Ủy Ban châu Âu (EC) đã ra 'tối hậu thư' với Ba Lan để nước này giải quyết những cải cách tư pháp gây tranh cãi gần đây, nếu không Warsaw sẽ bị truất quyền bỏ phiếu tại EU.
EC là cơ quan cao nhất ngành hành pháp của Liên minh châu Âu. Ủy ban này chịu trách nhiệm về đề nghị lập pháp, thi hành các quyết định, duy trì các hiệp ước Liên minh châu Âu (EU) và điều hành công việc chung hàng ngày của Liên minh. Vì vậy việc kích hoạt Điều 7, vốn cấm một thành viên trong liên minh 28 nước này bỏ phiếu có thể xem là đòn trừng phạt nặng tay nhất của EU.
Phó chủ tịch EC ông Frans Timmermans tuyên bố rằng Warsaw có 1 tháng để làm dịu những lo lắng của khối EU về công cuộc cải cách tư pháp của Ba Lan nếu không EC sẽ phải leo thang xử phạt.
Lời cảnh báo của ông Timmermans được đưa ra bất chấp việc Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đã bác 2/4 dự luật cải cách tư pháp của chính phủ trình lên.
Tuy nhiên, đại diện EC vẫn chưa hài lòng hoàn toàn với động thái này và cho rằng những dự luật còn lại vẫn sẽ làm suy yếu tính độc lập của ngành tư pháp EU và vì vậy Ba Lan phải xóa bỏ hết các dự luật còn lại nếu không sẽ phải bị trừng phạt.
"Trong tuần qua, có một số điều tại Ba Lan đã thay đổi những số khác thì không", ông Timmermans tuyên bố.
Vì vậy, bất kỳ động thái nào từ đảng PiS (Pháp luật và Công lý) để bắt các thẩm phán phải từ chức sẽ buộc EU phải "ngay lập tức sẵn sàng để kích hoạt thủ tục thực hiện Điều 7", ông Timmermans nhấn mạnh.
Việc tuyên bố sẽ kích hoạt tiến trình thực hiện Điều 7 rõ là một cảnh báo mạnh đối với Warsaw của EU. Theo Financial Times, hành động cảnh báo nghiêm khắc lần này của EU đối với Ba Lan được xem là chưa từng có tiền lệ.
Ông Duda vốn đã bác bỏ 2/4 dự luật cải cách tư pháp do chính phủ Ba Lan dưới sự kiểm soát của PiS trình lên, dù trước đó ông là người ủng hộ nhiệt thành cho hai dự luật này. Theo những người chỉ trích, dự luật của chính phủ Ba Lan được xem là một nỗ lực nhằm kiểm soát tòa án trong tay họ.
Dù vậy, hai luật được Tổng thống Duda thông qua cho phép Bộ trưởng Tư pháp Ba Lan, người đồng thời cũng là Công tố viên trưởng có quyền bổ nhiệm và sa thải chánh án các tòa án dân sự của đất nước.
Dự luật này hiện chưa chính thức ban hành, vì vậy trên lý thuyết EU chưa thể chính thức trừng phạt Ba Lan hoặc đưa vấn đề này ra tòa. Tuy nhiên, EC hoàn toàn có thể "ủy quyền trước" nhằm kích hoạt "treo" Điều 7 và sẽ tự động có hiệu lực nếu Ba Lan chính thức ban hành luật cải cách tư pháp.
"EC vẫn mở rộng cánh tay để chào đón các nhà chức trách Ba Lan với hy vọng sẽ có một cuộc đối thoại mang tính xây dựng", ông Timmermans nói thêm.
Ái Vi(theo Financial Times)