Hai chiếc xe bán tải đang phóng nhanh trên con đường vắng thì đột nhiên dừng lại, lực lượng an ninh trên xe bắn vào một xe máy chở 3 thanh niên chạy tới.

Chiến thuật ‘khủng bố bằng xác chết’ của quân đội Myanmar

Cẩm Bình | 10/06/2021, 11:58

Hai chiếc xe bán tải đang phóng nhanh trên con đường vắng thì đột nhiên dừng lại, lực lượng an ninh trên xe bắn vào một xe máy chở 3 thanh niên chạy tới.

Xe máy chệch hướng rồi đâm vào cổng một ngôi nhà, 2 trong 3 thanh niên bỏ chạy trong làn đạn, người còn lại tên Kyaw Min Latt nằm gục dưới đất. Lực lượng an ninh tóm lấy anh ném lên xe bán tải chở đi.

Vụ việc chỉ kéo dài hơn 1 phút nhưng đã bị máy quay ghi lại. Đoạn phim này nằm trong số hàng loạt hình ảnh chia sẻ rộng rãi lên mạng xã hội nhằm giúp vạch trần cuộc đàn áp tàn bạo do quân đội Myanmar thực hiện.

1000-1-.jpeg
Cảnh xả súng vào 3 thanh niên đi xe máy bị ghi lại - Ảnh: AP

Xem xét hơn 2.000 dòng đăng trên Twitter và hình ảnh trên mạng, cùng với tin tức báo chí, phỏng vấn nhiều người liên quan, hãng AP hợp tác cùng đơn vị điều tra về nhân quyền thuộc đại học California (HRC Lab) ghi nhận hơn 130 vụ lực lượng an ninh Myanmar giết người bừa bãi rồi dùng thi thể người chết làm công cụ “khủng bố” người dân. Hơn 2/3 vụ việc đã được xác nhận hoặc được xếp loại có độ tin cậy cao.

Tổ chức Hỗ trợ tù nhân chính trị (AAPP) xác định từ lúc đảo chính xảy ra cho đến nay đã có hơn 825 người thiệt mạng. HRC Lab thu thập được không ít đoạn phim ghi lại cảnh thi thể bị kéo lê trên phố trước khi bị ném lên xe, đưa đi đâu đó. Nhiều người tiết lộ vài trường hợp biến mất hoặc bị bắt đi, lúc trả về nhà thì chỉ còn là cái xác không hồn với đầy dấu vết bị tra tấn. Giấy chứng tử ghi lý do tử vong thường là đau tim hoặc té ngã trong các vụ bạo lực.

Việc hỏa táng hoặc khai quật thi thể bị quân đội tiến hành lén lút lúc nửa đêm. Một số nhân chứng tiết lộ có gia đình chấp nhận trả tiền cho bệnh viện quân đội để được nhận lại thi thể người thân.

Học giả Nick Cheesman (chuyên nghiên cứu Myanmar) thuộc một trường đại học Úc cho biết các vụ giết người bừa bãi thật ra là hoạt động có hệ thống hòng hạ gục tinh thần người dân, giải tán lực lượng chống đối quân đội.  “Đây thực sự là khủng bố cấp nhà nước”, theo học giả Cheesman.

Học giả Van Tran thuộc Đại học Cornell (Mỹ) từng nghiên cứu phong trào chống quân đội tại Myanmar năm 1988 và năm 2007, cũng đưa ra nhận định tương tự: “Quân đội luôn đàn áp đẫm máu, luôn có việc hỏa táng, chôn cất số thi thể người bị bắn hạ. Nhiều gia đình trong thời gian dài không biết con mình đã đi đâu”.

Giới phân tích chỉ ra rằng đây là chiến thuật quen thuộc. Nhưng nay đã khác, hành vi bạo lực bị điện thoại và máy quay an ninh ghi lại, có thể trở thành bằng chứng trước tòa án hình sự quốc tế sau này.

Khoảng 1/4 số vụ giết người mà HRC Lab thống kê được xảy ra tại Yangon, tiếp theo là Mandalay và Bago.

1000-3-.jpeg
Giết chóc bừa bãi rồi dùng nhiều cách phi tang thi thể là chiến thuật quân đội Myanmar thường dùng để khủng bố tinh thần người dân chống đối, đồng thời che giấu số người chết thực sự - Ảnh: AP

Về nhà ăn trưa thì gặp nạn

Thanh niên Kyaw Min Latt bị bắn vào ngày 27.3, người nhà cho biết anh không hề tham gia biểu tình. Lúc đó Kyaw Min lái xe từ chỗ làm về nhà để ăn trưa cùng 2 người bạn.

Phân tích đoạn phim máy quay ghi lại, HRC Lab xác định vụ việc xảy ra khoảng 10 giờ 38 sáng 27.3 trước một trường trung học trên đường Azarni (thị trấn Dawei). Không lâu sau một người qua đường đăng lên Facebook hình ảnh chụp bức tường bê tông đẫm máu và đôi dép lê gần chiếc xe máy màu trắng mà 3 thanh niên lái về nhà.

Đoạn phim máy quay ghi lại cũng lan truyền rộng rãi và người cha Soe Soe Latt biết tin. Sau đó ông được biết con mình bị đưa vào bệnh viện quân đội nên vội vã chạy đến.

