Nhiều đại biểu quốc hội cho rằng Chính phủ cần tăng chi tiêu công để đặt hàng các doanh nghiệp số trong nước, tạo động lực thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số, sản phẩm, dịch vụ công nghệ số “make in Vietnam”.
Nhịp đập khoa học

Chính phủ cần đặt hàng với doanh nghiệp số trong nước, tạo động lực thúc đẩy 'make in Vietnam'

Lam Thanh 30/11/2024 15:42

Nhiều đại biểu quốc hội cho rằng Chính phủ cần tăng chi tiêu công để đặt hàng các doanh nghiệp số trong nước, tạo động lực thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số, sản phẩm, dịch vụ công nghệ số “make in Vietnam”.

Cần chính sách ưu đãi vượt trội

Trong phiên thảo luận về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số (CNCNS) ngày 30.11, nhiều đại biểu quốc hội cho rằng để công nghiệp công nghệ số phát triển, cần có những cơ chế khuyến khích, ưu đãi có tính vượt trội, có trọng tâm, trọng điểm.

Vì vậy, các đại biểu đề nghị nghiên cứu, bổ sung, điều chỉnh, cụ thể hóa trong luật một số chính sách như hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; ưu đãi về đất đai, thuế, tài chính, đầu tư; sử dụng sản phẩm, dịch vụ CNCNS nội địa; hỗ trợ doanh nghiệp chủ động triển khai kinh doanh ngành nghề mới, mua bán, sáp nhập doanh nghiệp khởi nghiệp, liên kết phát triển hệ sinh thái.

Đại biểu Trần Thị Thanh Hương (An Giang) nêu thực tế các doanh nghiệp công nghệ số chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, họ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các công nghệ mới.

vang-2.jpg
Đại biểu Trần Thị Thanh Hương (An Giang) có ý kiến

Tuy nhiên, đối với chính sách phát triển CNCNS, bên cạnh các chính sách ưu đãi, cơ quan soạn thảo cần xác định rõ ràng hơn về đối tượng áp dụng. Đặc biệt, cần có những cơ chế khuyến khích, ưu đãi có tính vượt trội, có trọng tâm, trọng điểm, khả thi.

Bà Hương cho rằng CNCNS là một ngành cần sử dụng nhiều tài nguyên, hóa chất và tác động lớn đến môi trường. Chính vì vậy, bên cạnh các chính sách ưu đãi, hỗ trợ mang tính đặc thù, vượt trội, cần đi kèm với các cam kết, nghĩa vụ, đặc biệt về bảo vệ môi trường.

Theo đó, cần nghiên cứu bổ sung các quy định cụ thể về xử lý, thu hồi các sản phẩm bị đào thải trong CNCNS, buộc các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghệ số phải chấp hành nghiêm những quy định về môi trường; sử dụng năng lượng xanh, sạch, bảo đảm an toàn, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, tài nguyên thiên nhiên, góp phần phát triển bền vững CNCNS.

Cũng cho ý kiến về nội dung này, đại biểu Trần Thị Vân (Bắc Ninh) nêu quan điểm doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay chiếm tỷ lệ lớn trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, sử dụng gần 1/2 tổng số lao động và đóng góp khoảng 40% GDP hằng năm. Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam được đánh giá cao về tiềm năng, thế mạnh trong lĩnh vực chế tạo, điện - điện tử và công nghệ thông tin.

Vì vậy, đại biểu Vân đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu bổ sung các chính sách đặc thù phát triển doanh nghiệp công nghệ số nhỏ và vừa. Theo đó, cần quy định cụ thể các chính sách ưu đãi: hỗ trợ về thông tin, cắt giảm thủ tục hành chính, hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn giá rẻ thông qua việc xem xét hỗ trợ bảo lãnh hoặc được bảo lãnh từ các ngân hàng.

van-1.jpg
Đại biểu Trần Thị Vân (Bắc Ninh)

Theo đại biểu Vân, bên cạnh các chính sách phát triển dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ quan chủ trì soạn thảo cũng cần nghiên cứu quy định cụ thể, rõ ràng hơn đối với những chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp công nghệ số trong nước, bảo đảm cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.

“Chính phủ cần tăng chi tiêu công để đặt hàng các doanh nghiệp số trong nước, tạo động lực thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số, sản phẩm, dịch vụ công nghệ số “make in Vietnam””, bà Vân nêu.

Công nghệ số mở ra kỷ nguyên mới

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết công nghệ số là sự phát triển tiếp theo của công nghệ thông tin nhưng có tính cách mạng. Công nghệ số sinh ra chuyển đổi số. Công nghệ số là lực lượng sản xuất mới, thực sự mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên số cho sự phát triển của nhân loại.

“Việt Nam muốn trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao thì chúng ta phải đi trong nhóm đầu về công nghệ số, về công nghiệp công nghệ số. Nếu Quốc hội thông qua luật này trong kỳ họp tới, Việt Nam sẽ là nhóm nước đầu tiên có một bộ luật riêng về công nghiệp công nghệ số”, ông Hùng nói.

Theo Bộ trưởng Hùng, CNCNS là một ngành kinh tế kỹ thuật rất năng động, rất lớn và rất quan trọng của đất nước, cần phải làm rõ khái niệm công nghệ số, nhất là công nghệ số khác gì so với công nghệ thông tin.

hung.jpg
Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng

Theo ông Hùng, để phân biệt công nghệ thông tin và công nghệ số, chủ yếu là phân biệt đối tượng xử lý của chúng, đó là thông tin và dữ liệu. Công nghệ thông tin xử lý thông tin, công nghệ số xử lý dữ liệu. Công nghệ thông tin là số hóa thông tin và xử lý thông tin, ví dụ như số hóa văn bản và sau đó xử lý trên máy tính.

Công nghệ số sinh ra dữ liệu và xử lý dữ liệu. Dữ liệu là phi cấu trúc, là thứ chưa có ngữ nghĩa, là tài nguyên thô, chưa xử lý. Dữ liệu thì vô hạn, lớn hơn rất nhiều so với thông tin. Dữ liệu là tài nguyên mới, là tư liệu sản xuất mới, là đầu vào mới của sản xuất, giống như đất đai trong thế giới thực.

“Công nghệ số không chỉ xử lý dữ liệu mà công nghệ số còn sinh ra dữ liệu, tạo ra chuyển đổi số, tạo ra một không gian sinh tồn mới là không gian số, tạo ra cách thức, mô hình vận hành mới, tạo ra cách mạng số, tạo ra cách mạng chuyển đổi số. Đây là điều quan trọng nhất và căn bản nhất. Vì thế, công nghệ số là động lực chính của phát triển, của chuyển đổi số, là lực lượng sản xuất cơ bản trong kỷ nguyên mới”, ông Hùng nhấn mạnh.

Bài liên quan
Chính phủ yêu cầu tháo bỏ rào cản, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2025, trong đó nhấn mạnh việc tháo bỏ rào cản, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, chi phí thấp.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đưa quan hệ Việt Nam - Ba Lan lên tầm chiến lược
8 giờ trước Sự kiện
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Ba Lan, sáng 17.1, tại thủ đô Warsaw, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thăm và phát biểu chính sách tại Đại học Tổng hợp Warsaw, nhấn mạnh về việc đưa quan hệ Việt Nam - Ba Lan lên tầm chiến lược, vì hòa bình và phát triển của hai khu vực Đông Nam Á và Trung Đông Âu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chính phủ cần đặt hàng với doanh nghiệp số trong nước, tạo động lực thúc đẩy 'make in Vietnam'