Ngày 3.2 sẽ khai mạc V-League 2023, nghĩa là còn 10 ngày nữa mùa bóng mới khởi tranh. Thế nhưng đến hôm 24.1, “cuộc chiến tài trợ” giữa VPF và HAGL vẫn chưa có kết luận cuối cùng.

Câu chuyện đầu năm: Cuộc chiến giữa HAGL và VPF

Đặng Hoàng | 25/01/2023, 14:28

Ngày 3.2 sẽ khai mạc V-League 2023, nghĩa là còn 10 ngày nữa mùa bóng mới khởi tranh. Thế nhưng đến hôm 24.1, “cuộc chiến tài trợ” giữa VPF và HAGL vẫn chưa có kết luận cuối cùng.

Chưa cần nói đến chuyện bên nào đúng, bên nào sai, nhưng với tôi, VPF đã “sai từ gốc”, “sai từ cơ bản”, “sai từ nền tảng” và từ đó mới nảy sinh ra cái gọi là “nhà tài trợ độc quyền” và yêu cầu các câu lạc bộ không được ký hợp đồng với những nhãn hàng cùng ngành với nhà tài trợ mang tên giải vô địch quốc gia.

VPF - phiên bản Việt nhiều lỗi

VPF đã tổ chức rất nhiều chuyến cho nhiều người hoạt động trong môi trường bóng đá Việt Nam đi Anh, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc... để tham quan, học tập, rút kinh nghiệm mô hình hoạt động bóng đá các quốc gia hàng đầu thế giới nhằm áp dụng phù hợp với sự phát triển của bóng đá Việt Nam.

Thế nhưng, ngay Công ty cổ phần Phát triển bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) - công ty tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, đã sai triền miên, sai từ năm này qua năm khác, sai từ cơ bản thì lấy gì VPF có đủ uy tín, đủ “chính nghĩa” để thu phục được các câu lạc bộ.

Với người hâm mộ bóng đá Việt Nam, Premier League là giải vô địch được biết đến nhiều nhất. Đó cũng là lý do tôi muốn lấy mô hình hoạt động bóng đá Anh quốc rồi so sánh với bóng đá Việt Nam.

Điều hành Premier League là Công ty cổ phần Premier League gồm 20 cổ đông là 20 CLB dự tranh Premier League hằng năm. Thế nhưng LĐBĐ Anh (FA) không có bất kỳ cổ phần nào ở công ty này dù FA là “cổ đông đặc biệt” nắm quyền phủ quyết. FA chỉ sử dụng quyền lực mềm để phủ quyết những quyết định sai trái (nếu có), như: vi phạm đạo đức xã hội, đi ngược với tinh thần bóng đá... hoặc bầu hội đồng quản trị thiếu minh bạch của Công ty Premier League. Riêng việc điều hành, công ty quyết và tất cả nghị quyết đều thông qua Đại hội cổ đông và sau đó là đến HĐQT, ban giám đốc.

Quan trọng hơn nữa là FA không có bất kỳ đại diện nào trong HĐQT Premier League.

Tóm lại, Công ty Premier League hoàn toàn độc lập với FA.

Vậy mà VPF, “bản nhái” phiên bản Việt, VFF nắm 35% cổ phần VPF. Kinh dị hơn, VFF có đến 4/7 người trong HĐQT. Có nghĩa là VPF chỉ là cái vỏ, còn cái ruột vẫn là VFF.

Nói VFF quyết tất cả thì tội cho VFF, nhưng nói VFF thật sự muốn chi phối hoàn toàn VPF cũng không sai!

Có lẽ người Việt Nam hâm mộ Premier League vẫn còn nhớ Premier League trước đó vẫn có nhà tài trợ gắn tên với giải (title sponsorship) như là Barclays Premier League. Như vậy Công ty Premier League cũng có ký hợp đồng với các nhà tài trợ để gắn tên với giải. Tuy nhiên, Công ty Premier League ở Anh không “thiếu hiểu biết” như VPF khi họ không cấm ngân hàng khác tài trợ cho các đội bóng, vì rằng Liverpool FC vẫn được ký với nhà tài trợ ngân hàng Standard Chartered cho dù ngân hàng Barclays đã mang tên giải.

