Khi vài cơn mưa dầm xuất hiện gần cuối tháng 7 âm lịch, người dân miền Tây đang phấn khởi chờ lũ đang nhích về. Với họ, lũ về mang theo cá tôm để họ mưu sinh là niềm vui chung…

An Giang: Nông dân vẫn đau đáu ngóng lũ

Khang Duy | 02/09/2019, 05:44

Khi vài cơn mưa dầm xuất hiện gần cuối tháng 7 âm lịch, người dân miền Tây đang phấn khởi chờ lũ đang nhích về. Với họ, lũ về mang theo cá tôm để họ mưu sinh là niềm vui chung…

Trở lại vùng rốn lũ

Từ H.An Phú, tỉnh An Giang, PV về 2 xã Phú Hội và Nhơn Hội, được coi là vùng rốn của lũ hàng năm. Chỉ còn vài km là đến 2 xã đầu nguồn, nhưng trời mưa lâm thâm, gió rít mạnh bên tai, buộc PV phải tấp vào 1 quán cóc ven đường. Trong ngôi nhà tuềnh toàng, ba bề bốn bên chỉ vài hàng ghế, những miếng bạt nilon bay phấp phới, người con trai đen nhẻm, giới thiệu tên Hùng (con của chủ quán nước) đẩy ly cà phê về phía PV, rồi chỉ xuống con kênh, lẩm nhẩm nói:

“Tháng bảy nước nhảy khỏi bờ, đến thời điểm này lũ lên quá chậm, nhờ vài cơn mưa gần đây nước đang lên từ từ. Quái thật, những năm trước, giờ này là những dòng nước chảy xiết, đôi lúc ngập cái quán này rồi. Đáng lẽ giờ này tôi ở trên đồng giăng lưới mưu sinh kiếm bộn tiền...”.

Mộtngư dân nhìn con nước mà lắc đầu ngao ngán - Ảnh: Tô Văn

Nói chưa hết chuyện, Hùng thấy 1 người đàn bà đang dựng chiếc xe đạp, chởvài bó củi tạp khô đét, ghé trước quán, liền nói lớn: “Mẹ à, chờ con nước lâu quá, lại thất nghiệp, tôi tính vài bữa lên Bình Dương làm công nhân nghe bà”. Người đàn bà khoảng 55 tuổi, dáng khẳng khiu nhưng giọng nói rất khỏe khoắn: “Ráng chờ thêm đi, nếu con nước chưa lên tao cho mày đi, giờ này mày phải phụ tao coi quán, thôi ráng chờ đi con”…

Các máy nổ phục vụ cho ghe thuyền đánh bắt thủy sản được người dân đem lên “trùm mền” - Ảnh: Tô Văn

Bên chiếc lò nung và ấm nước phì khói, người đàn bà giới thiệu tên Trần Thị Liên (ngụ xã Nhơn Hội, H.An Phú, tỉnh An Giang) mẹ của Hùng, trầm ngâm: “Cuộc sống gia đình tụi tôi may mắn nhờ được cái quán cóc thế này nên thu nhập không trông chờ vào con nước lũ. Tôi có 5 người con tất cả, 4 đứa lớn đều có gia đình và ở khắp nơi, cuộc sống của chúng gắn với ghe, thuyền lênh đênh sông nước, thằng Hùng thì chưa có gia đình nên nó ở cùng tôi và phụ bán nước.

Nông dân đang thu gom lưới dớn vì hiện tại lũ chưa về- Ảnh: Tô Văn

Nếu có lũ thì nó đi giăng lưới, đặt dớn để kiếm tiền bỏ ống cưới vợ. Nhưng năm nay lũ lại lên rất chậm kiểu này tôi cho nó đi Bình Dương làm công nhân quá. Ở đây, nó phụ tôi thì chỉ kiếm được 2 bữa cơm hằng ngày, rồi đây tiền đâu bỏ ống. Thằng quỷ đó muốn vợ lắm rồi”. Cũng theo bà Liên, đất thì nuôi con người, còn nước thì lại bạc bẽo với con người. Nước không lên thì cá, tôm đâu về… con cá linh giờ này lặn tăm chưa thấy xuất hiện…

Tiếp tục cuộc hành trình, PV nhìn thấy những ngôi nhà sàn lợp thiếc lấm lem xiêu vẹo. Ở đó, những người đàn bà gầy guộc, da rám nắng, những ông cụ râu tóc bạc phơ ngồi uống nước trà bàn về con nước năm nay, những đứa trẻ con nhếch nhác cởi truồng ngồi trên mỏm đất bắn bi. Có cảm giác như ở vùng này, người dân đang đợi điều gì đó.

