Sự nổi tiếng toàn cầu của ChatGPT đã lan đến thị trường chứng khoán Trung Quốc, làm tăng giá cổ phiếu các công ty liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI) sau nhiều tháng hoạt động mờ nhạt.

ChatGPT giúp cổ phiếu các công ty AI của Trung Quốc tăng vọt

Sơn Vân | 01/02/2023, 16:10

Sự nổi tiếng toàn cầu của ChatGPT đã lan đến thị trường chứng khoán Trung Quốc, làm tăng giá cổ phiếu các công ty liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI) sau nhiều tháng hoạt động mờ nhạt.

Cổ phiếu Beijing Deep Glint Technology đã tăng vọt tới 16% hôm 1.2, nâng mức tăng trong năm 2023 lên hơn 60%. Cổ phiếu Hanwang Technology đã tăng hơn 40% trong giai đoạn này, vượt xa mức tăng 7% trong chỉ số CSI 300 chuẩn.

CSI 300 là chỉ số thị trường chứng khoán có trọng số vốn hóa được thiết kế để tái tạo hiệu suất của 300 cổ phiếu hàng đầu được giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải và Sở giao dịch chứng khoán Thâm Quyến.

Cổ phiếu gia tăng phản ánh sự quan tâm ngày càng tăng với mọi thứ liên quan đến AI vì ChatGPT gây bão trên internet kể khi ra mắt vào tháng 11.2022. Đây là chatbot AI do công ty OpenAI ở thành phố San Francisco, Mỹ tạo ra.

Baidu, công ty tìm kiếm khổng lồ của Trung Quốc, đang lên kế hoạch tung ra chatbot tương tự, giúp thu hút dòng vốn vào chủ đề này.

Ông Shen Meng, Giám đốc của Chanson & Co tại Bắc Kinh (thủ đô Trung Quốc), cho biết: “Khái niệm ChatGPT đã được theo đuổi nhiệt tình ở Trung Quốc, một trong những quốc gia tích cực nhất trong việc ủng hộ AI, với nhiều công ty lớn đang chuẩn bị tung ra các sản phẩm tương tự. Sự phục hồi trong cổ phiếu có thể mờ dần sau một thời gian ngắn, trừ khi được hỗ trợ bởi tiến bộ vật chất của các công ty”.

chat-gpt-giup-co-phieu-cac-cong-ty-ai-trung-quoc-tang-vot.jpg
ChatGPT là ứng dụng phần mềm AI đàm thoại được phát triển bởi OpenAI - Ảnh: AFP

Baidu đang lên kế hoạch ra mắt công cụ chatbot AI tương tự ChatGPT của OpenAI vào tháng 3, một người quen thuộc về vấn đề này nói với Reuters.

Gã khổng lồ internet Trung Quốc có kế hoạch ra mắt ứng dụng bằng cách nhúng nó vào các dịch vụ tìm kiếm chính của mình.

Công cụ này (tên chưa được xác định) sẽ cho phép người dùng nhận kết quả tìm kiếm kiểu hội thoại giống như nền tảng phổ biến của OpenAI.

Baidu đã chi hàng tỉ USD để nghiên cứu AI trong nỗ lực kéo dài nhiều năm nhằm chuyển đổi từ tiếp thị trực tuyến sang công nghệ sâu hơn.

Trang Bloomberg cho biết hệ thống Ernie của Baidu (mô hình máy học quy mô lớn đã được đào tạo về dữ liệu trong nhiều năm) sẽ là nền tảng cho công cụ giống ChatGPT sắp tới.

Baidu, Alibaba Group Holding, Tencent Holdings và ByteDance kiểm soát phần lớn internet của Trung Quốc. Baidu đang cố gắng vực dậy tăng trưởng trong kỷ nguyên di động, sau khi ngày càng tụt hậu so với các đối thủ lớn hơn trong các lĩnh vực như quảng cáo di động, video và mạng xã hội. Ngoài nghiên cứu về AI, Baidu cũng đang phát triển công nghệ lái xe tự động.