Chiều 27.3, Kyaw Min còn sống. Ông Soe Soe kể lại: “Thằng bé bị thương nặng. Nó mở mắt khi chúng tôi có mặt ở bệnh viện nhưng không nói được lời nào cả”.

Kyaw Min không qua khỏi. Bác sĩ muốn khám nghiệm tử thi nhưng gia đình quyết liệt phản đối, bệnh viện yêu cầu người nhà ký giấy xác nhận thanh niên này tử vong vì vết thương ở đầu lúc ngã xe thì mới cho lấy thi thể.

Hình ảnh đăng tải trước khi tổ chức đám tang cho thấy nguyên nhân tử vong khác: trên cổ Kyaw Min là một vết thương hở lớn.

1000.jpeg
Vết thương hở trên cổ Kyaw Min - Ảnh: AP

Nhiều nạn nhân khác

Từ khi đảo chính quân sự xảy ra cho đến nay, hàng loạt thành viên đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) bị bắt đi thẩm vấn, một số người không thể sống sót quay về. Phía NLD cho biết từng có trường hợp gia đình không được phép lấy thi thể người chết tại điểm thẩm vấn.

Hai trường hợp khác thi thể có vết bầm tím, đầu có vết máu khô, một phần da mặt bị lột, nhưng bác sĩ dặn người nhà “chỉ cần nói với mọi người ông ấy lên cơn đau tim rồi chết”.

Không chỉ đảng viên NLD, dân thường cũng trở thành mục tiêu. Aung Khaing Myit sống ở thị trấn Pyay bị đánh rồi đưa đi thẩm vấn vì nghi dính líu một vụ đánh bom, người chị gái cho biết cảnh sát đảm bảo ông ấy sẽ không gặp chuyện gì, nhưng bỗng có tiếng Aung Khaing la hét rồi im bặt.

Ngày hôm sau, gia đình được đưa đến một bệnh viện quân sự, nhận tin Aung Khaing tử vong khi cố gắng nhảy khỏi xe. Thi thể đã được đặt sẵn trong quan tài, họ chỉ được phép nhìn thấy phần mặt (nhiều vết bầm) của Aung Khaing, giới chức trách đem thi thể đi hỏa táng bất chấp gia đình phản đối.

Nữ sinh Kyal Sin 19 tuổi bị bắn vào đầu lúc tham gia biểu tình ngày 3.3. Ngay trong đêm sau khi tang lễ diễn ra, hoa đặt trên mộ biến mất và đài MRTV đưa tin thi thể của cô bị giới chức trách khai quật tiến hành khám nghiệm tử thi, minh oan cho viên cảnh sát chịu cáo buộc bắn Kyal Sin.

Giới chức trách sau đó đưa ra một giấy chứng tử xác định kích cỡ viên đạn bắn Kyal Sin không khớp với đường kính nòng súng của viên cảnh sát, hơn nữa đạn được bắn từ hướng khác nên không thể đổ lỗi cho lực lượng an ninh.

1000-2-.jpeg
Nữ sinh Kyal Sin 19 tuổi bị bắn vào đầu lúc tham gia biểu tình ngày 3.3 - Ảnh: AP

Thiếu niên Ye Yint Naing 15 tuổi (đạo Hồi) lén lút trốn gia đình tham gia biểu tình. Anh bị trúng đạn ngã xuống đất, lời kêu cứu từ người thiếu niên đang chảy máu không được đáp lại vì bạn bè sợ trở thành mục tiêu của một tay súng bắn tỉa đứng gần đó.

Sau khi tiếng súng đã ngừng, cơ thể bất động của Ye Yint bị đưa đi. Hàng loạt bài đăng trên mạng xã hội tiết lộ số phận của anh: nơi thi thể được chuyển đến là một nghĩa trang địa phương, cảnh sát ra lệnh hỏa táng, ngược lại truyền thống đạo Hồi.

Chỉ có thể nhận lại tro cốt, anh trai của Ye Yint cảm ơn những người đã đăng tải hình ảnh. Nếu không có họ, gia đình sẽ không biết được bất cứ tin tức gì.

Cuộc đàn áp biểu tình đẫm máu tại thị trấn Aungban hôm 19.3 như sau: xe tải chở binh sĩ cùng cảnh sát ập vào từ sáng, dùng hơi cay lẫn đạn thật khiến ít nhất 8 người thiệt mạng. Sau đó lực lượng an ninh đưa thi thể đến nghĩa trang địa phương, phá khóa lò hỏa táng, hỏa thiêu thi thể bằng lốp xe cho đến lúc chỉ còn lại tro.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đưa quan hệ Việt Nam - Ba Lan lên tầm chiến lược
8 giờ trước Sự kiện
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Ba Lan, sáng 17.1, tại thủ đô Warsaw, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thăm và phát biểu chính sách tại Đại học Tổng hợp Warsaw, nhấn mạnh về việc đưa quan hệ Việt Nam - Ba Lan lên tầm chiến lược, vì hòa bình và phát triển của hai khu vực Đông Nam Á và Trung Đông Âu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chiến thuật ‘khủng bố bằng xác chết’ của quân đội Myanmar