Cơ quan CSĐT Công an TX.Thuận An (Bình Dương) đang điều tra mở rộng vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, do nghi phạm quốc tịch Đài Loan cầm đầu. Bước đầu, nhóm này gây ra 3 vụ lừa đảo bằng thủ đoạn giả là cán bộ công an, viện kiểm sát gọi điện đe doạ nạn nhân rằng bị tình nghi điều tra, sau đó yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt.

Bắt băng nhóm giả danh công an, viện kiểm sát lừa đảo chiếm đoạt tiền

Văn Vĩnh | 02/09/2019, 12:28

Cơ quan CSĐT Công an TX.Thuận An (Bình Dương) đang điều tra mở rộng vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, do nghi phạm quốc tịch Đài Loan cầm đầu. Bước đầu, nhóm này gây ra 3 vụ lừa đảo bằng thủ đoạn giả là cán bộ công an, viện kiểm sát gọi điện đe doạ nạn nhân rằng bị tình nghi điều tra, sau đó yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt.

          

Lộ cả băng nhóm vì số tài khoản

Khoảng đầu tháng 8.2019, bà L.T.K.T. (53 tuổi, ngụ P.11, TP.Cao Lãnh) đến Công an TP.Cao Lãnh (Đồng Tháp) trình báo bị lừa đảo chiếm đoạt số tiền 1,2 tỉ đồng. Theo lời nạn nhân, trưa 2.8, bà nhận được điện thoại của một người xưng tên là Quỳnh làm việc tại Bưu chính Viễn thông bưu cục Đà Nẵng. Qua điện thoại, người phụ nữ này thông báo bà T. có gửi bưu kiện cho ông Trần Văn Quang ở nước ngoài. Tuy nhiên, bưu kiện này không gửi được, do có vấn đề. Quỳnh hứa sẽ trao đổi với lãnh đạo để liên hệ với Công an TP. Đà Nẵng. Khoảng 15 phút sau, bà T. nhận được điện thoại của người tự xưng là đại úy Phạm Tuấn Anh, cán bộ điều tra Công an TP. Đà Nẵng.

Qua điện thoại, người đàn ông này dọa rằng bưu kiện bà T. gửi có nhiều thẻ ngân hàng và bên trong các tài khoản này có số tiền lớn liên quan đến hoạt động tội phạm đang bị công an điều tra. Bà T. không tin, nhưng sau đó bị kẻ giả danh cảnh sát yêu cầu gửi tiền vào tài khoản ngân hàng do hắn cung cấp để kiểm tra. Người tự xưng là đại úy Phạm Tuấn Anh yêu cầu bà T. thống kê các tài khoản, sau đó mang tiền chuyển vào số tài khoản mang tên Trần Mạnh Hùng. Kẻ lừa đảo trấn an nạn nhân rằng nếu xác minh số tiền của bà T. không liên quan đến chuyên án họ đang điều tra, thì sẽ hoàn trả lại. Tin tưởng, bà T. mang 1,2 tỉ đồng ra ngân hàng chuyển vào tài khoản nêu trên. Qua ngày hôm sau, bà T. phát hiện bị lừa vì các số điện thoại kia đều tắt, nên báo cơ quan công an.

Nhóm lừa đảo, làm giả cả lệnh bắt để trấn áp tinh thần bị hại - Ảnh: Linh Lan

Công an TP.Cao Lãnh đã chuyển vụ việc đến Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Đồng Tháp để xác minh điều tra. Qua điều tra, phát hiện vào ngày 18.7, một nạn nhân tại TX.Thuận An (Bình Dương) cũng bị lừa chuyển số tiền 450 triệu đồng. Bọn chúng sử dụng thủ đoạn giả danh cán bộ công an, viện kiểm soát gọi điện thoại đe dọa nạn nhân, nói rằng có liên quan đến vụ án rửa tiền và mua bán ma túy. Những đối tượng lừa đảo yêu cầu nạn nhân kết bạn qua mạng xã hội, sau đó gửi lệnh bắt giam (giả) và yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản để xác minh. Bị hại bị trấn áp tinh thần và lo sợ nên đã chuyển 450 triệu đồng vào tài khoản của Trần Mạnh Hùng, mở tại chi nhánh Thủ Dầu Một (Bình Dương). Cũng với thủ đoạn này của chúng, có nạn nhân ở Đồng Nai cũng bị chiếm đoạt số tiền 24 triệu đồng.

Cơ quan công an đã triệu tập những người liên quan lên làm việc. Trần Mạnh Hùng khai nhận trước đó đã mở tài khoản ngân hàng và đưa cho Lê Minh Tâm (26 tuổi, tạm trú tại Bình Dương) quản lý. Qua điều tra, Tâm là giám đốc công ty chuyên cho thuê ô tô tự lái. Mỗi khi có người chuyển tiền vào tài khoản, Tâm gọi điện thoại yêu cầu người mở thẻ đến ngân hàng rút tiền mang về đưa lại cho mình. Khi được triệu tập lên làm việc, Tâm thừa nhận quen với người đàn ông mang quốc tịch Đài Loan, thường gọi là A Quý (39 tuổi). Những lần trao đổi, A Quý đặt vấn đề cần mua nhiều tài khoản của các ngân hàng, sau đó sẽ có người chuyển tiền vào.