ChatGPT đã thu hút sự quan tâm cực lớn của người dùng internet Trung Quốc. Họ chia sẻ ảnh chụp màn hình các cuộc trò chuyện đáng ngạc nhiên với ChatGPT trên phương tiện truyền thông xã hội địa phương. 

Ngoài Baidu, một số công ty khởi nghiệp của Trung Quốc cũng đang khám phá generative AI (trí tuệ nhân tạo có thể tạo ra nội dung như hình ảnh, video, nhạc) và đã thu hút các nhà đầu tư như Sequoia, Sinovation Ventures.

ChatGPT đã thắp sáng Internet kể từ khi ra mắt công chúng vào tháng 11.2022, thu hút hơn một triệu người dùng trong vòng vài ngày và gây ra cuộc tranh luận về vai trò của AI trong trường học, văn phòng, gia đình.

Các công ty đang đầu tư hàng tỉ USD để cố gắng phát triển ứng dụng trong thế giới thực, còn những hãng khác tận dụng danh tiếng của ChatGPT để gây quỹ.

Cổ phiếu Buzzfeed đã tăng hơn gấp đôi trong tháng 1 sau khi công bố kế hoạch kết hợp ChatGPT vào nội dung của mình.

Công nghệ của ChatGPT hoạt động bằng cách học hỏi từ lượng dữ liệu khổng lồ về cách trả lời bất kỳ câu hỏi nào từ người dùng theo cách giống như con người, cung cấp thông tin giống như công cụ tìm kiếm hoặc văn xuôi như tiểu thuyết gia đầy tham vọng.

Theo tờ Financial Times, các gã khổng lồ công nghệ như Google, Meta Platforms và Microsoft từng xây dựng các nền tảng cho AI. Song do sự chú ý dành cho ChatGPT ngày càng nhiều, áp lực với Google hay Meta Platforms cũng ngày càng tăng.

Trước khi ChatGPT ra mắt, Facebook đã có chatbot tương tự tên Blenderbot. Microsoft cũng từng ra mắt chatbot AI có tên Tay vào năm 2016.

10 năm trước, Google là công ty dẫn đầu về AI. Năm 2014, Google mua lại DeepMind, một công ty AI tiên tiến. Đến năm 2016, Giám đốc điều hành Sundar Pichai hứa sẽ biến Google thành công ty thiên về AI.

Sự phát triển nhanh chóng của ChatGPT đã khiến Google thay đổi chiến lược và dồn nguồn lực để phát triển AI. Trong thông báo cắt giảm 12.000 nhân viên ngày 20.1, Sundar Pichai tuyên bố Google sẽ tập trung vào AI.

Gần đây, Google có đột phá với các biến thể khác nhau của hệ thống AI, gồm cả các mô hình AI có khả năng kể chuyện cười và giải các bài toán.

LaMDA, một trong những chatbot sử dụng AI do Google phát triển, có thể trò chuyện với người dùng bằng ngôn ngữ tự nhiên theo cách tương tự ChatGPT.

Thay vì tự phát triển chatbot cho riêng mình, hôm 23.1, Microsoft thông báo tiếp tục đầu tư vào ChatGPT bằng cam kết trị giá hàng tỉ USD với OpenAI.

Microsoft không giấu giếm việc tích hợp ChatGPT vào dịch vụ tìm kiếm Bing của hãng để thách thức Google sau khi cuộc chiến công cụ tìm kiếm.

Satya Nadella, Giám đốc điều hành Microsoft, nói: “Chúng tôi đã thiết lập quan hệ đối tác với OpenAI xung quanh tham vọng chung nhằm thúc đẩy nghiên cứu AI tiên tiến một cách có trách nhiệm và dân chủ hóa AI như một nền tảng công nghệ mới. Ở giai đoạn hợp tác tiếp theo của chúng tôi, các nhà phát triển và tổ chức trong các ngành sẽ có quyền truy cập vào cơ sở hạ tầng, mô hình và chuỗi công cụ AI tốt nhất với Azure để xây dựng và chạy các ứng dụng của họ”.

