Ngày 13.3, Campuchia tiếp tục ghi nhận thêm 39 trường hợp nhiễm COVID-19 mới, xuất phát từ ổ dịch liên quan đến một sự kiện từ ngày 20.2.
Tính đến nay, Bộ Y tế nước này đã ghi nhận có 751 ca nhiễm liên quan đến ổ dịch trên. Trong số các trường hợp nhiễm mới, có 20 ca được phát hiện ở thủ đô Phnom Penh, 13 ca ở tỉnh Prey Veng, 5 ca ở tỉnh Kandal và một ca ở tỉnh Preah Sihanouk.
Prey Veng đang trở thành điểm nóng thứ 3 ở Campuchia về dịch bệnh COVID-19 với 13 ca nhiễm, đặc biệt có 2 phụ nữ Việt Nam dương tính với SARS-CoV-2 tại địa phương này.
Theo báo Khmer Times, trong số 39 ca nhiễm mới ghi nhận, ngoài công dân Campuchia thì có 4 người Trung Quốc và 3 người Việt Nam. Người Trung Quốc là người nước ngoài đứng đầu về số ca nhiễm COVID-19 ở Campuchia với 450 trường hợp, đứng thứ hai là người Việt Nam với 57 trường hợp.
Campuchia đang trải qua đợt bùng phát dịch thứ ba được cho là do những người Trung Quốc trốn cách ly gây ra. Tính đến ngày 13.3, nước này đã ghi nhận tổng cộng 1.264 trường hợp mắc COVID-19, với 639 người đang được điều trị và một trường hợp tử vong. Bộ Y tế Campuchia cho biết đến nay đã tìm thấy 12 trường hợp của các biến thể COVID-19 mới.
Quốc gia này đã bắt đầu đợt tiêm chủng chống COVID-19 bằng vắc xin Sinopharm của Trung Quốc kể từ ngày 10.2 và với vắc xin AstraZeneca do Ấn Độ sản xuất từ ngày 4.3. Theo một báo cáo của chính phủ, tính đến ngày 12.3, 235.688 người trong các nhóm ưu tiên đã được tiêm vắc xin Sinopharm và 19.953 người được tiêm vắc xin AstraZeneca.
Trong nỗ lực ngăn chặn vi rút, quốc gia này đã đóng cửa tất cả các trường học, cơ sở thể thao, bảo tàng, rạp chiếu phim và địa điểm vui chơi giải trí ở các tỉnh thành có ổ dịch.
Người phát ngôn Bộ Y tế Campuchia Or Vandine kêu gọi người dân hạn chế tụ tập, bao gồm cả lễ cưới và các nghi lễ tôn giáo. "Hãy ở trong nhà, không đi du lịch và hoãn các sự kiện vào thời điểm quan trọng này. Điều này sẽ giúp giảm thiểu việc lây nhiễm", cô nói.
Ngày 11.3, Campuchia đề xuất dự luật bắt buộc đeo khẩu trang ở những nơi công cộng theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Theo dự luật này, bất cứ ai vi phạm sẽ bị phạt 50-250 USD. Ngày 15.3 tới, Bộ Y tế và Bộ Tư pháp nước này sẽ tổ chức họp báo để giải thích về dự luật.