Ở Malaysia, ít ai mừng sự sụp đổ của Thủ tướng Najib Razak cho bằng họa sĩ biếm nổi tiếng Zunar, người vừa nói ông sẽ nhớ vợ của vị cựu lãnh đạo từng muốn bỏ tù ông những 43 năm.

Cây cọ biếm Malaysia ‘nhớ’ vợ cựu Thủ tướng vì muốn bỏ tù ông 43 năm

Trần Trí | 25/06/2018, 13:05

Ở Malaysia, ít ai mừng sự sụp đổ của Thủ tướng Najib Razak cho bằng họa sĩ biếm nổi tiếng Zunar, người vừa nói ông sẽ nhớ vợ của vị cựu lãnh đạo từng muốn bỏ tù ông những 43 năm.

Theo báo Observer ngày 24.6, cây cọ biếm họa chính trị Zunar (tên thật là Zulkiflee Anwar Ulhaque) trong 9 năm qua đã liên tục bị bắt, nhà bị khám xét, bị cấm xuất bản 9 đầu sách, bị tuyên án dưới 6 luật khác nhau và vẫn đối mặt với 9 tội danh “xúi giục nổi loạn” - là tội có mức án 43 năm tù chỉ vì ông dùng bút vẽ chỉ trích cựu Thủ tướng Najib và vợ ông, bà Rosmah Mansor.

Ông Zunar hiện lập kế hoạch ra một đầu sách mới, hoàn toàn đề cập đến bà Rosmah và có thể ông sẽ đặt tựa cuốn này là “Rosmah, tôi nhớ bà”.

“Lệnh bà” đứng sau chỉ đạo chồng đàn áp cây cọ biếm

Nhân vật mà Zunar thích vẽ nhất chính là bà Rosmah, vợ Thủ tướng Najib. Đó là những họa phẩm châm chích chua cay, vẽ bà Roshmah có mái tóc lớn và “xài toàn hàng hiệu”, khiến nhiều người dân Malaysia trút giận vào bà vì lối sống “sang chảnh” trong khi một bộ phận không nhỏ người dân chật vật kiếm sống từng ngày.

Zunar nói: “Tôi không thể sống như một họa sĩ biếm chính trị nếu tôi chỉ dựa vào Najib. Rosmah cho tôi nhiều chất liệu hơn. Quên Najib đi, bà ta mới là nhân vật quyền lực nhất Malaysia”.

Zunar còn cho rằng chính bà Rosmah đứng sau các chỉ đạo “xử mạnh tay” với ông. Sau khi ông bắt đầu vẽ biếm họa vợ Thủ tướng, các họa sĩ biếm của các báo nhà nước đã được chỉ đạo rằng không được đưa bà Rosmah vào các tác phẩm của họ.

Zunar nói: “Tôi luôn nói ở Malaysia, có hai người mà bạn không thể vẽ tranh biếm. Trước tiên là Rosmah và kế đến là Tiên tri Muhammad”.

Với một họa sĩ biếm, việc ông Najib vướng tai tiếng tham nhũng và bị cáo buộc giết người, cùng bà vợ Rosmah bị ghét bỏ vì thói ăn diện, mua sắm đồ dùng đắt tiền, chính là một “món quà tuyệt hảo” cho Zunar, ôngnói: “Đặc biệt Rosmah là quà từ trên trời rơi xuống. Tôi thật sự nhớ bà ấy. Nay chính phủ đã thay đổi, là một thử thách cho tôi. Tôi sẽ vẽ gì đây?”.

Tranh biếm vẽ bà Rosmah thích xài hàng hiệu bị tù - Ảnh: Tranh của Zunar

Cảnh sát không còn trực gác 24/24 trước cửa nhà Zunar

Những rắc rối bắt đầu đến với cây cọ biếm Zunar từ năm 2004, khi ông Najib là Phó Thủ tướng Malaysia. Ông dùng tranh biếm để phê phán ông Najib bị cáo buộc tham nhũng trong vụ mua tàu ngầm Pháp, và ông Najib còn bị nghi giữ vai trò chủ mưu trong vụ giết chết cô người mẫu Mông Cổ Altantuya Shaariibuu, một người làm phiên dịch trong vụ mua tàu ngầm.

Ông Najib phủ nhận rằng chưa hề gặp cô Altantuya, và ông chỉ biết tin cô chết nhiều ngày sau. Phản ứng lại, Zunar vẽ cô Altantuya tự sát bằng hai phát súng vào đầu rồi dùng chất nổ phá tung thi thể cô.

Sau khi tranh này được đăng, cảnh sát khám xét nơi làm việc của Zuna, tịch thu 500 tranh biếm. Ông bị điều tra theo luật báo chí-xuất bản vốn từ lâu được soạn để ngăn chặn sự chỉ trích chính phủ, và cấm bán sách của ông, theo Observer.

Suốt 9 năm ông Najib làm Thủ tướng, Zunar bị cấm xuất bản 9 đầu sách, và một lá thư của cảnh sát trưởng Malaysia gởi cơ quan di trú năm 2015 cho thấy ông bị cấm ra nước ngoài trong hai năm.