Thỏa thuận này sẽ chứng kiến ​​Microsoft tăng cường đầu tư vào việc phát triển và triển khai các hệ thống siêu máy tính để hỗ trợ nghiên cứu của OpenAI. Phần quan trọng của thỏa thuận: Microsoft là đối tác đám mây độc quyền cho OpenAI. Các dịch vụ đám mây của Microsoft sẽ hỗ trợ tất cả khối lượng công việc của OpenAI trên các sản phẩm, dịch vụ API và nghiên cứu.

Microsoft cũng đang có kế hoạch triển khai các mô hình của OpenAI trên nhiều sản phẩm dành cho người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Ngoài ra, Microsoft cũng được cho đang chuẩn bị thách thức Google với việc tích hợp ChatGPT vào kết quả tìm kiếm Bing. Nhà sản xuất hệ điều hành Windows được cho đang xem xét tích hợp một số công nghệ AI ngôn ngữ vào các ứng dụng Word, PowerPoint và Outlook của mình.

Microsoft không tiết lộ chính xác số tiền họ đã đầu tư vào OpenAI nhưng đang tìm cách sử dụng mối quan hệ thân thiết này để tiếp tục thương mại hóa dịch vụ Azure OpenAI của mình.

Công ty đã bắt đầu triển khai dịch vụ này vào tuần trước. Nó bao gồm một số mô hình AI do OpenAI tạo ra như GPT-3.5, Codex và DALL-E.

Microsoft được thiết kế cho các doanh nghiệp để sử dụng các mô hình của OpenAI về cơ bản bằng cách đóng gói GPT-3.5 với khả năng mở rộng quy mô mà người dùng mong đợi từ Azure cũng như các bổ sung về quản lý và xử lý dữ liệu.

Tin đồn về thỏa thuận này cho thấy Microsoft có thể nhận được 75% lợi nhuận của OpenAI cho đến khi đảm bảo hoàn vốn đầu tư và 49% cổ phần trong công ty. OpenAI cho biết vẫn là một công ty có giới hạn lợi nhuận sau thỏa thuận này, cho phép họ tiếp tục huy động vốn.

Sam Altman, Giám đốc điều hành OpenAI, nói: “Ba năm hợp tác vừa qua của chúng tôi thật tuyệt vời. Microsoft chia sẻ các giá trị của chúng tôi. Chúng tôi rất vui mừng được tiếp tục nghiên cứu độc lập của mình và hướng tới việc tạo ra AI tiên tiến mang lại lợi ích cho mọi người”.

Microsoft đã mua giấy phép độc quyền cho công nghệ cơ bản đằng sau GPT-3 vào năm 2020 sau khi đầu tư 1 tỉ USD vào OpenAI hồi năm 2019. Hãng đã xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với OpenAI và cũng đang lên kế hoạch thêm mô hình chuyển văn bản thành hình ảnh AI vào Bing được cung cấp bởi DALL-E 2 của OpenAI.

Bài liên quan
Chuyên gia lo ngại chatbot ChatGPT giúp hacker viết mã độc, email lừa đảo người dùng
Kể từ khi OpenAI trình làng ChatGPT vào tháng 11.2022, nhiều người đã cảnh báo nguy cơ lạm dụng chatbot này bởi những kẻ lừa đảo qua email, kẻ theo dõi và hacker.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
'Trùm' xe điện Trung Quốc đặt nhà máy sản xuất tại Phú Thọ
BYD, hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc chọn Phú Thọ làm nơi đặt nhà máy sản xuất với quy mô khoảng 100ha. Tuy nhiên, kế hoạch khởi công xây dựng đang bị chậm cho chiến lược và thị trường xe điện đang chững lại.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
ChatGPT giúp cổ phiếu các công ty AI của Trung Quốc tăng vọt