Với việc Tòa án Hiến pháp Anh ra phán quyết yêu cầu chính phủ Anh phải trình kế hoạch Brexit lên cho Quốc hội phê chuẩn, con đường tách khỏi EU của London sẽ phải kéo dài thêm nhiều thời gian.
Cụ thể số phiếu ủng hộ là 8 và số phiếu chống là 3, Chánh án Tòa án tối cao Anh David Neuberger tuyên bố rằng chính phủ của bà Theresa May không thể kích hoạt điều 50 của Hiệp ước Lisbon 2007 mà không có một đạo luật do Quốc hội Anh cho phép thực hiện.
Điều 50 của Hiệp ước Lisbon 2007 diễn giải tiến trình đàm phán khi một nước EU muốn rời khỏi liên minh kinh tế-chính trị này.
Vì thế, phán quyết đồng nghĩa với việc Thủ tướng May không thể bắt đầu các cuộc đàm phán với EU về tiến trình Brexit cho đến khi được các nghị sĩ chấp thuận. Tuy nhiên, dự kiến Quốc hộiAnh sẽ thông qua đạo luật cho phép chính quyền kích hoạt điều 50 trước khi diễn ra hạn chót bắt đầu thực hiện tiến trình Brexit do Chính phủ Anh đề ra là ngày 31.3.
Cũng theo phán quyết của Tòa án Hiến pháp thì quốc hội Scotland, xứ Wales và Bắc Ireland không có quyền tham vấn về vấn đề Brexit.
Các nhà lập pháp Anh cho rằng việc chính phủ của bà May định kích hoạt điều 50 mà không qua Quốc hội bỏ phiếu là phi dân chủ và vi phạm các quy định hiến pháp lâu đời. Họ cũng cho rằng việc kích hoạt điều 50 của Hiệp ước Lisbon để khởi động các cuộc đàm phán chính thức với EU sẽ làm đảo lộn luật pháp hiện hành, do đó quyền quyết định phải thuộc về các nghị sĩ.
Bộ trưởng Tư pháp Anh Jeremy Wright cho hay Chính phủ Anh "thất vọng" nhưng sẽ "tuân thủ" và làm "tất cả những gì cần thiết" để thực thi phán quyết của Tòa án Hiến pháp.
"Người dân Anh đã bỏ phiếu rời khỏi EU và chính phủ sẽ dựa trên quyết định của họ, kích hoạch điều 50 như kế hoạch vào cuối tháng 3. Phán quyết hôm nay không thay đổi được điều đó", phát ngôn viên của Văn phòng Thủ tướng May tuyên bố.
Ái Vi (theo The Guardian)