Moderna đang chống lại áp lực từ Nhà Trắng để tăng cường tài trợ quốc tế vắc xin COVID-19 của hãng này vào năm 2022, theo ba người có kiến ​​thức trực tiếp về vấn đề này.

Căng thẳng giữa Moderna và chính quyền Biden gia tăng vì chuyện sản xuất thêm vắc xin COVID-19 tặng các nước

Sơn Vân | 08/10/2021, 16:21

Moderna đang chống lại áp lực từ Nhà Trắng để tăng cường tài trợ quốc tế vắc xin COVID-19 của hãng này vào năm 2022, theo ba người có kiến ​​thức trực tiếp về vấn đề này.

Chính quyền Biden trong nhiều tháng đã thúc giục Moderna tăng cường sản xuất trong nước, nhằm nỗ lực thực hiện cam kết của Tổng thống là đưa Mỹ trở thành "kho vắc xin" cho thế giới.

Nhà Trắng đã viện trợ hàng chục triệu liều vắc xin COVID-19 của Moderna cho nước ngoài. Việc thúc đẩy nhiều hơn được đưa ra bất chấp việc Moderna đã đồng ý cung cấp 500 triệu liều vắc xin COVID-19 cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, bao gồm cả 34 triệu liều trong năm nay, thông qua chương trình viện trợ vắc xin quốc tế được gọi là Cơ chế COVAX.

Phát triển vắc xin COVID-19 công nghệ mRNA của mình với sự giúp đỡ về mặt khoa học và tài chính từ chính phủ Mỹ, Moderna đã tránh đưa ra các cam kết bổ sung, hai nguồn tin của trang Politico cho biết. Công ty công nghệ sinh học Mỹ đã viện dẫn những lo lắng về khả năng cân bằng các trách nhiệm trong nước và quốc tế.

Tuy nhiên, các quan chức chính quyền Biden tin rằng sự miễn cưỡng cũng một phần do lo ngại về tài chính: Nếu Moderna đồng ý bán vắc xin cho các nước nghèo hơn, Nhà Trắng có thể sẽ yêu cầu họ làm như vậy với giá thấp, gây áp lực lên lợi nhuận.

Lập trường từ Moderna khiến các quan chức y tế hàng đầu của ông Biden tức giận, những người đã gây sức ép với phía lãnh đạo công ty Mỹ trong các cuộc họp “rất căng thẳng” gần đây.

Các cuộc thảo luận giữa chính phủ liên bang và Moderna có thể làm suy yếu nỗ lực của chính quyền Biden trong việc vận chuyển nhiều liều vắc xin COVID-19 hơn ra nước ngoài khi bắt đầu triển khai các đợt tiêm liều tăng cường cho người Mỹ.

Một quan chức chính quyền Biden cấp cao cho biết: “Chúng tôi cần họ nâng cao sức mạnh trong ngắn hạn, tăng đáng kể liều lượng vắc xin mà họ phân phối tới các nước có thu nhập thấp và trung bình”.

Nhà Trắng từ chối bình luận về vấn đề này. Moderna vẫn chưa trả lời trước các cáo buộc về động cơ tài chính của họ.

moderna-va-chinh-quyen-biden-gia-tang-cang-thang1.jpg
Chính quyền Biden muốn Moderna gia tăng sản xuất vắc xin COVID-19 để tặng các nước

Trong bối cảnh căng thẳng đang diễn ra, Moderna đã thông báo vào đầu ngày 7.10 rằng sẽ xây dựng một trung tâm sản xuất vắc xin ở châu Phi để tạo ra 500 triệu liều mỗi năm. Tuy nhiên, Moderna chưa chọn một địa điểm hoặc đặt thời hạn để mở cơ sở.

Trong khi vẫn đang nỗ lực nâng cao năng lực trong mạng lưới hiện tại để cung cấp vắc xin chống đại dịch đang xảy ra vào năm 2022, chúng tôi tin rằng điều quan trọng là phải đầu tư vào tương lai”, Giám đốc điều hành Moderna - Stéphane Bancel nói.

