Để làm “chanh múc”, 1 doanh nghiệp tại xã Quảng Tân, H.Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông bố trí 1 hệ thống cơ sở vật chất không thể… bẩn hơn. Toàn bộ nước thải bẩn thỉu, độc hại, hôi thối của quá trình chế biến được đổ thẳng ra môi trường.

Cận cảnh công nghệ làm ‘chanh múc’ siêu bẩn

Hưng Thịnh | 03/09/2019, 06:00

Để làm “chanh múc”, 1 doanh nghiệp tại xã Quảng Tân, H.Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông bố trí 1 hệ thống cơ sở vật chất không thể… bẩn hơn. Toàn bộ nước thải bẩn thỉu, độc hại, hôi thối của quá trình chế biến được đổ thẳng ra môi trường.

Múc chanh dây dưới… nền đất

Khoảng đầu tháng 8, PV nhận được phản ánh của một số người dân tại thôn 9, xã Quảng Tân, H.Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông, về việc 1 cơ sở chuyên thu mua, sơ chế chanh dây và măng tươi tại đây gây ô nhiễm môi trường. Người dân phản ánh tình trạng thu gom, sơ chế chanh trong điều kiện vệ sinh bẩn thỉu, nôm na: “Nhìn một lần không ai dám uống chanh dây”. Và theo họ, toàn bộ lượng nước thải được tập trung ngay sau nhà xưởng rất hôi thối.

Trong vai 1 người hỏi xin việc làm, PV đã có cơ hội tiếp cận, quan sát và chứng kiến quy trình múc chanh dây bẩn thỉu của cơ sở. Khi chúng tôi vừa ghi nhận được một số hình ảnh về quy trình này, thì ngày 15.8, hàng chục người dân đã tập trung lại phản đối khi chủ cơ sở cho nạo vét đường mương để xả thẳng nước thải ra đường, làm ảnh hưởng đến hàng chục hộ dân sống dọc theo tỉnh lộ 1…

Hàng ngày, sau khi thu mua chanh dây, loại chanh “dạt” có giá khoảng 2.500 - 5.000 đồng/kg - tùy thời điểm, được chủ cơ sở đưa về xưởng để múc. Chanh dây được thu gom là loại chanh xấu, được thu hái khi chưa đủ độ chín, có kích thước nhỏ. Nhiều quả bị ẩm mốc, hư hỏng, vỏ còn xanh dù đã được để trong kho nhiều ngày. Sau khi được mua về, chủ cơ sơ đưa vào 1 gian nhà có diện tích khoảng 40m2, nơi có khoảng 10 nhân công làm việc liên tục.

Nhìn qua cũng cảm nhận được rất mất vệ sinh - Ảnh: Nhân Thiện

Tại đây, chanh được bỏ thẳng xuống nền đất. Mỗi công nhân cầm trên tay 1 con dao để gọt vỏ, cán dao được gắn 1 chiếc muỗng (thìa) để múc ruột chanh. Công nhân cầm quả chanh lên, gọt đi 1/3 vỏ và lấy muỗng múc hết ruột chanh bên trong vào 1 chiếc xô đặt dưới nên nhà. Toàn bộ quy trình diễn ra trong nháy mắt, và mỗi ngày 1 công nhân có thể múc được từ 300 - 500kg chanh dây thô. Toàn bộ chanh múc sau đó được cho vào túi ni lôngvà tập kết vào kho đông lạnh để bảo quản. Sau đó được đưa lên xe đông lạnh để giao cho khách hàng.

Quan sát cận cảnh quy trình, chúng tôi không khỏi rùng mình. Chanh dây được tập kết trong những chiếc sọt đen, bẩn thỉu và được đặt thẳng xuống nền xi măng nhưng trông chẳng khác gì nền đất. Những chiếc xô đựng chanh thành phẩm là loại xô đựng sơn được tận dụng, thành xô bẩn thỉu, mốc meo. 1 nhân công giải thích lý do dùng loại xônày vì rất bền, xách nặng hoặc va đập đều không bị nứt, vỡ. Về lý do tại sao múc chanh mà lại… bẩn như vậy, một số nhân công cho rằng chủ cơ sở kêu sao làm vậy, chứ mình đâu có ăn uống đâu mà quan tâm.

