Châu Âu đang đi đầu trong chuyển đổi xanh cũng như công nghệ xanh và sẽ giúp Việt Nam "xanh hóa" nền kinh tế.

Châu Âu sẽ giúp Việt Nam 'xanh hóa' nền kinh tế

Tuyết Nhung | 03/11/2023, 08:00

Châu Âu đang đi đầu trong chuyển đổi xanh cũng như công nghệ xanh và sẽ giúp Việt Nam "xanh hóa" nền kinh tế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte chiều ngày 2.11 đã dự phiên toàn thể cấp cao của Diễn đàn kinh tế xanh (GEF) năm 2023 do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) phối hợp với Việt Nam tổ chức, chủ đề là "Hợp tác châu Âu - Việt Nam thúc đẩy các sáng kiến xanh".

img6032-169891542204859252390.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cùng các đại biểu dự phiên toàn thể cấp cao của
Diễn đàn Kinh tế xanh 2023 - Ảnh: VGP

Việt Nam không hi sinh môi trường để chạy theo tăng trưởng

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam xác định phát triển nhanh nhưng bền vững, bao trùm, không hi sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần. Việt Nam hướng tới sản xuất xanh, xuất khẩu xanh và năng lượng xanh để các nhà đầu tư hoạt động hiệu quả, bền vững, lâu dài. Đơn cử, nhà máy trị giá 1 tỉ USD của Tập đoàn Lego (Đan Mạch) tại Bình Dương đã mở ra xu hướng đầu tư xanh tại Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh "Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ các chiến lược, sáng kiến và chính sách của EU trong phát triển xanh, trong đó có các quy định về sản xuất xanh và Việt Nam sẽ thực hiện nghiêm túc các quy định này".

Thủ tướng cho rằng phát triển kinh tế xanh và kinh tế số có mối quan hệ gắn bó mật thiết, chặt chẽ, thúc đẩy lẫn nhau, muốn phát triển xanh thì phải phát triển kinh tế số, và ngược lại. Đây cũng là xu thế tất yếu, yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu của Việt Nam. Đồng thời ông khẳng định Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ các chiến lược, sáng kiến và chính sách của EU trong phát triển xanh, trong đó có các quy định về sản xuất xanh và Việt Nam sẽ thực hiện nghiêm túc các quy định này.

Tuy nhiên, Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, còn nhiều khó khăn, Thủ tướng mong EU tiếp tục chia sẻ, giúp đỡ Việt Nam trên tinh thần "cùng thắng" trong xây dựng cơ chế, chính sách, chuyển giao công nghệ, thu xếp nguồn tài chính, đào tạo nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực quản trị... để thúc đẩy phát triển xanh.

Đánh giá cao tốc độ tăng trưởng kinh tế thần kỳ của Việt Nam, song Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cũng cho rằng cả hai nước đều đang đối mặt những thách thức về môi trường, đòi hỏi sự chung tay của tất cả các chủ thể liên quan, trước hết cần có sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp.

Thế giới đang diễn biến khó lường, xung đột địa chính trị diễn ra gay gắt, khủng hoảng do biến đổi khí hậu và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên đang đặt ra nhiều thách thức, nhưng đồng thời cũng mở ra các cơ hội mới đối với phát triển kinh tế - xã hội của từng quốc gia. Trong bối cảnh đó, phát triển kinh tế xanh và bền vững là chìa khóa và là hướng đi bắt buộc của các quốc gia trên toàn cầu.

"Xanh hoá" từ ý tưởng đến hành động

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định Việt Nam không thể đi một mình khi hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Do đó, Việt Nam đánh giá cao vai trò đi đầu của Liên minh châu Âu trong nỗ lực chuyển đổi nền kinh tế xanh vì một tương lai bền vững.

Theo Thứ trưởng Hải, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững đã trở thành những định hướng chiến lược phù hợp cho phục hồi, phát triển của nền kinh tế và xa hơn là phòng ngừa rủi ro của cả khu vực công và tư nhân, bởi tăng trưởng xanh phản ánh cách thức phản ứng của các nền kinh tế trước diễn biến phức tạp của tình hình biến đổi khí hậu và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, phản ánh các xu hướng tìm kiếm mô hình tăng trưởng mới với mũi nhọn là ngành công nghiệp xanh, tạo động lực tăng trưởng mới và mang tính cạnh tranh cao.

