Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 sẽ diễn ra theo 3 kịch bản, trong đó phụ thuộc chính vào chiến dịch tiêm vắc xin.

Chiến dịch tiêm vắc xin COVID-19 quyết định đến tăng trưởng GDP Việt Nam

Tuyết Nhung | 06/07/2021, 18:00

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 sẽ diễn ra theo 3 kịch bản, trong đó phụ thuộc chính vào chiến dịch tiêm vắc xin.

Trao đổi với PV Một Thế Giới về tình hình kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm và diễn biến tăng trưởng cả năm nay, chuyên gia kinh tế - TS Cấn Văn Lực (Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV) nhận định trong bối cảnh tiến trình tiêm chủng vắc xin toàn cầu được đẩy nhanh, kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng đều được dự báo sẽ hồi phục trong năm 2021.

ts-can-van-luc-16050963.jpg
TS Cấn Văn Lực - Ảnh: Internet

Trong điều kiện Việt Nam đang thực hiện tốt “mục tiêu kép” với sự tăng trưởng tích cực của các trụ cột kinh tế là nông lâm nghiệp, thủy sản và công nghiệp chế biến, chế tạo, vị chuyên gia dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay khoảng 6,1%-6,3% (kịch bản cơ sở). Theo đó, để đạt tăng trưởng 6,1-6,3% trong năm 2021 thì quý 3 và quý 4/2021 phải tăng trưởng khoảng 6,5-6,7%.

Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp cần tăng trưởng 3,7-3,9%, công nghiệp và xây dựng tăng 10-10,4%, dịch vụ tăng 4,7-5%. Các địa phương có đóng góp lớn (TP.HCM, Hà Nội) cần duy trì được mức tăng trưởng khá cao (gấp khoảng 1,3 lần so với bình quân cả nước).

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, TS Lực và nhóm nghiên cứu dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm 2021 theo 3 kịch bản. Với kịch bản cơ sở, các đối tác thương mại - đầu tư chính của Việt Nam đẩy nhanh tiêm vắc xin và đạt miễn dịch cộng đồng trong năm 2021 thì sẽ giúp giảm mạnh tình trạng lây nhiễm, khôi phục đa số các hoạt động kinh tế - xã hội. Tại Việt Nam, dịch bệnh chủ yếu ảnh hưởng trong quý 2 và được kiểm soát từ đầu quý 3/2021, tiêm vắc xin được đẩy nhanh và có thể đạt miễn dịch cộng đồng đến giữa năm 2022. Khi đó, tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam có thể đạt từ 6,1-6,3%.

Với kịch bản tích cực, các đối tác thương mại - đầu tư chính của Việt Nam đẩy nhanh tiêm vắc xin và đạt miễn dịch cộng đồng trong quý 3/2021, tạo điều kiện sớm khôi phục hoạt động kinh tế - xã hội, hoạt động thương mại, đầu tư và tiêu dùng toàn cầu phục hồi nhanh.

Tại Việt Nam, dịch bệnh chủ yếu tác động trong quý 2 và được kiểm soát tốt, tiến trình tiêm vắc xin được đẩy nhanh, đạt miễn dịch cộng đồng ngay trong năm 2021, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, thúc đẩy tăng trưởng được nhanh chóng ban hành và triển khai, tiêu dùng hồi phục mạnh mẽ... Khi đó, tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam có thể đạt 6,5-6,7%.

Với kịch bản tiêu cực, tới cuối năm 2021 dịch bệnh trên thế giới mới cơ bản được kiểm soát, vắc xin chậm đưa vào tiêm chủng tại các quốc gia mới nổi và đang phát triển do hạn hẹp về nguồn cung, quá trình phục hồi tại nhiều nước khó khăn, hoạt động thương mại, đầu tư và tiêu dùng toàn cầu chỉ phục hồi nhẹ.

Dịch bệnh COVID-19 ở Việt Nam tới hết quý 3/2021 mới cơ bản được kiểm soát, nhưng nền kinh tế vẫn chịu ảnh hưởng trong quý 4, quá trình chậm triển khai tiêm vắc xin và chỉ có thể đạt miễn dịch cộng đồng đến cuối năm 2022, dẫn tới việc chậm khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, quá trình tái cơ cấu, chuyển đổi số được thúc đẩy nhưng thương mại, thu hút vốn FDI và tiêu dùng phục hồi chậm.

"Khi đó, kinh tế Việt Nam năm 2021 chỉ có thể tăng trưởng từ 5,4-5,7%, mức tăng trưởng vẫn cao hơn một phần là do so với mặt bằng thấp của năm 2020", TS Lực nhấn mạnh.

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2021 của Việt Nam tăng 5,64%, vẫn thấp hơn mục tiêu đề ra. Để đạt được mục tiêu tăng GDP 6,5% trong năm nay thì tăng trưởng 6 tháng cuối năm phải đạt trên 7,2%.

Tình hình kinh tế Việt Nam thời gian qua chịu tác động mạnh từ sự bùng phát dịch trong khu công nghiệp tại Bắc Ninh, Bắc Giang và các tỉnh phía Nam. Điều này đang gây nhiều khó khăn cho sản xuất. Mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm nay đạt được hay không thì giới chuyên gia cho rằng còn phải tùy thuộc vào khả năng kiểm soát dịch COVID-19.

Vào đầu tháng 7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết Bộ này đã và đang nỗ lực để làm sao có vắc xin về Việt Nam ngày một nhiều, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêm chủng của người dân. Tuy nhiên do nguồn cung khan hiếm vào thời điểm này, nên cao điểm vắc xin về Việt Nam là quý 4/2021. Dự kiến trong tháng 7.2021 sẽ có khoảng 8 triệu liều vắc xin về Việt Nam.

Bài liên quan
Các FTA hỗ trợ Việt Nam phục hồi kinh tế nhanh hơn sau đại dịch
Đại dịch COVID-19 đã đặt ra những thách thức cho các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp. Trong bối cảnh đó, những hiệp định thương mại thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA hay RECP thực sự đã mang lại cơ hội cho Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Đa dạng hóa loại hình và nguồn lực cho đào tạo nhân lực bán dẫn
10 giờ trước Nhịp đập khoa học
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn là "đột phá của đột phá" trong đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chiến dịch tiêm vắc xin COVID-19 quyết định đến tăng trưởng GDP Việt Nam