Trong cuộc chiến tranh giữa Nga - Ukraine, chiến tranh điện tử là mặt trận quan trọng nhưng được các chỉ huy quân sự che giấu, ít nhắc đến.

Chiến tranh điện tử trong chiến sự Nga - Ukraine

Cẩm Bình | 06/06/2022, 15:12

Trong cuộc chiến tranh giữa Nga - Ukraine, chiến tranh điện tử là mặt trận quan trọng nhưng được các chỉ huy quân sự che giấu, ít nhắc đến.

Công nghệ tác chiến điện tử nhắm vào hệ thống thông tin liên lạc, định vị và dẫn đường nhằm xác định vị trí, làm mù, đánh lừa đối phương cũng như giáng đòn sát thương trực tiếp. Nó được sử dụng để chống lại pháo binh, chiến đấu cơ, tên lửa hành trình, máy bay không người lái... Quân đội các nước thường dùng công nghệ tác chiến điện tử để bảo vệ lực lượng của mình.

Đây là mặt trận Nga có ưu thế rõ rệt. Vì nhiều lý do mà năng lực tác chiến điện tử của Nga không được nhìn thấy trong giai đoạn đầu xung đột, nhưng nó lại đóng vai trò ngày càng quan trọng khi cuộc chiến chuyển trọng tâm sang miền Đông Ukraine, nơi có đường tiếp tế ngắn và dễ bảo vệ hơn đối với Nga, tạo điều kiện cho Moscow triển khai thiết bị tác chiến điện tử đến gần chiến trường hơn.

ch1000.jpeg
Hệ thống tác chiến điện tử Palantin-K của Nga - Ảnh: AP

Thành viên một đội trinh sát dùng máy bay không người lái của Ukraine tiết lộ: “Họ (Nga) làm nhiễu mọi thứ mà hệ thống của họ có thể tiếp cận. Không thể nói là họ giữ thế áp đảo, nhưng họ quả thực cản trở chúng tôi rất nhiều”.

Một quan chức tình báo Ukraine đánh giá mối đe dọa từ Nga rất nghiêm trọng, làm gián đoạn nỗ lực trinh sát và liên lạc giữa chỉ huy với binh sĩ. Đặc biệt Nga còn làm nhiễu cả máy thu tín hiệu GPS trên máy bay không người lái mà Ukraine dùng để xác định vị trí của kẻ thù và hướng dẫn pháo binh.

Ukraine cũng đạt được những chiến tích trong đối phó Nga. Họ từng chiếm được một hệ thống quan trọng, tiêu diệt ít nhất hai đơn vị tác chiến điện tử di động đa phương tiện. Ngược lại, Nga cũng tuyên bố phá hủy một trung tâm tình báo điện tử Ukraine ở thị trấn Dniprovske.

Chiến tranh điện tử có 3 yếu tố cơ bản: thăm dò, tấn công và bảo vệ. Đầu tiên thu thập tin tình báo bằng cách xác định định vị tín hiệu điện tử kẻ địch sử dụng. Sau đó, khi tấn công sử dụng “tiếng ồn trắng” (dạng âm thanh được tạo ra bằng cách kết hợp nhiều âm thanh ở tần số khác nhau) làm nhiễu hệ thống liên lạc vô tuyến, điện thoại di động, hệ thống phòng không, radar pháo binh của kẻ địch. Tiếp theo là phát đi tín hiệu giả mạo khiến vũ khí kẻ địch bắn trượt mục tiêu.

Đại tá Laurie Buckhout - cựu chỉ huy tác chiến điện tử của Mỹ - cho biết: “Hoạt động trên chiến trường hiện đại mà không có dữ liệu thực sự khó khăn. Gây nhiễu có thể khiến máy bay “bị mù và điếc” rất nhanh và nguy hiểm, đặc biệt nếu là máy bay phản lực bay với vận tốc 600 dặm/giờ mà mất tín hiệu GPS và radar”.

Tất cả những điều trên giải thích cho việc vì sao chiến tranh điện tử lại được giữ kín. Chuyên gia bảo mật truyền thông James Stidham - cố vấn cho Bộ An ninh nội địa Mỹ - cho biết: “Đây là lĩnh vực cực kỳ bí mật vì nó phụ thuộc nhiều vào công nghệ tiên tiến, nơi thành tích có thể bị sao chép và xóa sổ rất nhanh”.

Ukraine học được bài học về chiến tranh điện tử vào giai đoạn 2014-2015 khi Nga thể hiện sức mạnh áp đảo. Phía Moscow vô hiệu hóa máy bay không người lái và đầu đạn, thâm nhập mạng điện thoại di động.