Sau khi xử lý chanh xong, toàn bộ nước thải, vỏ chanh xả thẳng ra 1 hố chứa nước thải được đào lên tạm bợ sau nhà xưởng và thấm trực tiếp xuống đất. Dù mới chỉ hoạt động rầm rộ chưa đầy 1 tháng, nhưng lượng nước thải đã ứ đọng hàng chục khối và rút đi không kịp.

Theo một số hộ dân, mỗi khi có mưa lớn là họ lại nghe mùi hôi nồng nặc từ hướng nhà máy chanh dây. Ban đầu thì các hộ dân không biết nguyên do gì. Sau mới biết là do nhà máy chanh dây lợi dụng mưa lớn để xả bớt nước thải ra đường tỉnh lộ. Một số hộ dân đã đến nhà máy để yêu cầu ngưng ngay việc này. Chủ cơ sở hứa sẽ thôi, nhưng sau đó vẫn tiếp tục lén lút xả thải.

Sáng 15.8 vừa qua, sau khi nhìn thấy hình ảnh hàng chục mét khối nước thải đen ngòm lẫn với vỏ chanh dây chảy lênh láng ngoài đường, hàng chục hộ dân đã tập trung lại phản đối. Một số người dân đã sử dụng điện thoại di động ghi lại hình ảnhnước thải chảy trên tỉnh lộ 1 và truy theo đường mương được múc dọc nhà máy để đi thẳng vào hồ chứa nước thải bên trong.

Người dân bức xúc về sự việc - Ảnh: Nhân Thiện

Người dân cũng gọi điện cho UBND xã, Công an xã và gửi đơn kiến nghị sau khi được yêu cầu để có cơ sở giải quyết. Trong đơn gửi các cơ quan chức năng, hàng chục hộ dân tại 2 thôn 1 và 9, xã Quảng Tân yêu cầu giải quyết ngay tình trạng nhà máy chanh dây xả thải ra môi trường. Người dân khẳng định đã nhiều lần kiến nghị, làm việc nhưng chủ nhà máy không hợp tác, chỉ hứa nhưng không làm. Nay các hộ dân yêu cầu ngành chức năng phải xử lý, không để tình trạng này kéo dài, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Trong khi nhiều gia đình có con nhỏ, phụ nữ mang thai…

Theo ông Vũ Đình Thiết, thôn 1, xã Quảng Tâm, mùi hôi thối nồng nặc khiến người dân cảm thấy muốn ói. Mỗi khi cơ sở xả thải mà trời mưa còn đỡ, trời không mưa là mùi hôi không thể chịu được, nước thì đen kịt. Nhiều người dân đi ngang khu vực này không hiểu chuyện gì xảy ra, tại sao lại bẩn như vậy. Không thể sản xuất kinh doanh, làm giàu cho bản thân mà bất chấp sức khỏe cộng đồng, tàn phá môi trường xung quanh như vậy được.

Chủ cơ sở chưa có tạm trú tại địa phương

Theo biên bản do UBND xã Quảng Tân lập vào ngày 15.8, khi đoàn kiểm tra của xã tới kiểm tra thì chủ cơ sở đang cho san lấp hồ chứa vỏ chanh. Chủ cơ sở nói đây cũng là lý do toàn bộ lượng nước thải trong hồ đổ tràn ra môi trường (ý nói đổ đất xuống thì nước thải dưới hồ chảy tràn ra ngoài).

Do phía sau xưởng có 1 mạch nước ngầm lớn, nước rỉ ra hàng ngày khá nhiều mỗi khi mưa lớn kéo dài. Và mạch nước này chảy thẳng vào hồ chứa nước thải nên để khắc phục, chủ cơ sở cho lấp luôn hồ chứa. Nước chảy ra môi trường mà người dân phản ánh là nước từ… mạch ngầm, chứ không phải là nước từ hố thải!

