CSGT không thể dùng mình trần xác thịt và ý chí để đối đầu với những trường hợp tài xế điên rồ mà phải có những biện pháp nghiệp vụ khác. Nghiệp vụ công an không thể nôn nóng và luôn đòi hỏi phải chuyên nghiệp.

Cảnh sát giao thông: đừng tự đặt mình vào tình trạng nguy hiểm

17/04/2017, 07:53

CSGT không thể dùng mình trần xác thịt và ý chí để đối đầu với những trường hợp tài xế điên rồ mà phải có những biện pháp nghiệp vụ khác. Nghiệp vụ công an không thể nôn nóng và luôn đòi hỏi phải chuyên nghiệp.

Ảnh minh họa

Trước hết, xin chia buồn cùng gia đình và đồng đội của thiếu tá cảnh sát giao thông Lê Quang Minh, thuộc Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Đồng Nai. Thiếu tá Minh hy sinh khi đang làm nhiệm vụ.

Theo báo cáo ban đầu của Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) thuộc Công an TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai về vụ việc này thì lúc 19 giờ 15 tối 15.4, tại trạm thu phí cầu Đồng Nai, đoạn thuộc Km1872, tuyến quốc lộ 1 (khu phố 10, P.An Bình, TP.Biên Hòa), tổ tuần tra kiểm soát của Phòng CSGT đường bộ đường sắt (PC67) Công an tỉnh Đồng Nai đang làm nhiệm vụ thì xe tải thùng mang biển số 60C-107.62 (chưa xác định được danh tính người lái) chạy hướng ngã tư Vũng Tàu đi TP.HCM ngang qua. Tổ tuần tra kiểm soát ra hiệu lệnh dừng xe nhưng lái xe không chấp hành mà cho xe chạy tiếp. Khi đến khu vực trước cabin gác chắn thu phí, thiếu tá Lê Quang Minh (41 tuổi) đuổi theo yêu cầu lái xe dừng lại.

Một nhân viên trạm thu phí kể lại, sau khi tranh cãi với thiếu tá Minh, lái xe không chấp hành và lên xe chạy tiếp. Lúc này, thiếu tá Minh bám vào gương chiếu hậu bên trái xe tải yêu cầu dừng lại thì trượt ngã và bị bánh sau xe tải cán lên người tử vong tại chỗ. Sau tai nạn, lái xe tải đã bỏ trốn khỏi hiện trường. Sau khi nhận tin báo, lực lượng chức năng đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường tổ chức khám nghiệm, điều tra vụ việc.

Trong khi đó, đại diện của chủ xe cho biết xe tải trên đang chở heo từ Đồng Nai về TP.HCM tiêu thụ. Chủ xe cho biết đã làm việc với cơ quan chức năng ngay sau khi biết tai nạn xảy ra và đang liên hệ với tài xế nhưng chưa liên lạc được.

Tình hình cho thấy do sợ mức phạt nặng và một số trường hợp khác là do tài xế uống rượu nên mọi phương tiện giao thông luôn rất nguy hiểm với CSGT nếu không khéo xử lý.

Chẳng hạn, rạng sáng 24.2.2011, trong khi đang làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát giao thông trên tuyến quốc lộ 1A, đại úy Đồng Đại Khánh, thuộc Đội CSGT 4.1, Phòng CSGT Công an tỉnh Thanh Hóa đã hy sinh.

Trong khi tổ tuần tra đang tiến hành kiểm tra một phương tiện trên đường thì bất ngờ chiếc xe ô tô tải mang BKS 75K-0949 (tài xế Nguyễn Đình Minh điều khiển) lưu thông theo hướng Bắc - Nam, do không làm chủ tốc độ đã đâm vào đại úy Đồng Đại Khánh, Đội phó Đội tuần tra CSGT 4.1, thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh Thanh Hoá. Đại úy Khánh đã được đưa vào Bệnh viện huyện Tĩnh Gia cấp cứu, nhưng do vết thương quá nặng nên đã không qua khỏi.

Không chỉ xe tải, xe ô tô con, xe máy cũng là nguồn nguy cơ cao với CSGT.

Chiều 21.8.2015 tại nút giao Hồ Tùng Mậu – Lê Đức Thọ (Cầu Giấy, Hà Nội), tổ cảnh sát liên ngành Y13/141 ra hiệu lệnh dừng xe một nam thanh niên không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy. Bị chặn đầu sau vài chục mét phóng bỏ chạy, người này đã tăng ga, lao xe vào một cảnh sát đứng trước mặt khiến anh này bị hất văng rồi ngã xuống đường. Nam thanh niên bị tổ công tác khống chế lập tức.

Lãnh đạo Đội CSGT số 7 (Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội) xác nhận người bị tấn công là thiếu úy Nguyễn Đức Hoàn, thuộc quản lý của đơn vị. Anh Hoàn bị thương vùng trán và chân, may mắn không nguy hiểm tới tính mạng.

Đêm 19.12.2016, trên quốc lộ 39 (thuộc địa phận huyện Kim Động, Hưng Yên), anh Bùi Văn Sang (34 tuổi, trú tại đường Kim Ngưu, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) điều khiển xe ô tô BMW – X5 mang BKS 30A-7593 đã gây tai nạn cho anh Đỗ Đức Việt (23 tuổi, trú tại huyện Kim Động) điều khiển xe Dream BKS 89D1-030.91. Ngay sau khi tai nạn xảy ra, thay vì phải ở lại hiện trường để giải quyết vụ việc, lái xe BMW đã tăng ga bỏ chạy. Nhận được thông báo của người dân về vụ việc, Phòng CSGT Hưng Yên đã huy động tổ công tác tuần tra lưu động trên đường tổ chức truy tìm chiếc xe trên.