Người dân chuyển qua gánh thuê bí rợ, bỏ luôn nghề đan lợp, giăng câu- Ảnh: Tô Văn

Trong câu chuyện của họ vẫn là chuyện mưu sinh. Người nào cũng phải đối mặt với cuộc sống khó khăn, lũ về chậm, thì họ sẽ không có những sản vật thủy sản đánh bắt, thất nghiệp triền miên. Thanh niên có thể làm mướn các tỉnh thành khác, còn người già thì vốn nhờ vào con nước. Thế nhưng, đúng như câu nói của chị Liên: “Nước thì lại bạc bẽo với người”.

Một số dụng cụ đánh bắt thủy sản được người dân đem cất xó bếp - Ảnh: Tô Văn

Cụ ông Trần Thanh Phương (75 tuổi, ngụ xã Phú Hội, H.An Phú) cho biết, thời trai tráng, ông lớn lên với đồng ruộng và con nước, công việc ngày đêm là bắt cá tôm trên đồng. “Hồi đó, giờ này, chúng tôi bắt đầy ắp sản vật, lưới dính đầy cá, nhất là con cá linh gỡ mỏi tay.

Còn bây giờ, con cá rô lên bờ (thường khi mưa nhiều nên nước lên cá rô leo lên bờ đẻ trứng - PV), con cá linh mất tăm. Còn lũ thì nhích lên từng chút thì không thể mưu sinh từ nghề lưới cá, cuộc sống hiện tại thất nghiệp và gặp khó khăn. Mấy thằng con trai tôi bỏ lên Bình Dương hết rồi”, ông Phương nói trong ánh mắt đượm buồn.

Lũ đang về, trăm bề… đang ngóng

Vậy lũ về chậm, con người ta có thể có một cuộc sống bình yên được không? Ông Nguyễn Văn Tâm - Phó phòng NN&PTNT H.An Phú, tỉnh An Giang, cho biết, lũ không về nhưng mấy ngày qua mưa liên tục nên mực nước sông có nhích lên gần vài tấc, không cao như hàng năm. Chính quyền và người dân ai cũng mong chờ lũ về, để họ mưu sinh với nhiều nghề khác nhau. Nếu so với cùng kỳ thì năm nay lũ trễ hơn 1 tháng rồi.

Đánh bắt thủy sản không như mọi năm, “thất thủ toàn tập” - Ảnh: Tô Văn

“Hiện các làng nghề đan lợp, giăng câu, giăng lưới dẹp hết vì không có người tiêu thụ nên bỏ nghề hết. Người ta phải tìm cách khác để sống chứ sao sống bình yên được. Sau khi họ đổi nghề khác thì đương nhiên khó khăn đôi chút nhưng họ vẫn thích nghi được. Tôi đã nghe dự đoán lũ về trễ, nhưng chắc không về đâu. Vì còn có tháng nữa là hết mùa lũ, nhưng hiện tại nước có lên bao nhiêu đâu thì lũ về sao được?”, ông Tâm nói.

Xuồng ghe chỉ biết nằm bờ trông chờ lũ đến - Ảnh: Tô Văn

Sau những cơn mưa vừa qua đã làm mực nước trên các trạm ở sông Tiền, sông Hậu dâng lên đến 20cm tùy theo khu vực. Nhưng chỉ có một số cánh đồng trên H.Phú Tân có nước tràn đồng.

Vài cơn mưa vừa qua, giúp mực nước đã dâng lên gần 20cm - Ảnh: Tô Văn

Người dân vẫn đang ngóng cái thứ mà họ trách là “bạc bẽo”, sẽ quay trở về ngập những cánh đồng…

Tô Văn
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Làm việc với Công an Phú Thọ, Thủ tướng nhấn mạnh cần chuyển đổi số từ cơ sở
9 giờ trước Nhịp đập khoa học
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Công an tỉnh Phú Thọ cần quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn nữa trong triển khai Đề án 06, theo hướng tổng thể, toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
An Giang: Nông dân vẫn đau đáu ngóng lũ