Các cuộc đàm phán căng thẳng giữa chính quyền Biden với Moderna hoàn toàn trái ngược với mối quan hệ của họ với Pfizer - BioNTech.

Pfizer - BioNTech đã từ chối nhận viện trợ của chính phủ Mỹ để tự phát triển vắc xin COVID-19 công nghệ mRNA nhưng đã làm việc với chính quyền Biden để tăng cường tặng vắc xin trên toàn cầu. Vào tháng 9.2021, hai công ty đã ký thỏa thuận với chính phủ liên bang để cung cấp 1 tỉ liều vắc xin COVID-19 của họ tặng các nước trước tháng 9.2022.

Tháng 8.2021, Nhà Trắng đã thông báo sẽ bắt đầu triển khai tiêm liều vắc xin thứ ba cho hầu hết người lớn trong vòng vài tuần, làm dấy lên những lời chỉ trích từ các nhà khoa học hàng đầu trong nước và các chuyên gia y tế nước ngoài. Họ lập luận rằng thay vào đó, Mỹ nên tập trung vào việc tặng vắc xin COVID-19 cho các nước thiếu nguồn cung trên toàn cầu.

Kể từ đó, chính quyền Biden đã cố gắng làm việc với Moderna để tìm ra những cách mới để tăng liều lượng vắc xin sẵn có để tặng.

Đây là điều mà chính quyền đã cố gắng để Moderna cam kết thực hiện trong một thời gian dài. Thật là khó khăn", một trong những cá nhân có kiến ​​thức trực tiếp về tình hình cho biết.

Hôm 7.10, Moderna cho biết trung tâm vắc xin dự kiến ​​của hãng sẽ tốn tới 500 triệu USD để xây dựng và cuối cùng họ có thể sản xuất các mũi tiêm phòng các bệnh khác bằng cách sử dụng cùng công nghệ mRNA.

Thế nhưng, các chuyên gia bên ngoài ước tính rằng việc xây dựng một cơ sở từ đầu, thuê và đào tạo nhân viên có thể mất nhiều năm. Động thái này khó có thể làm hài lòng Nhà Trắng vốn chỉ vài tuần trước đã đặt mục tiêu chấm dứt đại dịch COVID-19 vào tháng 9.2022.

"Chúng tôi muốn họ tăng liều lượng vắc xin có thể xảy ra trong thời gian rất ngắn", quan chức chính quyền Biden cấp cao nói.

Hàng tỉ USD tiền đóng thuế từ người dân đổ vào việc phát triển loại vắc xin này chỉ khiến các quan chức Mỹ thêm thất vọng về sự do dự của Moderna trong việc hỗ trợ thêm cho các nỗ lực quốc tế của Tổng thống Biden. "Chính phủ Mỹ đã đồng phát minh ra vắc xin. Chúng tôi đã chi hơn 8 tỉ USD", quan chức này tiết lộ.

Trong khi đó, Moderna cũng đang phải đối mặt và chống lại áp lực ngày càng lớn từ các nhà hoạt động cùng các tổ chức quốc tế để chia sẻ công thức vắc xin của mình với các nhà sản xuất ở các quốc gia khác.

Đầu năm nay, chính quyền Biden đã chính thức ủng hộ việc từ bỏ bảo hộ bằng sáng chế cho vắc xin COVID-19 để mở rộng sản xuất trên toàn thế giới. Song đề xuất đó bị cả các nhà sản xuất thuốc và một số nước châu Âu phản đối quyết liệt.

Bài liên quan
Thai phụ được tiêm vắc xin Moderna/Pfizer truyền lượng kháng thể cao cho con
Phụ nữ được tiêm vắc xin COVID-19 của Moderna/Pfizer sẽ truyền kháng thể cho thai nhi; các nhà khoa học lập biểu đồ kháng thể trên sự gia tăng đột biến của vi rút. Đó là 2 nghiên cứu mới được công bố gần đây.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
8 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Căng thẳng giữa Moderna và chính quyền Biden gia tăng vì chuyện sản xuất thêm vắc xin COVID-19 tặng các nước