Nhiệm vụ của Tâm rút số tiền này đưa cho A Quý, sau đó sẽ được trả một khoản tiền hoa hồng. Tâm đồng ý và cung cấp hàng loạt tài khoản ngân hàng cho A Quý. Trong quá trình mở rộng điều tra, công an đã bắt quả tang A Quý cùng 4 nghi phạm liên quan. Bước đầu xác định đây là băng nhóm tội phạm có tổ chức chuyên lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Băng nhóm do A Quý cầm đầu, sử dụng máy kích hoạt giọng nói, gọi điện thoại cho một số nạn nhân đe doạ họ có hành vi vi phạm pháp luật, yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản sau đó chiếm đoạt. Nhóm này đã gây ra hàng loạt vụ lừa đảo tại Bình Dương, Đồng Nai và Đồng Tháp.

Từng có nhiều nạn nhân

Cùng về hành vi này, trước đó tại Trà Vinh cũng xảy ra hàng loạt vụ lừa đảo. Ông N.T.L (65 tuổi), cán bộ hưu trí ngụ TP.Trà Vinh, đang ở nhà thì điện thoại bàn có cuộc gọi đến. Ông ta nghe máy, đầu dây bên kia tự xưng là nhân viên bưu điện thông báo, ông thiếu gần 9 triệu đồng cước phí. Ông L. khẳng định hằng tháng đều đóng tiền và có nhận hóa đơn. Người này nói số điện thoại đăng ký mang tên ông L. đăng ký tại TP.HCM và có nhiều cuộc gọi đi nước ngoài. Khi đó, người xưng nhân viên bưu điện yêu cầu nạn nhân cung cấp số CMND để nhờ công an tìm kẻ giả mạo. Ông L. tưởng sự việc dừng tại đó, nhưng sáng hôm hôm lại nhận được điện thoại của một người xưng là trung úy Phạm Quốc Cường, công tác tại Cục Cảnh sát kinh tế (Bộ Công an).

Tin nhắn trao đổi giữa kẻ lừa đảo với nạn nhân ở Trà Vinh - Ảnh: Linh Lan

Người xưng tên Cường đọc rõ tên họ, số CMND của ông L. và thông báo tài khoản ngân hàng do ông đứng tên vừa rút số tiền 518 triệu đồng. Ông L. ngã ngửa vì không hề biết vụ việc trên. Kẻ giả danh cảnh sát còn dọa rằng đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, trong đường dây buôn bán ma túy và trốn thuế, rửa tiền. Qua điện thoại, kẻ này còn nói đã có lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với ông L. để phục vụ công tác điều tra và sẽ phong tỏa toàn bộ tài khoản ngân hàng.

Người này yêu cầu ông L. giữ bí mật tuyệt đối, không tiết lộ cho người thứ 3. Nếu ông hợp tác tốt thì sẽ không bị bắt về TP.HCM và chỉ điều tra qua điện thoại. Nói xong, người tên Cường kết nối cho ông L. nói chuyện với người tự xưng là Dương Ngọc Hải, Viện trưởng Viện KSND TP.HCM. Sau đó, ông L. được người này gửi qua điện thoại lệnh bắt tạm giam. Lo sợ, ông L. đồng ý chuyển 100 triệu đồng, nhận được lời cam kết của họ sau khi xác minh xong sẽ chuyển trả lại.

Người xưng là Dương Ngọc Hải tiếp tục gọi cho ông L. nói đã xác minh số tiền trên và gửi hình ảnh qua zalo chứng nhận chuyển trả lại 100 triệu đồng. Thực tế người này không chuyển trả tiền mà yêu cầu ông L. chuyển tiếp 418 triệu đồng (trong tổng số 518 triệu mà chúng nói đã có người rút từ tài khoản do ông L. đứng tên). Ông L. yêu cầu gặp mặt làm việc thì lúc đó mới phát hiện bị lừa đảo.

Theo cơ quan điều tra, đây là nhóm đối tượng lừa đảo bằng công nghệ cao, với nhiều thủ đoạn tinh vi và có sự câu kết với người nước ngoài. Nạn nhân chủ yếu là công nhân viên chức, cán bộ hưu trí hoặc người nhẹ dạ khi kết bạn qua mạng. Tương tự, một nữ cán bộ 29 tuổi tại TP.Trà Vinh bị nhóm đối tượng dẫn dụ, 2 lần chuyển vào tài khoản và bị chiếm đoạt 790 triệu đồng. Bọn chúng yêu cầu chuyển thêm 100 triệu đồng nữa thì nữ cán bộ này than chỉ còn 48 triệu đồng và mang ra ngân hàng chuyển mới phát hiện bị lừa đảo.

Trong quá trình xác minh, cơ quan công an đã làm rõ, một số người lừa đảo thường tự xưng tên là đại úy công an Phạm Tuấn Anh, là Dương Ngọc Hải - cán bộ Viện KSND TP.HCM và sử dụng thủ đoạn trên để lừa đảo.

Linh Lan

   
Bài liên quan
Cảnh báo thủ đoạn mới giả mạo ứng dụng CSKH EVNSPC để lừa đảo khách hàng
Hiện nay, trên mạng internet đã xuất hiện thủ đoạn mới, tinh vi giả mạo nền tảng tải app của Google Play nhằm lừa khách hàng tải ứng dụng mạo danh app CSKH EVNSPC để lừa đảo khách hàng sử điện tại khu vực miền Nam nói riêng và cả nước nói chung.​

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bắt băng nhóm giả danh công an, viện kiểm sát lừa đảo chiếm đoạt tiền