Tuy nhiên từ năm 2016, công ty điều hành Premier League quyết định không bán “title sponsorship” nữa dù có nhiều công ty và nhãn hàng muốn trả rất nhiều tiền, nhiều hơn Barclays trả để “được gắn tên” với giải Premier League (năm 2016 về trước, Barclays trả 40 triệu bảng mỗi mùa bóng). Tại sao?

Vì công ty điều hành Premier League muốn giữ nguyên vẹn tên gốc “Premier League”. Khi tên gọi "sạch”, Premier League sẽ có sức hút hơn hẳn đối với các hợp đồng truyền hình, từ đó giá trị hợp đồng mà Công ty Premier League kiếm được sẽ giá trị hơn rồi sẽ chia các khoản tài trợ cho các câu lạc bộ nhiều hơn. Quyết định này của Công ty Premier League hoàn toàn dựa trên quyền lợi của các câu lạc bộ, và ban giám đốc cùng HĐQT đã dễ dàng thuyết phục để đại hội cổ đông thông qua.

Từ “bản gốc” Công ty Premier League, qua “bản nhái” - phiên bản Việt VPF, chúng ta không khó nhận ra những sai trái của VPF nhằm ép các câu lạc bộ, qua đó đem lại lợi nhuận cho VPF, VFF.

Đó cũng là nguyên nhân vì sao ngày 20.1, Một Thế Giới đã có bài Khi “địa chủ” VPF bắt “tá điền” câu lạc bộ nộp tô!

VPF vi phạm luật cạnh tranh

Thực trạng bao năm qua của bóng đá Việt Nam là “bản nhái” - phiên bản Việt VPF được phép cấm các CLB có nhà tài trợ đụng hàng với nhà tài trợ của VPF, miễn là không vi phạm luật pháp VN và được Đại hội cổ đông thông qua.

Nếu Đại hội cổ đông VPF hằng năm đã thông qua điều cấm này mà các CLB vẫn vi phạm thì phần lỗi hoàn toàn thuộc về bên vi phạm.

Chuyện đúng sai trong cuộc chiến nhà tài trợ giữa VPF với HAGL vẫn chưa có hồi kết, nhưng cho thấy rằng VPF đã vi phạm (Luật Cạnh tranh, số 23/2018/QH14 do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ký ngày 12.6.2018. (*)

Theo đó:

Điều 8: Các hành vi bị nghiêm cấm có liên quan đến cạnh tranh. Khoản 2: “Tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, vận động, kêu gọi, ép buộc hoặc tổ chức để doanh nghiệp thực hiện hành vi hạn chế cạnh tranh, cạnh tranh không lành mạnh”.

Điều 2: Đối tượng áp dụng bao gồm: “Hiệp hội ngành nghề hoạt động tại Việt Nam”.

Điều 3: “Hành vi hạn chế cạnh tranh là hành vi gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh, bao gồm hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường và lạm dụng vị trí độc quyền...”.

Như vậy việc VPF đã ký hợp đồng tài trợ độc quyền với nhãn hàng nước tăng lực Night Wolf rồi ban hành điều lệ giải V-League 2023, đồng thời ra công văn yêu cầu HAGL không được phép thực hiện hợp đồng với nhãn hàng nước tăng lực Carabao, những hoạt động này của VPF thực chất đã là hành vi hạn chế cạnh tranh, và đã vi phạm pháp luật về cạnh tranh.

***

Hai ngày nữa, ngày 27.1 tới, VPF và HAGL sẽ làm việc với nhau để giải quyết “nan đề” này.

Ai thắng, ai thua?

Chẳng có ai thắng cả, chỉ có bóng đá Việt Nam thua nếu hai bên không tìm được tiếng nói chung.

Tại sao? Vì rằng khi đó, chắc chắn lần đầu tiên trong lịch sử bóng đá Việt Nam sẽ xảy ra một cuộc chiến pháp lý không khoan nhượng giữa Câu lạc bộ HAGL và “bản nhái” VPF - phiên bản Việt nhiều lỗi!

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
1 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Câu chuyện đầu năm: Cuộc chiến giữa HAGL và VPF