Nếu không mạnh dạn đầu tư cho KH-CN và đổi mới sáng tạo, chúng ta sẽ bị mắc kẹt trong chính cái hố năng suất thấp, giá trị gia tăng thấp, và bẫy thu nhập trung bình của chính chúng ta. Do vậy, cả Nhà nước và khu vực tư nhân cần nhận thức đúng tầm quan trọng của đầu tư cho KH-CN và ưu tiên chi cho KH-CN một cách tương xứng hơn, hiệu quả hơn.

Chi cho KH-CN của Việt Nam hiện nay chỉ khoảng 0,44% GDP

Thu Anh | 16/05/2019, 06:04

Nếu không mạnh dạn đầu tư cho KH-CN và đổi mới sáng tạo, chúng ta sẽ bị mắc kẹt trong chính cái hố năng suất thấp, giá trị gia tăng thấp, và bẫy thu nhập trung bình của chính chúng ta. Do vậy, cả Nhà nước và khu vực tư nhân cần nhận thức đúng tầm quan trọng của đầu tư cho KH-CN và ưu tiên chi cho KH-CN một cách tương xứng hơn, hiệu quả hơn.

          

Hội nghị quốc tế với chủ đề “Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Một trụ cột cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam” do Bộ KH-CN phối hợp với Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc và Liên minh Đổi mới Sáng tạo Phát triển Quốc tế (IDIA) tổ chức vào ngày 15.5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ ra những hạn chế, bất cập mà Việt Nam cần khắc phục.

Việt Nam chi cho KH-CN chỉ khoảng 0,44% GDP

Theo Thủ tướng, hạn chế trước hết là nhận thức của các cấp, các ngành và các địa phương về vai trò của KH-CN và đổi mới sáng tạo còn chưa đầy đủ, toàn diện. Hành lang pháp lý và cơ chế chính sách còn thiếu đồng bộ, chưa tạo động lực cho phát triển KH-CN.

Ngoài ra, năng lực KH-CN và đổi mới sáng tạo của chúng ta còn hạn chế; hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia còn non trẻ, manh mún; vẫn còn ít hoạt động đổi mới sáng tạo; lượng doanh nghiệp theo đuổi các chiến lược về đổi mới sáng tạo còn khiêm tốn. Các trường đại học thiên về đào tạo hơn nghiên cứu; nếu có nghiên cứu thì tính ứng dụng không cao; rất thiếu sự kết nối giữa các trường đại học, viện nghiên cứu và khu vực kinh doanh.

Theo báo cáo của Viện kinh tế Việt Nam, đầu tư cho KH-CN có xu hướng giảm, tỷ lệ chi cho nghiên cứu phát triển trên GDP của Việt Nam ở mức rất thấp so với mức trung bình của thế giới; khi quy về một “mặt bằng” so sánh ở hàng rất thấp trong khu vực. Diễn đàn kinh tế thế giới cũng đánh giá Việt Nam đang tụt hậu về mức độ sẵn sàng công nghệ, về đổi mới sáng tạo và về năng suất lao động so với một số nước ở Châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia và Singapore.

Cả khu vực Nhà nước và tư nhân, chi cho KH-CN của Việt Nam hiện nay chỉ khoảng 0,44% GDP, khá thấp so với bình quân của thế giới là 2,23% GDP (Thái Lan 0,78%; Singapore 2,2%; Malaysia 1,3%, Trung Quốc 2,1%). Nếu không mạnh dạn đầu tư cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, Thủ tướng cho rằng chúng ta sẽ bị mắc kẹt trong chính cái hố năng suất thấp, giá trị gia tăng thấp, và bẫy thu nhập trung bình của chính chúng ta.

Do vậy, Thủ tướng nhấn mạnh: “Cả Nhà nước và và khu vực tư nhân cần nhận thức đúng tầm quan trọng của đầu tư cho KH-CN và ưu tiên chi cho KH-CN một cách tương xứng hơn, hiệu quả hơn. Chú trọng tính thiết thực, hiệu quả, không làm theo phong trào, gây lãng phí”.

Hội nghị có sự tham gia của rất nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế - Ảnh: TTXVN

Về phía các doanh nghiệp, theo Thủ tướng, các doanh nghiệp cũng cần hiểu rằng đầu tư cho Nghiên cứu và Phát triển là con đường “ngắn nhất” để đạt được hiệu quả, tăng năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững hơn.

Trong bối cảnh hội nhập, mức độ canh tranh ngày càng trở nên gay gắt hơn, đòi hỏi phải đầu tư vào việc phát triển năng lực công nghệ, bao gồm nghiên cứu và phát triển. Việc nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo trở nên cấp thiết để doanh nghiệp Việt Nam có thể giành được vị thế cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Chúng ta cần tìm ra điểm kích hoạt khuyến khích doanh nghiệp hăng hái đầu tư cho nghiên cứu phát triến chứ không chỉ kêu gọi bằng lời nói.

Bứt phá nhờ đầu tư vào KH-CN

Tại hội nghị, bà Lucy Cameron - tư vấn nghiên cứu cao cấp, CSIRO cho biết chỉ những quốc gia tận dụng tốt KH-CN mới có những bứt phá nhảy vọt trong giai đoạn hiện nay. Nhiều doanh nghiệp Việt đã tận dụng tốt những nền tảng công nghệ như Vietnam Airlines dùng máy bay không người lái, công nghệ thực tế ảo tăng cường hiệu quả hoạt động. 

Theo chuyên gia, Việt Nam có vị thế phù hợp để thúc đẩy kinh tế số. Chuyển đổi số sẽ đem lại khoảng 1,1% tăng trưởng GDP mỗi năm cho Việt Nam đến năm 2045. Bà Lucy Cameron cũng nhận định tăng trưởng của Việt Nam khá nhanh và toàn diện, chỉ sau Trung Quốc và có nền tảng phù hợp để chuyển đối số.

Về thách thức, vị chuyên gia cho biết Việt Nam gặp thách thức về biến đổi khí hậu, sự chậm lại của năng suất lao động, nguồn lực cần thiết. Việt Nam đã đạt được vị thế quốc gia thu nhập trung bình thấp. Nhiều quốc gia mắc bẫy thu nhập trung bình do không có đổi mới và thay đổi nguồn tăng trưởng. Đối với các nền kinh tế có thu nhập cao, tăng trưởng nhanh như Hong Kong, Singapore, Hàn Quốc... họ vượt lên bứt phá nhờ đầu tư vào KH-CN.

Cũng theo chuyên gia, Việt Nam có nhiều điểm tương đồng như các nước này. Để trở thành “con hổ châu Á” đạt được mức thu nhập cao, Việt Nam cần tăng trưởng cao về xuất khẩu và chuyển đổi cơ cấu; tăng trưởng nhanh và toàn diện; bắt kịp về công nghệ, ứng dụng KH-CN và nâng cao năng suất; hệ thống chính sách ổn định và đáng tin cậy; đầu tư cao cho y tế - giáo dục…

Thu Anh

   
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Bàn giải pháp cấp nước sạch ở ĐBSCL bằng nhà máy di động trong container
5 giờ trước Theo dòng thời sự
Hiện đã có doanh nghiệp làm được nhà máy nước di động, đầu vào sử dụng nước ngọt và cả nước nhiễm mặn để xử lý thành nước sạch với công suất tới 3.000m3/ngày.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chi cho KH-CN của Việt Nam hiện nay chỉ khoảng 0,44% GDP