Zunar thừa nhận ông sợ sệt trước sự đe dọa bị bỏ tù hàng chục năm, nhưng “nếu họa sĩ biếm không dùng tài năng của mình để đánh động nhân dân và mở mang trí tuệ về những gì đang xảy ra, thì họ đang không hoàn thành nhiệm vụ của họ”.

Họa sĩ biếm Zunar giả bộ bị còng khi một đầu sách bị cấm năm 2015 - Ảnh: AFP

Tự do ra nước ngoài nhưng vẫn phải chờ xem có còn bị tội “xúi giục nổi loạn”

Zunar chỉ mới 18 tuổi khi họa phẩm đầu tiên của ông bị cấm: một bức vẽ cho tạp chí của trường mang nội dung chỉ trích một giáo viên.

Suốt hàng chục năm sau, Zunar đã thách đố một hệ thống luật xử nặng tay tội “xúi giục nổi loạn” cùng hệ thống báo chí do nhà nước kiểm soát, bằng cách vẽ biếm họa “độ mạnh” để thu hút sự chú ý vào thói đạo đức giả, những tai tiếng tài chính và bao che trong chính trường Malaysia mà giới truyền thông chính thống góp tay che giấu.

Đáp lại, từ năm 2009, chính phủ Thủ tướng Najib đã sử dụng mọi công cụ để theo dõi Zunar, “soi” cả những người đăng và mua các tác phẩm của ông.

Zunar nói: “Tôi luôn không chịu thua. Trong một lần bị thẩm vấn, tôi nói với cảnh sát: “Các anh có thể cấm tranh, sách của tôinhưng không thể cấm trí não tôi. Tôi sẽ vẫn vẽ đến giọt mực cuối cùng và các anh không thể chặn tôi”. Từ đó, họ cố gắng áp dụng các chiến lược khác”.

Cảnh sát đã khám xét nhà xuất bản của Zunar và 3 nhà in, đe dọa thu hồi giấy phép nếu họ tiếp tục đăng các họa phẩm của ông, và đã tịch thu hàng ngàn đầu sách, cấm bán tranh của ông ở các cửa hiệu, không cho ông tổ chức các cuộc triển lãm.

Năm 2013, khi Zunar bắt đầu bán các tác phẩm trên mạng trực tuyến, cảnh sát bắt người điều hành trang web, hỏi chi tiết về từng người đã mua các tác phẩm của ông. Năm 2015, sau một tranh biếm chỉ trích hệ thống tư pháp, ông lại bị bắt và bị buộc tội “xúi giục nổi loạn”.

Một tháng sau chiến thắng của phe đối lập, cây cọ biếm Zunar thừa nhận ông “nhớ” ông Najib. Lần đầu tiên ông được ra nước ngoài và cảnh sát không còn trực gác 24/24 trước nhà ông nữa.

Nay, khi chính phủ mới của Tiến sĩ Mahathir Mohamad hứa một thời đại tự do ngôn luận mới, cây cọ biếm Zunar tỏ ra lạc quan.

Nhưng sau khi được hủy lệnh cấm ông ra nước ngoài (hôm 10.5) ông vẫn còn phải chờ công tố viên mới sẽ tiếp tục xử ông tội “xúi giục nổi loạn” vốn bắt đầu từ tháng 8.2017 hay không.

Zunar nói: “Khi chính phủ chưa tuyên hủy các luật báo chí-xuất bản, luật chống tin giả và luật xúi giục nổi loạn, thì chưa có gì bảo đảm chính phủ mới sẽ không tiếp tục áp dụng các luật này trong tương lai. Tôi sẽ vẫn thúc đẩy đổi mới. Việc “xử chém” vài cái đầu vẫn chưa đủ, chính phủ cần thay đổi toàn bộ hệ thống”.

Ông Najib, 64 tuổi, đã nắm quyền lực ở Malaysia suốt 10 năm, nhưng bị mất chức Thủ tướng vào tay “ông anh” Mahathir, 92 tuổi, sau cuộc bầu cử Quốc hội Malaysia ngày 9.5, phần nào vì vụ bê bối Quỹ Phát triển Malaysia Berhad (1MDB).

Tiến sĩ Mahathir lên làm Thủ tướng trở lại, gần đây nói,ông Najib phải hoàn toàn chịu trách nhiệmvì đã ký tên trên tất cả các tài liệu “rút ruột” công quỹ hàng tỉ USD từ Quỹ 1MDB.

Quỹ này do chính ông Najib lập năm 2009, đến năm 2015 thì chính phủ vướng tai tiếng hàng tỉ USD bị chiếm đoạt từ khắp thế giới, do các cộng sự thân tín của ông Najib ra tay chiếm đoạt để tiêu xài phung phí và mua du thuyền hạng sang.

Bảo Vĩnh (theo Observer)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu khắc phục hậu quả vụ sạt lở đất làm 3 công nhân tử vong ở Hà Tĩnh
10 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 7.5, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký công điện của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung khắc phục hậu quả sự cố sạt lở đất tại phường Kỳ Liên, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cây cọ biếm Malaysia ‘nhớ’ vợ cựu Thủ tướng vì muốn bỏ tù ông 43 năm