Khi lái xe bỏ chạy được 12km trên tỉnh lộ 379, đoạn thuộc địa phận xã Tân Dân (huyện Khoái Châu, Hưng Yên), thì bị tổ công tác phát hiện và ra tín hiệu dừng nhưng tài xế không chấp hành, lái xe đâm thẳng vào xe CSGT làm thượng úy Bùi Đức Toàn bất tỉnh, gục trên đường, cả hai phương tiện đều bị hư hỏng. Anh Toàn đã được đồng đội và người dân đưa vào bệnh viện đa khoa tỉnh cấp cứu. Lái xe Bùi Văn Sang được triệu tập về Công an huyện Khoái Châu lấy lời khai để điều tra vụ việc. Tại thời điểm kiểm tra, tài xế Sang có nồng độ cồn là 0,48mg/l khí thở, vượt quá mức cho phép khi điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.

Một vấn đề gây tranh cãi là CSGT có quyền truy đuổi người vi phạm Luật Giao thông không? Câu trả lời là có và không. Hiện nay chưa có quy định nào của pháp luật về việc cho phép CSGT truy đuổi người vi phạm giao thông, mà chỉ có quy định cho phép cảnh sát giao thông dừng xe của người điều khiển vi phạm lại một cách an toàn.

Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012: “Mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật” và khoản 3 Điều 5 Thông tư 65/2012/TT-BCA quy định cảnh sát giao thông “được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm cho việc xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật…”.

Mặt khác theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 208/2013/NĐ-CP: “Hành vi chống người thi hành công vụ là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của người thi hành công vụ hoặc có hành vi khác nhằm cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ được giao hoặc ép buộc người thi hành công vụ không thực hiện nhiệm vụ được giao”.

Như vậy, khi có hiệu lệnh dừng xe của CSGT mà chủ phương tiện không chấp hành, bỏ chạy thì đây được coi là hành vi chống người thi hành công vụ. CSGT có quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn hành vi này, trong đó có quyền bắt giữ người có hành vi chống đối. Việc truy đuổi đến cùng người vi phạm giao thông bỏ chạy khi có hiệu lệnh dừng xe của CSGT vẫn là phù hợp quy định pháp luật.

Tuy nhiên, thực tế tình hình căng thẳng giữa CSGT và người điều khiển xe gần đây cho thấy CSGT không nhất thiết truy đuổi quyết liệt những trường hợp vi phạm đơn giản, hoặc việc truy đuổi có thể gây nguy hiểm cho chính CSGT, người vi phạm và chủ thể khác như người đi đường.

Cảnh sát công lộ các nước thường chỉ dùng xe chạy phía sau xe vi phạm và hụ còi cho đến khi xe vi phạm dừng lại và luôn thông báo để có lực lượng hỗ trợ. Biện pháp khác là dùng chướng ngại vật hoặc phương tiện cơ động như xe tải để chặn đường buộc xe vi phạm dừng lại.

Nhiều sĩ quan chống tội phạm về hưu nói rằng, CSGT Việt Nam cần phải có hệ thống liên lạc bằng sóng FM để có thể kịp thời phối hợp ngăn chặn người vi phạm giao thông hoặc tội phạm đường phố mà không gây nguy hiểm.

Qua nhiều vụ việc CSGT “bám càng”, bám capô xe vi phạm làm mất hình ảnh cũng như tự đặt mình vào tình thế nguy hiểm, cách xử lý này cần được ngành công an nghiêm cấm sau trường hợp đã có sĩ quan CSGT hy sinh như trên. CSGT không thể dùng mình trần xác thịt và ý chí để đối đầu với những trường hợp điên rồ như vậy mà phải có những biện pháp nghiệp vụ khác. Nghiệp vụ công an không thể nôn nóng và luôn đòi hỏi phải chuyên nghiệp.

Theo Bộ Công an, từ năm 1986 đến nay có 162 cán bộ, chiến sĩ công an hy sinh, 1.043 chiến sĩ bị thương nặng và thương tật vĩnh viễn. Hiện, tình hình an ninh trật tự và hoạt động của các loại tội phạm vẫn diễn biến phức tạp; tính chất, mức độ, phương thức, thủ đoạn ngày càng nguy hiểm.

Tại hội thảo “Giải pháp bảo đảm an toàn cho cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân trong phòng, chống tội phạm” ngày 14.4, thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an đã nhấn mạnh một số nội dung bảo đảm an toàn cho nhân dân và lực lượng công an trong phòng, chống tội phạm. Theo đó, mỗi cán bộ, chiến sĩ công an cần tích cực chủ động tự bảo vệ mình, bảo vệ nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tội phạm; nêu cao bản lĩnh, biết tranh thủ vận động sự ủng hộ, giúp đỡ của quần chúng nhân dân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Nói như vậy không có nghĩa là mặc kệ tội phạm mà phải thay đổi phương pháp công tác để không hy sinh, tổn thất mà vẫn giữ nghiêm được trật tự an toàn giao thông.

Hoàng Linh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghệ thông tin là ngành luôn ‘khát nhân lực’
21 phút trước Khoa học - công nghệ
Ngày 28.3, Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) cùng Trung tâm Hỗ trợ và tư vấn chuyển đổi số TP.HCM (DXCenter) đã tổ chức hội thảo chia sẻ về xu hướng ngành công nghệ thông tin và cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cảnh sát giao thông: đừng tự đặt mình vào tình trạng nguy hiểm