Theo The Guardian, đại dịch coronavirus hiện tại là hậu quả của việc các chính trị gia không lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học và là sự thất bại của các chính phủ đã không đảm đương được nhiệm vụ chính của họ.
Là tổng biên tập của tạp chí y khoa lâu đời nhất và có uy tín nhất The Lancet, bác sĩ Richard Horton, giải thích trong chuyên mục trên tờ The Guardian rằng trong 30 năm qua, các chuyên gia đã nhiều lần chỉ ra sự cần thiết phải chuẩn bị đối phó với các bệnh nhiễm trùng mới, nhưng lời khuyên của họ hết lần này đến lần khác đều đã bị bỏ qua.
Ví dụ, cuốn sách Bệnh dịch sắp tới (The Come Plague) của Laurie Garret xuất bản năm 1994, có nêu cảnh báo rằng lối sống hiện đại là môi trường lý tưởng để lây lan vi rút và vi khuẩn nguy hiểm. Sau 10 năm, các chuyên gia của Viện y học Mỹ cảnh báo rằng thế giới chưa sẵn sàng cho sự bùng phát dịch SARS toàn cầu, như kinh nghiệm về dịch SARS ở Trung Quốc năm 2003 cho thấy. Nếu dịch SARS tái phát, các hệ thống chăm sóc sức khỏe trên toàn thế giới sẽ chịu áp lực cực lớn. Các nhà vi rút học của đã cảnh báo như vậy từ 16 năm trước.
Các tín hiệu báo động không chỉ đến từ các nhà khoa học, mà còn từ chính tự nhiên. Trong nhiều thập niên, loài người đã phải đối mặt với sự bùng phát của những căn bệnh mới chết người, từ vi rút Nipah đến SARS và hội chứng hô hấp Trung Đông. Ví dụ gần đây nhất là dịch bệnh Ebola trên diện rộng ở lục địa châu Phi.
“Nhiệm vụ đầu tiên của chính phủ là bảo vệ công dân của mình. Rủi ro đại dịch có thể được đo lường và định lượng. Sự nguy hiểm của một dịch bệnh mới đã được biết và hiểu rõ từ khi HIV xuất hiện vào những năm 1980. Kể từ đó, 75 triệu người mắc bệnh và 32 triệu người đã chết.Theo Richard Horton, HIV đã không lây nhiễm cho toàn thế giới với tốc độ như Sars-CoV-2, nhưng nó đáng lẽ phải cảnh báo các chính phủ về sự cần thiết phải chuẩn bị cho sự bùng phát của loài vi rút mới.
Thật dễ hiểu tại sao nhân loại, bao gồm các chính trị gia, đã không đặc biệt chú ý đến mối đe dọa của một đại dịch. Đại đa số người dân hiện chưa bao giờ trải nghiệm bất cứ điều gì như thế này, điều đó có nghĩa là họ không thể đánh giá chính xác các rủi ro. Do đó, tin tức về sự xuất hiện của một loại coronavirus mới ở Trung Quốc được các nước phương Tây coi là không quan trọng trong một thời gian dài và lầm tưởng SARC-CoV-2 không nguy hiểm hơn bệnh cúm.
Đánh giá rủi ro không chính xác đã không cho phép các hệ thống y tế chuẩn bị đối phó với đại dịch. Do đó, thiếu thiết bị chăm sóc đặc biệt và thiết bị bảo vệ cá nhân cho bác sĩ.
Hiện tại, các nhà khoa học đang cảnh báo rằng để đánh bại coronavirus, các biện pháp cách ly phải được duy trì cho đến khi phát triển được vắc xin. Trong trường hợp ngược lại, các quốc gia đang hết dần làn sóng dịch coronavirus sẽ có nguy cơ phải đối mặt với một đợt bùng phát thứ hai, thậm chí còn tàn khốc hơn.
Vũ Trung Hương