Đồng thời, điều đó thể hiện những nỗ lực của các chính phủ trong tái cấu trúc nền kinh tế hướng đến tăng trưởng xanh và bền vững. Vì vậy, giảm phát thải khí nhà kính, kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững là chìa khóa thành công cho chiến lược phát triển kinh tế xã hội của các quốc gia, địa phương, doanh nghiệp.

Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới gắn với các mục tiêu phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 đã đề ra định hướng lớn là phải đổi mới tư duy và hành động, chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả cách mạng công nghiệp 4.0 gắn với hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng để cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, xã hội số.

Tuy là một nước đang phát triển nhưng Việt Nam đã mạnh dạn đưa ra những cam kết mạnh mẽ về phát triển bền vững với quan điểm xuyên suốt là không chấp nhận phương thức tăng trưởng bằng mọi giá.

"Chúng tôi hiểu rõ rằng, trên hành trình đi đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và thực hiện tăng trưởng xanh, Việt Nam không thể đi một mình. Chúng tôi đánh giá cao vai trò đi đầu của Liên minh châu Âu trong nỗ lực chuyển đổi nền kinh tế xanh vì một tương lai bền vững, đặc biệt với sự ra đời của Thỏa thuận xanh của EU vào năm 2020 cùng hàng loạt các chính sách và sáng kiến hướng tới các khu vực như: Chiến lược hợp tác Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Cổng kết nối toàn cầu..., trong đó Việt Nam là đối tác ưu tiên hợp tác của EU trong các lĩnh vực như năng lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh, kinh tế số, phát triển cơ sở hạ tầng", Thứ trưởng Hải nhấn mạnh.

Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) cho biết EU đang đi đầu trong chuyển đổi xanh cũng như công nghệ xanh và sẽ giúp Việt Nam xanh hóa nền kinh tế, đồng thời tăng cường năng lực trong việc chống lại biến đổi khí hậu, giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi ở Việt Nam.

Nhiều nghiên cứu cho thấy việc chuyển sang nền kinh tế tuần hoàn sẽ giúp tiết kiệm được 600 triệu euro cho các doanh nghiệp đến năm 2030, bằng 8% tổng doanh thu của các doanh nghiệp và tạo ra được 600.000 việc làm. Đây là những cơ hội cũng như lợi ích kinh tế mang lại cho cả xã hội và doanh nghiệp tiên phong trong quá trình chuyển đổi.

Một dấu hiệu nổi bật là việc triển khai năng lượng xanh. Việt Nam hiện dẫn đầu Đông Nam Á về sử dụng năng lượng tái tạo để sản xuất điện và hơn 1/4 sản lượng năng lượng được sản xuất từ năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, để đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng an toàn, đáp ứng nhu cầu trong tương lai và thu hút thêm đầu tư nước ngoài, còn rất nhiều việc phải làm.

Lãnh đạo EuroCham khẳng định sẽ nỗ lực hết mình để hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi xanh. EuroCham đang hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi xanh này, nhưng hơn thế nữa, các doanh nghiệp châu Âu cũng đang hợp tác chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là những ngành chủ chốt như dệt may, da giày và hải sản, để mang lại công nghệ xanh và giúp đỡ doanh nghiệp Việt trong quá trình chuyển đổi xanh.

Bài liên quan
Việt Nam - Trung Quốc tăng cường hợp tác về khoa học-công nghệ, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh
Sáng 26.6, ngay sau lễ đón chính thức, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Cường đã có cuộc hội đàm thành công với nhiều nội dung quan trọng được thảo luận, thống nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Hạn hán khô khát khốc liệt ở miền Tây Nam Bộ
16 phút trước Theo dòng thời sự
Kênh rạch khô nứt nẻ; đường sá sạt lở sụt lún khiến giao thông ách tắc; hàng vạn người dân thiếu nước sạch sinh hoạt… là những gì đã và đang diễn ra tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL hiện nay.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Châu Âu sẽ giúp Việt Nam 'xanh hóa' nền kinh tế