Chiều 16.10, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị đánh giá kết quả công tác phối hợp giữa Chính phủ và Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam năm 2021 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2022.

Cần sớm đưa người lao động trở lại doanh nghiệp sản xuất

P.V | 17/10/2021, 07:30

Chiều 16.10, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị đánh giá kết quả công tác phối hợp giữa Chính phủ và Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam năm 2021 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2022.

thu-tuong1.jpeg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cùng dự hội nghị có Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cùng lãnh đạo một số bộ, ngành, cơ quan trung ương.

Sớm đưa người lao động trở lại doanh nghiệp sản xuất

Các báo cáo, ý kiến phát biểu tại hội nghị đánh giá thời gian qua, Chính phủ và Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ, đóng góp vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động, nhất là trong chăm lo, hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19.

Đến nay, đã hỗ trợ gần 16 nghìn tỉ đồng cho hơn 19 triệu người dân, người lao động (theo Nghị quyết 68/NQ-CP). Triển khai hỗ trợ khoảng 38 nghìn tỉ đồng từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho gần 13 triệu lao động, gần 390 nghìn người sử dụng lao động (theo Nghị quyết 116/NQ-CP)…. Công đoàn các cấp đã hỗ trợ đoàn viên, người lao động với tổng số tiền hơn 5.500 tỉ đồng.

Các đại biểu cũng tập trung thảo luận về các vấn đề đang đặt ra liên quan tới đời sống công nhân, người lao động như khắc phục đứt gãy thị trường lao động; giải quyết nhà ở cho công nhân; xây dựng các trường mầm non phục vụ con em công nhân; hỗ trợ sóng và máy tính cho con em công nhân, lao động gặp khó khăn học tập trực tuyến…

Các đại biểu cho rằng nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm trong giai đoạn hiện nay là khắc phục tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, cần sớm đưa người lao động trở lại doanh nghiệp sản xuất an toàn, có thu nhập, ổn định cuộc sống; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội.

chu-tich.jpg
Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phát biểu kết luận, Thủ tướng đánh giá hai bên có nhiều hoạt động thiết thực trong phối hợp phòng chống dịch bệnh COVID-19, lắng nghe ý kiến người lao động và doanh nghiệp để đưa ra các chính sách phù hợp, kịp thời ban hành nhiều gói hỗ trợ, chăm lo đời sống, giảm bớt khó khăn cho người lao động, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; phối hợp chặt chẽ trong xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động. 

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương, đánh giá rất cao những đóng góp của các cấp công đoàn và người lao động, công nhân trong phòng chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời khẳng định thấu hiểu, chia sẻ, cảm thông sâu sắc với những mất mát, hy sinh, những khó khăn, thách thức của giai cấp công nhân, người lao động, các cấp công đoàn trong thời gian vừa qua.

Giải quyết kịp thời nhu cầu, quyền lợi chính đáng của người lao động

Về trọng tâm công tác phối hợp thời gian tới, Thủ tướng đề nghị phải thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, vừa phòng chống dịch thành công, vừa mau chóng khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội. Thủ tướng nêu rõ kiểm soát được dịch bệnh thì mới có thể khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, ngược lại, có khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội thì mới có nguồn lực chống dịch và bảo đảm các nhu cầu khác của đất nước.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của nhiệm vụ khắc phục tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, sớm đưa người lao động trở lại doanh nghiệp sản xuất an toàn, Thủ tướng nêu nhiều giải pháp cụ thể như bảo đảm phúc lợi, an sinh xã hội, bảo vệ, nâng cao lợi ích (cả vật chất và tinh thần) chính đáng và hợp pháp của người lao động; xây dựng chương trình nâng cao tay nghề cho người lao động và công nhân, đi đôi với phát triển sản xuất kinh doanh để tạo công ăn việc làm ổn định… Thủ tướng đã giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Tổng liên đoàn và các cơ quan khác triển khai cụ thể các nhiệm vụ này.

hoi-nghi11.jpg
Nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm, hàng đầu trong giai đoạn hiện nay là khắc phục tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng lao động - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Về các đề xuất, kiến nghị của Tổng liên đoàn, Thủ tướng giao các Bộ, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quy định hiện hành khẩn trương xử lý, giải quyết; báo cáo các cấp những vấn đề vượt thẩm quyền.

Trong đó, về vấn đề nhà ở công nhân, Thủ tướng yêu cầu tập trung giải quyết theo hướng hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; bố trí, quy hoạch quỹ đất; có cơ chế phù hợp với cơ chế thị trường để huy động các nguồn lực, nhất là hợp tác công tư để công đoàn, địa phương và các doanh nghiệp tham gia, đồng thời bố trí kinh phí đầu tư công trung hạn cho công tác này. Kế hoạch đầu tư công trung hạn cũng dự kiến bố trí thêm kinh phí để tăng cường đào tạo, nâng cao tay nghề cho công nhân.

Liên quan tới đời sống công nhân, Thủ tướng cho biết Đảng, Nhà nước đã và đang rất quyết liệt, tích cực triển khai chiến lược vắc xin, ngoại giao vắc xin, phấn đấu trong quý 4/2021 bao phủ vắc xin cho các đối tượng ưu tiên, trong đó có công nhân.

Thủ tướng mong muốn các cấp công đoàn, công nhân, người lao động và các doanh nghiệp tích cực, phát huy tối đa tính chủ động, sáng tạo, nâng cao tính tự chủ, tinh thần trách nhiệm trong phòng chống dịch để góp phần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động.

Bài liên quan
Người lao động cần nhận diện các 'chiêu trò' lừa đảo, tránh bị chiếm đoạt tài sản
Thời gian gần đây, các nhóm lừa đảo thường 'đánh' vào tâm lý của nạn nhân, đưa ra những tình huống khơi dậy lòng tham hoặc nỗi lo sợ của nạn nhân, ví dụ như người thân đang bị tai nạn cấp cứu, tài khoản ngân hàng bị khóa, trúng giải độc đắc... để có thể thao túng tâm lý nạn nhân trong thời gian ngắn hòng chiếm đoạt tài sản.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
10 giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần sớm đưa người lao động trở lại doanh nghiệp sản xuất