Sau một năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, hôm qua (19.1), tỉnh Tiền Giang đã chính thức tổ chức thông xe kỹ thuật dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.

Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận và kỳ vọng đưa ĐBSCL cất cánh

Nguyên Việt | 20/01/2022, 07:58

Sau một năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, hôm qua (19.1), tỉnh Tiền Giang đã chính thức tổ chức thông xe kỹ thuật dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.

Tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết, đây là công trình có ý nghĩa quan trọng của ĐBSCL.“Với ý chí và quyết tâm cao, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của trung ương, của địa phương và sự vào cuộc của các nhà khoa học, đơn vị thi công. Đây là một công trình thắng lợi của ý chí, quyết tâm, một tinh thần trách nhiệm cao của chủ đầu tư, đơn vị thi công đã vượt qua mọi khó khăn thách thức để hoàn thành công trình ngày hôm nay”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

chu-tich-nuoc-cat-bang-le-thong-xe-2.jpg
Cắt băng lễ thông xe kỹ thuật cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Ảnh: CTV

Nói thêm về dự tuyến cao tốc này, ông Nguyễn Văn Vĩnh – Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, để hoàn thành nhiệm vụ, tỉnh đã huy động cả hệ thống vào cuộc, khẩn trương, quyết liệt. Trong đó, xác định công tác giải phóng mặt bằng là then chốt, quyết định đến sự thành công của dự án, tỉnh đã tập trung quyết liệt triển khai, thường xuyên kiểm tra hiện trường, tổ chức tiếp công dân để giải quyết các khó khăn, vướng mắc và yêu cầu, kiến nghị của từng hộ dân.

Trong vòng 7 tháng (tháng 4-11.2019), tỉnh đã thu hồi đất của 3.292 hộ dân bị ảnh hưởng, hoàn thành 100% công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao cho doanh nghiệp dự án. Sau 3 năm triển khai, dự án đã cơ bản hoàn thành, đảm bảo các điều kiện kỹ thuật để thông xe phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, trước mắt là dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

cao-toc-trung-luong-my-thuan.jpg
Những phương tiện đầu tiên lăn bánh trong buổi thông xe kỹ thuật - Ảnh: CTV

Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận là dự án có vai trò đặc biệt quan trọng trong kết nối giao thương giữa ĐBSCL với TP.HCM nói riêng và miền Đông Nam bộ nói chung. Và trong tương lai, nhiệm vụ của tuyến cao tốc này là không hề nhỏ trong sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực phía Nam.

Hiện nay, dự án hiện đã hoàn thành tuyến chính và cơ bản hoàn thành các tuyến nối. Sau khi thông xe kỹ thuật, các đơn vị sẽ tiếp tục kiểm soát chất lượng trong quá trình này và sẽ đưa vào khai thác chính thức sau khi tổ chức hiệu chỉnh kỹ thuật.

tuyen-cao-toc-trung-luong-my-thuan.jpg
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có nhiệm vụ đưa hàng hóa ĐBSCL bay cao và xa - Ảnh: CTV

Có mặt tại lễ thông xe, anh Nguyễn Hữu Cảnh một người sinh sống ở Tiền Giang phấn khởi cho biết: "Tôi và cũng như hàng triệu người dân ở miền Tây chờ tuyến cao tốc này thông xe đã lâu rồi. Có cao tốc này, quốc lộ 1 sẽ giảm tải rất nhiều, an toàn giao thông sẽ được bảo đảm hơn. Mà quan trọng là từ nay, hàng hóa, nông sản ở miền Tây mình có thêm đường để  đi xa, đi nhanh hơn rồi".

Báo cáo của UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có tổng vốn đầu tư phê duyệt điều chỉnh là 12.668 tỉ đồng, trong đó, vốn ngân sách trung ương hỗ trợ là 2.186 tỉ đồng, vốn BOT là 10.482 tỉ đồng.

Về phần vốn BOT, doanh nghiệp dự án đã góp và huy động vốn cho dự án với tổng số tiền 7.257,904 tỉ đồng, trong đó, vốn chủ sở hữu là 1.542,835 tỉ đồng; vốn huy động khác 1.856,5 tỉ đồng và vốn vay là 3.858,569 tỉ đồng.

Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có tổng chiều dài tuyến khoảng 51,5km có điểm đầu kết nối vào dự án cao tốc TPHCM- Trung Lương và điểm cuối tại nút giao An Thái Trung, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang sẽ kết nối vào cầu Mỹ Thuận 2 đang được thi công xây dựng.

Dự án cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận có 53 cầu, trong đó, có 39 cầu trên tuyến chính, 14 cầu vượt. Dự án được đầu tư trong giai đoạn 1 có bề rộng mặt đường 16m (có 4 làn xe), dọc theo chiều xe chạy bố trí 6 điểm dừng khẩn cấp/chiều (không có làn dừng khẩn cấp).

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn khiêm tốn, tăng thấp hơn mục tiêu đặt ra
3 giờ trước Nhịp đập khoa học
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn trong khu vực. Trung bình thời kỳ 2020-2023, giá trị gia tăng của kinh tế số chỉ chiếm khoảng 12,5% so với GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận và kỳ vọng đưa ĐBSCL cất cánh