Nhiều ý kiến cho rằng cần giao quyền tự chủ, tự quyết định cho các địa phương trong sử dụng ngân sách, huy động vốn…tại vùng này.
Cần giao quyền tự chủ, tự quyết định cho các địa phương trong sử dụng vốn, đào tạo nguồn nhân lực và sử dụng nguồn ngân sách nhà nước để phát triển kinh tế vùng. Đây là một trong những nội dung được đưa ra tại Hội thảo Cơ chế, chính sách phát triển Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam do Hội đồng Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam tổ chức sáng 23.12tại TP. HCM.
Dự hội thảo có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. HCM Đinh La Thăng, lãnh đạo các bộ, ngành, các địa phương trong vùng, các chuyên gia, nhà khoa học.
Nhiều ý kiến cho rằng, liên kết vùng chưa chặt chẽ, rõ nét, chưa phát huy được thế mạnh của từng tỉnh, thành. Hiện nay, chủ yếu mới chỉ là liên kết giữa TP. HCM với từng tỉnh chứ chưa có sự liên kết giữa các tỉnh trong vùng với nhau.
Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam cũng chưa có cơ chế, giải pháp chung giữa các địa phương, thiếu định hướng và chiến lược tổng thể. Từ đó thiếu sự gắn kết, phân công giữa các địa phương, chưa có đầu mối tạo sự liên kết trong vùng. Do đó, việc tổ chức thưc hiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội từng địa phương chưa gắn được với quy hoạch chung của vùng.
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bà rịa – Vũng tàu cho rằng, liên kết vùng có giá trị khi nó thúc đẩy được lợi thế so sánh của mỗi tỉnh. Nhưng hiện nay lợi thế so sánh của Bà Rịa - Vũng Tàu chưa được phát triển mạnh, nên liên kết vùng hiện nay chưa phát huy hiệu quả.
Thực tế phát triển của các địa phương hiện nay đòi hỏi liên kết Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam cần gắn với bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, mở rộng kết nối giao thông và khai thác hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyển giao công nghệ…
Để làm được điều này, nhiều đại biểu đề nghị Trung ương cử một Phó Thủ tướng chỉ đạo riêng cho vùng, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng địa phương, trong đó TP.HCM đóng vai trò đầu tàu. Đồng thời, giao quyền tự chủ, tự quyết định cho các địa phương trong sử dụng ngân sách, huy động vốn, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho sự phát triển của toàn vùng.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may - thêu đan TP.HCM cho rằng, ở mỗi lĩnh vực, mỗi ngành nghề cũng cần có những cơ chế, chính sách riêng để khuyến khích phát triển, từ đó tạo mối liên kết giữa các ngành nghề, các địa phương trong vùng.
“Cần có những cơ chế chính sách, tạo điều kiện thuận lợi hơn về đất đai, những chính sách cho vay để đầu tư các cơ sở, các công ty sản xuất nguyên, phụ liệu như dệt đòi hỏi đầu tư lớn. Như vậy, rất cần sự hỗ trợ, chia sẻ của nhà nước, của các tỉnh để tạo cho các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, mạnh dạn liên kết”, ông Hồng cho biết.