Chính quyền mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 23.1 tuyên bố rằng Mỹ sẽ ngăn chặn Trung Quốc chiếm đóng vùng biển quốc tế tại Biển Đông, một động thái mà truyền thông Trung Quốc nói "gây ra chiến tranh".
"Tôi nghĩ rằng Mỹ sẽ đảm bảo rằng chúng tôi bảo vệ quyền lợi của mình trong khu vực đó (Biển Đông)", Phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer nói trong một cuộc họp báo.
"Những hòn đảo này đều nằm trong vùng biển quốc tế và không phải là một phần lãnh thổ của Trung Quốc. Chúng tôi đảm bảo rằng mình sẽ bảo vệ vùng lãnh thổ quốc tế bị một nước thôn tính bất hợp pháp", ông Spicer nói thêm.
Tuyên bố của ông Spicer đưa ra khi truyền thông hỏi ông rằng liệu tân Tổng thống Mỹ có đồng ý quan điểm của ứng viên Ngoại trưởng Rex Tillerson rằng Trung Quốc không được phép sử dụng các đảo nhân tạo phi pháp mà họ xây dựng trên Biển Đông hay không.
Nhận xét của ông Tillerson hôm 11.1 đã khiến truyền thông Trung Quốc lớn tiếng chỉ trích và cho rằng nếu Mỹ chặn Trung Quốc tại Biển Đông sẽ là một hành động "gây ra chiến tranh".
Trong phiên điều trần trước thượng viện Mỹ ông Tillerson dõng dạc tuyên bố: "Chúng ta phải gửi đến Trung Quốc một tín hiệu mạnh mẽ. Đầu tiên, họ phải ngừng xây dựng đảo nhân tạo. Thứ 2, họ phải bị cấm sử dụng các hòn đảo nhân tạo".
Dù vậy, Chủ tịch và giám đốc điều hành của Tập đoàn Exxon Mobil không nêu cách cụthểđể cấm không cho Trung Quốc sử dụng những hòn đảo nhân tạo mà họ đã xây dựng phi pháp trên Biển Đông.
Các trợ lý của ông Trump khẳng định rằng chính quyền mới của Mỹ sẽ tăng cường sự hiện diện quân sự tại Đông Nam Á nhằm đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc thì tuyên bố rằng họ không hiểu ý định của ông Tillerson, sau khi ông Trump tuyên bố sẽ xem lại chính sách "một Trung Quốc" về vấn đề quan hệ giữa Đài Loan với Washington.Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington cũng không ngay lập tức đưa ra bình luận về lập trường mới của Nhà Trắng.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi pháp với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông thông qua yêu sách "đường chín đoạn". Ngày 12.7.2016 Tòa Trọng tài tại The Hague đã thông qua phán quyết bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông, không công nhận tính hợp pháp của "đường chín đoạn".
Trong những năm qua, Trung Quốc không ngừng gia tăng các hoạt động quân sự tại Biển Đông như xây dựng các hòn đảo nhân tạo phi pháp, xây dựng sân bay quân sự, triển khai tên lửa, máy bay chiến đấu lên các đảo mà họ chiếm đóng phi pháp trên Biển Đông...
Mỹ không phải là một bên tranh chấp trên Biển Đông, tuy nhiên Washington luôn tuyên bố bảo vệ tự do hàng hải trong khu vực vốn là tuyến hàng hải tấp nập nhất thế giới này.
Thiên Hà (theo Reuters)