Cựu Chủ tịch đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP), đảng đã bị giải thể, ông Kem Sokha đã bị tòa án thành phố Phnom Penh (Campuchia) triệu tập để chính thức xét xử vào ngày 15.1 về cáo buộc hợp tác với nước ngoài để lật đổ chính quyền của Thủ tướng Hun Sen sau khi bị bắt cuối năm 2017.
An ninh được thắt chặt với hàng trăm cảnh sát, quân đội được trang bịsúng trường bảo vệ các con đường xung quanh tòa án. Ông Kem Sokha đến phiên tòa khoảng 7 giờ 30 sáng (theo giờ địa phương), và một vài người đi cùng.
“Giữa năm 1993, ông Kem Sokha đã lên kế hoạch và thực hiện một hoạt động bí mật thông đồng với người nước ngoài để lật đổ chính quyền hoàng gia”, Reuters trích lời thẩm phánđiều tra Tòa sơ thẩm Phnom Penh, ôngKoy Sao nói khi đọc các cáo buộc cho ông Sokha.
Tại phiên tòa, Thẩm phán Koy Sao cáo buộc ông Sokha đã âm mưu với các cố vấn người Mỹ và Canada về thay đổi chế độ, giống như Nam Tư và Serbia, trước khi phát một video bằng chứng có mặt ông Sokha từ năm 2013, cho rằng ông đã nhận được lời khuyên chính trị từ những người Mỹ.
Tuy nhiên, ông Sokha bác bỏ video này, nói rằng nội dung của nó nằm ngoài ngữ cảnh, và đã được chỉnh sửa. “Tôi có video của riêng mình, tòa án có phát không? Tòa án đã xác minh video này chưa?”, cựu thủ lĩnh đảng đối lập Campuchia nói.
Theo Reuters, một số quốc gia và tổ chức đã được nêu tên trong vụ kiện, bao gồm Liên minh châu Âu (EU), Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), Mỹ và Canada, cũng như các cá nhân như Tổng thống Donald Trump và Thượng nghị sĩ Ted Cruz thuộc đảng Cộng hòa.
Các luật sư bào chữa cho ông Sokha cho biết, có thể mất tới 3 tháng để tòa án đưa ra phán quyết. Chiểu theo luật pháp Campuchia, ông Kem Sokha có thể bị kết án tới 30 năm tù giam nếu bị tòa tuyên có tội.
Được biết, ông Kem Sokha, 66 tuổi, bị bắt vào năm 2017 vì cáo buộc âm mưu thông đồng với nước ngoài để lật đổchính quyền. Đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP) của ông Sokha cũng đã bị Tòa án tối cao Campuchia giải tán ngay sau đó.
Ngày 10.11.2019, tòa án thủ đô Phnom Penh mới đâycho biết trong một tuyên bố rằng ông Kem Sokha đã được miễn quản thúc tại gia và có thể rời khỏi nhà của mình, nhưng ông không thể tham gia vào hoạt động chính trị hoặc rời khỏi đất nước. Trong một bài đăng trên mạng xã hội Facebook sau khi được miễn quản thúc tại gia, ông Sokha nói rằng sẽ tiếp tục yêu cầu gỡ bỏ các cáo buộc chống lại ông.
Hoàng Vũ (theo Reuters)