũng nhận định: “Nếu DMA hiệu quả, nhiều nước phương Tây sẽ tuân thủ đạo luật để tránh phân mảnh và rủi ro áp dụng cách tiếp cận khác thất bại”.

Việc tải ứng dụng thay đổi ra sao?

Với DMA, Apple cho phép người dùng iPhone tại châu Âu tải ứng dụng bên ngoài App Store. Lâu nay tập đoàn này phản đối làm vậy với lý do ứng dụng từ bên thứ ba đem đến rủi ro bảo mật.

Một phần doanh thu của Apple đến từ phí 30% trên mỗi khoản thanh toán được thực hiện thông qua các ứng dụng iOS. Giờ đây, họ đang cắt giảm phí thu từ đơn vị phát triển ứng dụng châu Âu chọn tiếp tục tham gia hệ thống thanh toán - xử lý hiện hành, nhưng lại đặt ra phí 50 euro với ứng dụng iOS tải từ bên thứ ba.

Không còn ứng dụng mặc định

Người dùng không bị buộc phải sử dụng lựa chọn mặc định cho loạt dịch vụ chủ yếu nữa. Quy định này chấm dứt tình trạng sản phẩm Apple chỉ gắn liền với trình duyệt Safari, hệ điều hành Android chỉ sử dụng ứng dụng Search của Google. Microsoft cũng ngừng ép mọi người sử dụng trình duyệt Edge.

Không ít đơn vị nhỏ vẫn lo lắng. Giám đốc điều hành công ty Ecosia (phát triển trình duyệt cùng tên) Christian Kroll chỉ ra rằng người dùng thường chỉ sử dụng thứ quen thuộc vì họ không biết có lựa chọn khác. Ông kêu gọi Apple, Google cung cấp thêm thông tin cho người dùng.

Tìm kiếm trên internet thay đổi

Một số kết quả tìm kiếm của Google sẽ hiển thị khác đi vì DMA cấm công ty công nghệ ưu tiên dịch vụ của chính họ. Ví dụ, tìm kiếm khách sạn giờ đây sẽ hiển thị một loạt trang web đặt phòng chẳng hạn như Expedia. Mục Google Flights (đặt chuyến bay) riêng biệt biến mất khỏi giao diện kết quả, trở thành 1 trong số kết quả tìm kiếm trả về mà thôi.

Người dùng cũng có quyền không cho sử dụng dữ liệu cá nhân cho mục đích quảng cáo. Đặc biệt, Meta cho phép tách tài khoản Facebook khỏi tài khoản Instagram, như vậy tập đoàn không thể dựa trên thông tin người dùng thu thập từ hai nền tảng để chọn lọc quảng cáo gửi đến họ nữa.

DMA còn yêu cầu các ứng dụng nhắn tin liên kết với nhau. Meta dự định đưa ra đề xuất về cách người dùng Messenger và WhatsApp có thể trao đổi tin nhắn văn bản, video lẫn hình ảnh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với trung tâm quốc gia về an ninh mạng Ba Lan
35 phút trước Theo dòng thời sự
Chiều tối 17.1 (giờ địa phương), trong chương trình thăm chính thức Ba Lan, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm và làm việc tại Viện Nghiên cứu quốc gia về an ninh mạng của Ba Lan (NASK) - trung tâm hàng đầu về nghiên cứu, ứng dụng và phát triển internet, chuyển đổi số, an ninh mạng và bảo mật thông tin của Ba Lan.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Các ‘ông lớn' công nghệ phải thay đổi khi châu Âu áp dụng Đạo luật Thị trường số