Chỉ sau một đêm, giá vàng trên thị trường thế giới tăng mạnh hơn 1 triệu đồng và vọt qua mốc 1.800 USD/ounce khi nhà đầu tư ồ ạt mua vào.
Giá vàng tăng vọt
Sáng 2.12 (theo giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao dịch tại 1.815 USD/ounce, tăng 38 USD/ounce, tương đương 1 triệu đồng/lượng so với kết thúc với phiên giao dịch trước.
Trước đó, trong đêm 1.12, việc một số nhà đầu tư quay lại mua vàng khiến thị trường có phản ứng tích cực và quay đầu tăng giá từ mức 1.777 USD/ounce lên mức 1.787 USD/ounce. Tiếp đến, nhiều nhà đầu tư đột ngột gom hàng trong nhiều giờ giao dịch liên tiếp khiến giá vàng tiếp tục tăng mạnh. Đến rạng sáng 2.12, giá vàng đã tăng lên mốc 1.815 USD/ounce.
Giá vàng tăng mạnh khi Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell tiếp tục cam kết sử dụng tất cả công cụ để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua COVID-19. Ông Jerome Powell cũng hối thúc chính phủ Mỹ nối lại các vòng đàm phán gói kích thích kinh tế hàng ngàn tỉ USD, nhằm sớm vực dậy kinh tế Mỹ suy yếu do dịch bệnh.
Thông tin này khiến nhà đầu tư nhìn nhận các chính phủ trên toàn cầu sẽ tiếp tục in tiền để tài trợ cho nền kinh tế bị ảnh hưởng do dịch COVID-19. Từ đó, họ lạc quan và cho rằng sẽ đạt được nhiều lợi nhuận hơn nữa từ vàng vào năm 2021.
Trong khi đó, triển vọng kinh tế thế giới 2021 cũng không còn sáng như trước, khi Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) vừa đưa ra dự báo nói rằng tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ chỉ đạt 4,1% trong 2021, thấp hơn mức 5% như dự báo trước đó. OECD còn cho biết tăng trưởng Mỹ chỉ đạt 3,2% trong 2021, thay vì 4%. Còn ở khu vực châu Âu mức dự báo giảm từ 5,1% xuống còn 3,6%.
OECD nhận định nền kinh tế thế giới phía trước sáng sủa hơn nhưng vẫn còn nhiều thách thức, đồng thời thừa nhận rằng các biện pháp ngăn chặn tốc độ lây lan của dịch COVID-19 vẫn cần trong vài tháng tới. Thông tin này khiến nhiều nhà đầu tư quay về tìm “hầm trú ẩn” là vàng.
Không những vậy, thị trường đã chứng kiến giá kim loại quý lấy lại ngưỡng hỗ trợ 1.800 USD sau khi đồng USD trượt giá xuống mức thấp 2 năm qua. Nhiều nhà đầu tư đã bán tháo USD làm đồng tiền này suy yếu rất nhiều so với euro, tạo động lực cho giá vàng đi lên.
Ngoài ra, vàng tăng trở lại còn do chứng khoán thế giới biến động trái chiều. Sau nhiều phiên tăng mạnh, nhiều thị trường quay đầu giảm giá mạnh.
Giá vàng trong nước tăng mạnh
Ở thị trường vàng trong nước, sáng nay, giá vàng SJC tiếp tục tăng mạnh ngay khi vừa mở cửa giao dịch. Cụ thể, vào lúc 11 giờ, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng miếng tại thị trường TP.HCM với giá mua vào 54,2 triệu đồng/lượng, bán ra 54,85 triệu đồng/lượng, tăng 500.000 đồng ở chiều mua và 550.000 đồng/lượng ở chiều bán.
Giá vàng miếng được Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết cho khu vực Hà Nội ở mức: 54,25 triệu đồng/lượng (mua vào) và 54,85 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng 550.000 đồng ở chiều mua vào và 350.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với cuối phiên liền trước.
Cùng thời điểm trên, giá Vàng Rồng Thăng Long giao dịch tại: 53,03 - 53,74 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 320.000 đ/lượng chiều mua vào và tăng 250.000đ/lượng chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua. Giá vàng SJC tại Bảo Tín Minh Châu giao dịch ở mức 54,2 - 54,65 triệu đồng/lượng, tăng 650.000đ/lượng ở chiều mua vào và 550.000đ/lượng đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Đà tăng của vàng vẫn sáng
Trong thời gian tới, chuyên gia dự báo thị trường vàng vẫn đang bị áp lực bởi tin tức tốt lành về vắc xin COVID-19. Việc các quỹ đầu tư vàng giảm lượng vàng nắm giữ cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực tới giá vàng. Dữ liệu từ Bank of America cho thấy giới đầu tư đã rút kỷ lục 4 tỉ USD khỏi các quỹ đầu tư vàng trong tuần kết thúc vào ngày 18.11.
Mặc dù vậy, về dài hạn, nhiều tổ chức vẫn dự báo vàng sẽ lên giá do lãi suất thực yếu, lạm phát tăng, đồng USD suy yếu. Ông Sean Lusk, Giám đốc của Walsh Trading nói rằng không loại trừ khả năng vàng tiếp tục giảm giá trước khi có thể hồi phục. “Nếu thị trường có thể đẩy giá vàng giảm thêm 60-70 USD/ounce, ngưỡng giá dưới 1.700 USD/ounce có thể xuất hiện trước khi sự hồi phục diễn ra”, ông Lusk nói và tin giá vàng sẽ tăng trở lại trong 2021.
Đáng chú ý, dù hạ dự báo giá vàng, Bank of America không hoàn toàn bi quan về triển vọng giá kim loại quý này. Các chuyên gia của Bank of America vẫn kỳ vọng giá vàng vượt 2.000 USD trong năm 2021 trước khi giảm về 1.900-1.950 USD/ounce trong thời gian từ 2022-2025.
Còn các nhà phân tích của Citibank thì dự báo giá vàng lên 2.100 USD/ounce trong năm 2021 và 2.200 USD/ounce trong 2022. ANZ thì vẫn dự đoán giá vàng sẽ lên 2.100 USD vào năm sau.
Nhà phân tích Ole Hansen thuộc Saxo Bank nói rằng nhiều khả năng các ngân hàng trung ương sẽ giữ lãi suất ở mức thấp, khiến lợi suất trái phiếu khó tăng và bơm thêm tiền vào hệ thống tài chính, đặt ra nguy cơ lạm phát, từ đó có lợi cho giá vàng.
“Vắc xin COVID-19 có thể chặn virus nhưng không giải quyết được khối nợ khổng lồ. Đồng USD sẽ suy yếu khi kinh tế toàn cầu hồi phục, khiến vàng trở nên rẻ hơn khi được mua ở các thị trường ngoài Mỹ”, ông Hansen nói.