Nhóm người lừa đảo đã lợi dụng sự nhẹ dạ của người dân để hù doạ và yêu cầu nộp phạt vi phạm giao thông để chiếm đoạt tài sản.

Cẩn trọng với những cuộc gọi lừa đảo nộp phạt vi phạm giao thông

Trần Khải | 11/09/2022, 18:45

Nhóm người lừa đảo đã lợi dụng sự nhẹ dạ của người dân để hù doạ và yêu cầu nộp phạt vi phạm giao thông để chiếm đoạt tài sản.

Gần đây, PV Một Thế Giới nhận được nhiều phản ánh của người dân ở các tỉnh, TP vùng ĐBSCL về tình trạng bị số điện thoại lạ gọi thông báo về việc vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ như: chạy quá tốc độ quy định, sai làn đường, vượt đèn đỏ… và yêu cầu họ nộp phạt gấp.

lua.jpeg
Người dân cần cảnh giác với các hành vi lừa đảo bằng thiết bị công nghệ - Ảnh minh hoạ

Anh T.T.D. (ngụ huyện Ngọc Hiển, Cà Mau) cho biết: “Cuộc gọi đó được thu âm sẵn với giọng nữ miền Nam. Tôi vừa nhấc máy là họ phát một lèo, nói ở Cục Cảnh sát Giao thông rồi thông tin là tôi có một biên lai cần nộp phạt gấp và yêu cầu nhấn phím 9 để được hỗ trợ. Khi tôi nhấn phím 9, họ đọc họ tên rồi nói tôi điều khiển ô tô vượt đèn đỏ”.

Theo anh D., ban đầu khi nghe cuộc gọi như vậy thì tâm trạng anh có phần lo lắng vì không rõ trong lúc điều khiển phương tiện giao thông trên đường thì bản thân có mắc lỗi vượt quá tốc độ và bị camera giám sát ghi nhận hay không.

“Khi định hình lại thì tôi không còn sợ nữa vì bản thân luôn tuân thủ tốc độ khi tham gia giao thông. Họ nói mình lái ô tô vi phạm vượt đèn đỏ thì tôi biết là lừa đảo rồi. Nếu ai nhẹ dạ làm theo hướng dẫn của chúng thì rất có thể 'tiền mất tật mang'. Đúng là giờ bọn lừa đảo quá tinh vi, toàn sử dụng công nghệ cao”, anh D. nói.

Tình trạng này cũng xảy ra với anh T.Q.K. (ngụ TP.Cà Mau). Theo anh K., hồi cuối tuần, sau khi đưa con trai đi học thêm thì anh nhận được cú điện thoại tương tự. Khi bắt máy, anh K. cũng nghe thấy giọng nói của người phụ nữ miền Nam yêu cầu anh nộp phạt gấp.

“Cuộc gọi không có người nói chuyện trực tiếp mà được ghi âm và phát lại. Họ nói ở Cục CSGT và yêu cầu tôi ấn phím 9 để được hỗ trợ nộp phạt. Thoạt nghe là tôi biết đây là bọn lừa đảo rồi, bởi nếu khi điều khiển mô tô, xe gắn máy trên đường mà vi phạm các lỗi tốc độ, đi sai làn, vượt đèn đỏ… thì Phòng CSGT Công an ở tỉnh, TP đó ra biên bản và gửi về địa chỉ thường trú của cá nhân để yêu cầu nộp phạt, chứ đâu liên quan gì đến Cục CSGT”, anh K. nêu quan điểm.

lua-1.jpg
Bất kỳ tổ chức, cá nhân nào vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ qua hệ thống camera giám sát đều có biên bản gửi về nơi cư trú

Anh P.T.N. (ngụ quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) chia sẻ, vài hôm trước anh cũng nhận được cuộc gọi lạ như các trường hợp trên. “Họ nói tôi lái chiếc Vios vi phạm giao thông ở Đà Nẵng. Nghe đến đó là tôi tắt máy liền. Bọn lừa đảo bây giờ điều gì cũng nghĩ ra, bởi thế người dân phải thật sự sáng suốt, thận trọng khi nghe các cuộc gọi tương tự, đừng làm theo hướng dẫn mà mất tiền oan uổng”, anh N. cho biết.

Chia sẻ về vấn đề trên, thiếu tá Trần Anh Khoa, Trưởng công an xã Trí Phải, huyện Thới Bình (Cà Mau) khuyến cáo: “Gần đây, tôi đã nhận được phản ánh về nhiều trường hợp như vậy nhưng chưa ghi nhận ai bị lừa tiền. Đây là hành vi lừa đảo nên bà con phải thật sự cảnh giác. Khi nhận cuộc gọi tương tự, người dân phải bình tĩnh xử trí, hỏi rõ chúng rằng mình vi phạm thời gian nào, lỗi gì, ở đâu để làm cơ sở về sau.

Bây giờ vi phạm là biên bản sẽ được gửi thẳng về địa phương chứ không có kiểu thu phạt bằng cách gọi điện và buộc người vi phạm làm theo hướng dẫn như vậy. Khi gặp phải vấn đề này, người dân không được hoang mang, tránh trở thành con mồi cho kẻ gian và phải trình báo ngay cho cơ quan công an gần nhất”.

Bài liên quan
Chùm ảnh: Cận cảnh khô hạn ở vùng ngọt Cà Mau
Do tác động của biến đổi khí hậu, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Cà Mau chịu nhiều ảnh hưởng do hạn hán như thiếu nước sinh hoạt, sản xuất, sụt lún đất... làm thiệt hại hàng chục tỉ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL: Nhiều kênh rạch cạn kiệt nước, giao thông thủy gặp khó khăn
7 giờ trước Bảo vệ môi trường
Vào cuối năm 2023, Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam đã dự báo mực nước sông Cửu Long xuống thấp do mưa mùa kết thúc sớm và mùa mưa năm 2024 đến muộn hơn. ĐBSCL không chỉ bị hạn mặn, nắng nóng, thiếu nước canh tác nông nghiệp… mà giao thông đường thủy gặp nhiều khó khăn do mực nước kênh rạch xuống rất thấp.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cẩn trọng với những cuộc gọi lừa đảo nộp phạt vi phạm giao thông