Không gian triển lãm sản phẩm, dịch vụ tăng trưởng xanh với chủ đề “Tăng trưởng xanh - Hành trình hướng tới giảm phát thải bằng không” đã được khai mạc vào chiều 13.9 tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, Q.1, TP.HCM.
Chiều 13.9, UBND TP.HCM, Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư Thành phố (ITPC) phối hợp cùng Sở Văn hóa và Thể thao, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn - TNHH MTV tổ chức khai mạc Không gian triển lãm sản phẩm, dịch vụ tăng trưởng xanh nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, du khách về nền kinh tế xanh.
Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế TP.HCM lần thứ 4 năm 2023.
Theo ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, việc tổ chức không gian triển lãm sản phẩm, dịch vụ tăng trưởng xanh là hoạt động thiết thực để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm, dịch vụ tăng trưởng xanh của Việt Nam và các nước nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp thành phố về phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, từ đó góp phần phát triển kinh tế đất nước và thành phố một cách bền vững; tạo điều kiện để doanh nghiệp có cơ hội quảng bá các sản phẩm, dịch vụ tăng trưởng xanh; tạo động lực và khuyến khích các doanh nghiệp (DN) chuyển đổi sang mô hình sản xuất xanh, tuần hoàn.
Cũng tại buổi khai mạc, ông Trần Phú Lữ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC) cho biết, đây là lần đầu tiên một chương trình xúc tiến thương mại dành riêng cho các sản phẩm tăng trưởng xanh được tổ chức nhưng đã thu hút sự quan tâm và tham gia của nhiều DN trong nước và ngoài nước, các DN đoạt giải thưởng Thương hiệu xanh. Điều này là minh chứng cho mô hình sản xuất xanh đang được nhiều DN Việt Nam hướng tới nhằm đáp đáp ứng nhu cầu mới, phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới, đồng thời, sản xuất xanh giúp nâng cao vị thế của DN trong và ngoài nước. Sản xuất xanh, quy trình sản xuất, từ nguyên liệu đầu vào đến nguyên liệu đầu ra đều thân thiện môi trường, không gây nguy hại cho con người.
Sản xuất xanh còn gắn chặt chẽ với xu hướng tiêu dùng xanh, trong bối cảnh biến đổi khí hậu tác động, môi trường ô nhiễm, nguồn tài nguyên đang dần cạn kiệt, sản xuất xanh là xu thế tất yếu và là một mắt xích quan trọng trong chiến lược tăng trưởng xanh.
Hiện nay, nhiều DN Việt Nam đã và đang chú trọng hơn trong việc sử dụng nguồn nguyên liệu tự nhiên, nhiên liệu không độc hại, đầu tư máy móc, trang thiết bị, dây chuyền hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế, cải tiến quy trình hướng tới sản xuất xanh.
Không gian triển lãm sản phẩm, dịch vụ tăng trưởng xanh có gần 100 doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế tham gia, với 9 nhóm sản phẩm, dịch vụ tăng trưởng xanh tiêu biểu: năng lượng xanh; nông nghiệp xanh, hữu cơ; sản xuất xanh, xuất khẩu xanh đến giao thông xanh; đô thị xanh, thông minh; môi trường xanh cho đến tiêu dùng xanh; tài chính xanh; du lịch xanh.
Triển lãm còn có không gian cho các DN Thành phố được trao danh hiệu DN xanh và DN đổi mới sáng tạo, cùng với không gian triển lãm giới thiệu thông tin, hình ảnh về thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh của Thành phố. DN được tạo cơ hội thực hiện trình diễn và giới thiệu các mô hình, giải pháp công nghệ xanh, bền vững và các sản phẩm mới nghiên cứu phát triển của doanh nghiệp trong không gian tương tác trải nghiệm.
Trong lần tham gia lần này, có thể kể đến một số sản phẩm xanh của các đơn vị như các loại khí xanh, sản phẩm năng lượng xanh như CNG, LNG của Tổng công ty Khí Việt Nam, Công ty TNHH Intel Products Việt Nam với mô hình sản xuất giảm phát thải carbon; Tập đoàn TTC, Công ty Việt Thắng Jean, Tập đoàn Đôi dép, CJ Foods, Cụm gian hàng của Phòng Thương mại Công nghiệp Ý… với mô hình sản xuất xanh, tuần hoàn, sản xuất hữu cơ; Vinfast với các loại xe ô tô, xe điện. Lĩnh vực môi trường xanh, nguyên liệu tái chế, nguyên liệu xanh có sự tham gia của SamSung Engineering Việt Nam, Công ty Nhựa sinh học Byo, Công ty Nhựa tái chế Duy Tân…
Một số hình ảnh tại Không gian triển lãm sản phẩm, dịch vụ tăng trưởng xanh với chủ đề “Tăng trưởng xanh - Hành trình hướng tới giảm phát thải bằng không”:
“Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050” của Chính phủ đã khẳng định tăng trưởng xanh giúp sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần xóa đói giảm nghèo và tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững.
Để thực hiện tốt chiến lược này, UBND TP đã ban hành Kế hoạch triển khai “Chiến lược tăng trưởng xanh hướng đến phát triển bền vững trên địa bàn thành phố đến năm 2030” đặt mục tiêu phát triển kinh tế Thành phố trở thành nền kinh tế xanh, một đô thị phát triển bền vững; trong đó, TP.HCM - trung tâm công nghiệp, tài chính của Việt Nam - sẽ đóng vai trò then chốt trong quá trình chuyển đổi xanh, trở thành xu hướng phát triển mới cũng như tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Chiến lược tăng trưởng xanh của TP.HCM đã xác định có 7 lĩnh vực tác động chủ yếu đến kinh tế xanh của Thành phố, như: phát triển năng lượng tái tạo; đổi mới công nghệ ít tiêu hao năng lượng; phát triển phương tiện giao thông công cộng, xe điện; sản xuất nông nghiệp xanh, tăng sản phẩm thực vật; tăng diện tích cây xanh, bảo tồn khu sinh quyển…
Thành phố sẽ tập trung xây dựng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước gắn kết với các mục tiêu tăng trưởng xanh hướng đến phát triển bền vững; thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng xanh; tích hợp tăng trưởng xanh vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.