Trong cuốn sách The Kill Chain, Christian Brose - cố vấn của cố Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain - dẫn lời một sĩ quan Ukraine tiết lộ quân Nga từng lừa một chỉ huy Ukraine bằng cách tạo ra một cuộc gọi từ mẹ người đó. Khi viên chỉ huy bắt máy thì vị trí của ông ta bị lộ, quân Nga dùng tên lửa giết ông.

Mỹ đã đối đầu với năng lực tác chiến điện tử của Nga trong cuộc chiến tại Syria. Năm 2018, cựu chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Mỹ Raymond Thomas từng mô tả hệ thống liên lạc của phi công nước này thường xuyên bị đánh sập. Các hệ thống tiên tiến mà Nga sở hữu được thiết kế để vô hiệu hóa hệ thống kiểm soát - cảnh báo trên không (AWACS) vốn đóng vai trò “tai mắt” cho nhiều chỉ huy chiến trường Mỹ. Tên lửa hành trình cùng vệ tinh do thám cũng dễ bị nhắm đến.

ch10001.jpeg
Nga có ưu thế hơn Ukraine ờ mặt trận chiến tranh điện tử - Ảnh: AP

Trong cuộc chiến tại Ukraine hiện tại, chiến tranh điện tử càng diễn ra kịch liệt hơn nữa.

Lực lượng Aerorozvidka (thuộc quân đội Ukraine) cải tiến một số máy bay không người lái trang bị camera để xác định chính xác vị trí của kẻ địch rồi tấn công bằng súng cối và lựu đạn. Tấn công mạng cũng được dùng cho nhiệm vụ vô hiệu hóa thiết bị điện tử, thu thập tin tình báo.

Giới chức Ukraine khẳng định năng lực tác chiến điện tử của nước này đã cải thiện rất nhiều từ năm 2015. Họ sử dụng thiết bị liên lạc mã hóa của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ để giành lợi thế chiến thuật.

Trung tá không quân Mỹ Tyson Wetzel cho biết Nga tiến hành gây nhiễu tín hiệu GPS ở khu vực từ Phần Lan đến Biển Đen, hậu quả là hãng hàng không Transaviabaltica từng phải hủy mỗi tuần một chuyến bay. Hoạt động gây nhiễu cũng làm gián đoạn việc phát sóng truyền hình của Ukraine, theo giám đốc điều hành công ty vệ tinh Kratos Defense Frank Backe.

Ở giai đoạn đầu chiến tranh, Nga sử dụng tác chiến điện tử không dày đặc và hiệu quả như mong đợi. Đây có thể là yếu tố khiến họ không thể tiêu diệt được nhiều đơn vị radar và phòng không để giành ưu thế trên không.

Một số nhà phân tích tin rằng các chỉ huy Nga giữ lại một số đơn vị tác chiến điện tử vì sợ rằng số đơn vị này bị bắt. Đã có ít nhất hai đơn vị rơi vào tay quân Ukraine là Krasukha-4 (gây nhiễu tín hiệu vệ tinh, radar giám sát, vũ khí dùng radar dẫn đường) và Borisoglebsk-2 (gây nhiễu hệ thống dẫn đường máy bay không người lái, mìn điều khiển bằng sóng vô tuyến).

Nga cũng có thể hạn chế sử dụng năng lực tác chiến điện tử ở giai đoạn đầu vì lo ngại đội ngũ kỹ thuật viên không được đào tạo hoặc vận hành trang bị kém.

Lầu Năm Góc xác định Nga triển khai khoảng 110 nhóm tác chiến cấp trung đoàn. Mỗi nhóm khoảng 1.000 quân, có một đơn vị tác chiến điện tử.

Điện Kremlin cũng từng tuyên bố họ có hơn 1.000 máy bay không người lái nhỏ đa năng Orlan-10 làm nhiệm vụ trinh sát, xác định mục tiêu, gây nhiễu, đánh chặn điện thoại di động. Nhà nghiên cứu Samuel Bendett thuộc Trung tâm Phân tích hải quân cho rằng Nga đã mất khoảng 50 chiếc Orlan-10.

Không rõ phía Ukraine sở hữu bao nhiêu máy bay không người lái. Kyiv còn nhận được thiết bị gây nhiễu từ Anh và Mỹ.

Ngoài ra 150.000 trạm mặt đất của Ukraine còn nhận internet băng thông rộng từ hơn 2.200 vệ tinh Starlink thuộc sở hữu của các công ty tư nhân như SpaceX. Cắt đứt kết nối mạng lưới Starlink là cả một thách thức, vì làm nhiễu vệ tinh hoạt động ở quỹ đạo thấp Trái đất khó hơn làm nhiễu vệ tinh địa tĩnh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 5: Thách thức và triển vọng
Bước vào năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đứng trước những thách thức lớn buộc phải quan tâm, đó là: thuế tối thiểu toàn cầu, thuế môi trường và nguồn năng lượng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chiến tranh điện tử trong chiến sự Nga - Ukraine