Mương nước được múc để nước thải chảy thẳng ra tỉnh lộ - Ảnh: Nhân Thiện

Một số người dân cũng nghi ngờ, bức xúc việc tại sao trước khi đoàn của xã tới kiểm tra, chủ cơ sở lại cho lấp hồ nước thải, phải chăng chủ cơ sở đã biết trước. Đặc biệt hơn, người đứng ra nhận lấp hồ là 1 công an viên của xã Quảng Tân. Đi dọc theo con mương được múc từ hồ chứa nước thải ra đường, chúng tôi thấy vô số vỏ chanh dây còn vương vãi.

Theo như biên bản đã lập, chủ cơ sở chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường, thậm chí chưa có tạm trú tại địa phương. Chủ cơ sở là ông Vũ Văn Khỏe, khẳng định sẽ đăng ký tạm trú theo quy định và xin “khất” 1 tháng để hoàn thành đánh giá tác động môi trường.

Theo thông tin UBND cung cấp, chúng tôi được biết chủ cơ sở là ông Vũ Văn Khỏe, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại dịch vụ Thuận Phát Đắk Nông. Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, ông Khỏe nói rằng mình đang bận đi công tác, chưa có thời gian để tiếp PV được. Tại cơ sở cũng không có ai có thể làm việc để cung cấp thông tin. Những người làm việc tại xưởng chỉ là nhận khoán, không thể làm việc với nhà báo.

Ông Khỏe khẳng định nước mạch trên đồi chảy xuống và chảy thẳng ra đường, không phải nước thải của cơ sở. Và hoàn toàn không phải do cơ sở của ông gây ra. Ông cho rằng cơ sở sản xuất đã lâu, đã có giấy phép kinh doanh, giấy tờ đầy đủ thì mới làm được. Tuy nhiên, ông Khỏe không đồng ý cung cấp cho PV, vì: “Không có gì để mà xem”.

Theo ông Nguyễn Văn Quế, Phó chủ tịch UBND xã Quảng Tân, H.Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông, sau khi nhận được phản ánh của người dân, xã đã cho kiểm tra và lập biên bản sự việc. Sau khi củng cố hồ sơ, UBND xã sẽ báo cáo lên huyện để các ngành chức năng xác minh, xử lý theo quy định.Sau khi xem một số hình ảnh PV ghi được về quy trình chế biến, xử lý chanh dây tại co sở của ông Khỏe, chủ 1 cơ sở thu mua, chế biến chanh dây lớn tại Đắk Nông cho rằng quy trình như vậy là quá cẩu thả, bẩn thỉu, không thể chấp nhận được.

Dấu tích còn lại sau khi ông Khỏe xả thải và san lấp hồ chứa nước thải vào ngày 15.8 - Ảnh: Nhân Thiện

Thông thường, khi mua “chanh múc” (loại chanh có mẫu mã xấu, không thể đóng gói, hoặc bán nguyên quả cho khách hàng), các cơ sở phải đưa vào rửa sạch để loại bỏ bụi bẩn, đất bám trong quá trình nông dân thu hoạch, vận chuyển. Những quả non, thối, mốc meo sẽ bị loại bỏ trong quá trình này. Sau đó phải để ráo trước khi đưa vào múc lấy ruột. Còn công nhân phải ăn mặc sạch sẽ, đi qua hệ thống khử trùng trước khi đi vào chế biến. Nhà xưởng chế biến phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về cách ly, điều kiện nhiệt độ, vệ sinh… chứ không thể làm một cách bẩn thỉu như vậy.

Đơn phản ánh việc gây ô nhiễm môi trường do các hộ dân đồng ý ký tên - Ảnh: Nhân Thiện

Cũng theo chủ cơ sở này, “chanh múc” chủ yếu được sử dụng để chế biến thực phẩm như làm nước chanh dây đóng hộp, đóng lon, làm các loại bánh, kẹo, thực phẩm khác. Thị trường có thể tiêu thụ cả trong và ngoài nước. Về xuất khẩu thì thị trường chính của dân làm “chanh múc” là Trung Quốc và Đài Loan.

Nhân Thiện
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tìm giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long
6 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 26.4, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề "Giải pháp về nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long".
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cận cảnh công nghệ làm ‘chanh múc’ siêu bẩn