Hôm 13.3, ông Mahn Win Khaing Than thề sẽ theo đuổi một "cuộc cách mạng" để lật ngược chính quyền.
Hôm 9.3, đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ (NLD) bổ nhiệm ông Mahn Win Khaing Than giữ chức quyền phó tổng thống để thay mặt cho Tổng thống Win Myint và cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi hiện bị quân đội bắt.
Theo bài đăng trên trang Facebook ngày 9.3, NLD thông báo đã bổ nhiệm ông Mahn Win Khaing Than làm quyền Phó tổng thống Myanmar để thực hiện các nhiệm vụ của Tổng thống Win Myint và cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi.
Hôm 10.3, Ủy ban đại diện Hạ viện Myanmar (CRPH, Hạ Viện bị chính quyền quân sự giải tán) thông báo đã bổ nhiệm ông Mahn Win Khaing Than làm quyền Phó tổng thống Myanmar.
Động thái của CRPH thể hiện mong muốn “thành lập một chính phủ lâm thời” tại Myanmar, cho đến khi bà Aung San Suu Kyi cùng nhiều quan chức khác được trả tự do.
Đây được cho là động thái mang tính biểu tượng vì chính quyền Myanmar đang do quân đội nắm giữ.
Mahn Win Khaing Than từng là Chủ tịch Thượng viện đã bị lật đổ, nơi ở của ông hiện được giữ bí mật.
Ông Mahn Win Khaing Than là cháu của Ba Khaing - chính trị gia bị ám sát năm 1947 cùng với anh hùng độc lập Aung San, cha bà Aung San Suu Kyi.
Ông Mahn Win Khaing Than gia nhập NLD của bà Suu Kyi vào năm 2013. Năm 2015, ông trúng cử vào Quốc hội của chính quyền dân sự. Năm 2016, ông được bổ nhiệm làm Chủ tịch Thượng viện.
Hôm 13.3, Mahn Win Khaing Than lần đầu tiên phát biểu trước công chúng rằng không trốn tránh và thề sẽ theo đuổi một "cuộc cách mạng" để lật ngược chính quyền.
Mahn Win Khaing Than phát biểu qua Facebook: “Đây là thời điểm đen tối nhất của quốc gia và thời điểm bình minh đã cận kề” .
Các nhân chứng và phương tiện truyền thông địa phương cho biết ít nhất 11 người biểu tình đã thiệt mạng hôm nay trong một trong những ngày đẫm máu nhất kể từ cuộc đảo chính.
Ông Mahn Win Khaing Than đang thúc đẩy để CRPH được công nhận là chính phủ hợp pháp.
CRPH đã công bố ý định tạo ra một nền dân chủ liên bang và các nhà lãnh đạo đã gặp gỡ đại diện của các tổ chức vũ trang sắc tộc lớn nhất Myanmar. Đây là tổ chức đã kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ trên khắp đất nước. Một số đã cam kết hỗ trợ của họ.
“Để hình thành một nền dân chủ liên bang, mà tất cả anh em dân tộc, những người đã phải chịu nhiều loại áp bức từ chế độ độc tài trong nhiều thập kỷ, thực sự mong muốn cuộc cách mạng này là cơ hội chúng ta có thể cùng nhau nỗ lực”, ông Mahn Win Khaing Than nói.
Chưa đưa ra bình luận hôm 13.3, chính quyền quân sự từng tuyên bố CRPH là bất hợp pháp và cho biết bất kỳ ai liên quan đến nó có thể bị buộc tội phản quốc, sẽ bị kết án tử hình.
Trong khi CRPH tuyên bố chính quyền quân sự là "tổ chức khủng bố".
Ông Mahn Win Khaing Than cho biết CRPH sẽ “cố gắng xây dựng luật bắt buộc để người dân có quyền tự bảo vệ mình và hành chính công sẽ do nhóm quản lý nhân dân lâm thời xử lý".
Một phong trào bất tuân dân sự bắt đầu với các nhân viên chính phủ, bác sĩ và giáo viên đã mở rộng thành cuộc tổng đình công làm tê liệt nhiều lĩnh vực của nền kinh tế và đưa một phần lớn hoạt động của chính phủ ra khỏi tay quân đội.
Các nhà lãnh đạo của Mỹ, Ấn Độ, Úc và Nhật Bản tuyên bố sẽ làm việc cùng nhau để khôi phục nền dân chủ ở quốc gia Đông Nam Á này.
Chính quyền Biden đã đánh dấu cuộc họp trực tuyến với các nhà lãnh đạo Ấn Độ, Nhật Bản và Úc hôm 12.3, hội nghị thượng đỉnh chính thức đầu tiên của nhóm được gọi là Bộ tứ kim cương (Quad), như một phần của nỗ lực thể hiện cam kết mới của Mỹ với an ninh khu vực.
“Là những người ủng hộ lâu dài của Myanmar và người dân nước này, chúng tôi nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải khôi phục nền dân chủ và ưu tiên tăng cường khả năng phục hồi dân chủ”, bốn nhà lãnh đạo cho biết trong một tuyên bố do Nhà Trắng công bố.