Tại Tọa đàm "Tăng trưởng xanh - Xu thế toàn cầu, sự lựa chọn tất yếu" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 28.11, các chuyên gia cho rằng tăng trưởng xanh là cuộc chơi toàn cầu, nếu không đáp ứng tiêu chí, tiêu chuẩn toàn cầu thì doanh nghiệp sẽ khó tồn tại.
Nhịp đập khoa học

Tăng trưởng xanh là cuộc chơi toàn cầu, doanh nghiệp phải có tầm nhìn dài hạn

Lam Thanh 17:52 28/11/2024

Tại Tọa đàm "Tăng trưởng xanh - Xu thế toàn cầu, sự lựa chọn tất yếu" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 28.11, các chuyên gia cho rằng tăng trưởng xanh là cuộc chơi toàn cầu, nếu không đáp ứng tiêu chí, tiêu chuẩn toàn cầu thì doanh nghiệp sẽ khó tồn tại.

Thời gian qua, Việt Nam thể hiện quyết tâm mạnh mẽ thúc đẩy "xanh hóa" nền kinh tế; khẳng định cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh cho giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050, đồng thời Chính phủ cũng ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030.

Các bộ ngành, địa phương cũng đã ban hành hoặc lồng ghép các nhiệm vụ, giải pháp về tăng trưởng xanh trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của mình. Điều đó cho thấy Việt Nam xác định tăng trưởng xanh là một định hướng rất quan trọng cho kinh tế- xã hội trong giai đoạn tiếp theo.

Đối với khối doanh nghiệp, kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh cũng đã đề ra hàng loạt giải pháp, nhiệm vụ cụ thể cho các bộ ngành cũng như các doanh nghiệp trong tiến trình tăng trưởng xanh.

dong-3.jpeg
Tiến trình tăng trưởng xanh còn gặp nhiều rào cản và thách thức

Tuy vậy, ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng trong thời gian vừa qua, tiến trình phát triển bền vững và tăng trưởng xanh còn gặp rất nhiều rào cản và thách thức. Thách thức đó đến từ môi trường chung cũng như từ các doanh nghiệp.

Theo ông Việt Anh, nhận thức của doanh nghiệp liên quan đến tăng trưởng xanh cũng cần phải củng cố trong thời gian tới. Các doanh nghiệp cũng phải tìm hiểu kỹ càng hơn về các chính sách mà Nhà nước đang dành ưu đãi về phát triển và tăng trưởng xanh.

“Chúng ta có thể nghe các thảo luận, trao đổi liên quan đến nội dung 'rửa xanh'. Rất nhiều doanh nghiệp hiện nay thực hiện quá trình chưa được chuẩn xác liên quan đến các chứng nhận, chứng chỉ về môi trường và về tăng trưởng xanh. Trong thời gian tới, các cơ quan quản lý nhà nước phải xác định hệ thống, cơ chế chính sách để có thưởng phạt phân minh, tức là ưu đãi cho những doanh nghiệp làm ăn đứng đắn và có chế tài áp dụng cho những doanh nghiệp làm ăn chưa đúng”, ông Việt Anh chia sẻ.

Theo đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, điều này đòi hỏi sự phối hợp của rất nhiều ngành và lĩnh vực để không bỏ sót những doanh nghiệp xứng đáng được hưởng ưu đãi cũng như không bỏ sót doanh nghiệp phải chịu chế tài khắt khe của hệ thống chính sách pháp luật của chúng ta cũng như công luận.

dong-2.jpg
Ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Ông Việt Anh cũng nêu một khó khăn nữa là tiến trình tăng trưởng bền vững và phát triển xanh đòi hỏi chi phí đầu tư tương đối lớn. Có nhiều doanh nghiệp còn ngần ngại đầu tư đổi mới dây chuyền công nghệ cũng như đầu tư đổi mới trong dài hạn, đảm bảo tiêu chuẩn về phát thải khí nhà kính hoặc các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường.

“Đây là một thực tế chúng ta cần phải thừa nhận. Nhà nước cần phải có cơ chế chính sách hết sức rõ ràng để hỗ trợ các doanh nghiệp này trong quá trình chuyển đổi. Tất nhiên, từ phía doanh nghiệp cũng phải xác định rõ về mặt dài hạn, chuyển đổi theo hướng xanh mang lại lợi ích lâu dài cho doanh nghiệp”, ông Việt Anh chia sẻ.

Theo ông Việt Anh, bảo vệ môi trường và tăng trưởng xanh là cuộc chơi toàn cầu, phải đáp ứng tiêu chí, tiêu chuẩn toàn cầu thì mới tồn tại được trong thế giới biến động liên tục ngày nay.

Ví dụ như vừa qua Liên minh châu Âu đã ban hành cơ chế kiểm soát carbon xuyên biên giới (CBAM). Cơ chế này tưởng chừng chưa ảnh hưởng ngay đến các khối doanh nghiệp, nhưng trên thực tế, chỉ trong một vài năm tới, các doanh nghiệp không tìm hiểu rõ quy trình, quy chế, quy định này, đảm bảo hàng hóa, sản phẩm của mình đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện này thì lập tức sẽ chịu ảnh hưởng hết sức nặng nề.

Do đó, ông Việt Anh cho rằng Chính phủ và các cơ quan ban ngành phải nhanh chóng, kịp thời ban hành đầy đủ cơ chế để hỗ trợ cho phát triển bền vững và tăng trưởng xanh; huy động đủ nguồn lực tài chính để các tiến trình phát triển bền vững và tăng trưởng xanh đủ nguồn lực để triển khai và hỗ trợ cho các doanh nghiệp; tăng cường nâng cao nhận thức cho cả khối doanh nghiệp và người dân, bởi hàng hóa sản xuất cuối cùng đến tay người tiêu dùng…

Đồng tình với nhận định trên, ông Quách Quang Đông, Phó vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho rằng cần tạo động lực cho doanh nghiệp đi đầu, tiên phong, giữ những vị trí đầu tàu, dẫn dắt, từ đó lan tỏa để thu hút các doanh nghiệp khác đi theo.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, Chính phủ, các bộ ngành cần bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách đáp ứng với bối cảnh, tình hình mới của thế giới, đồng thời bảo vệ những lợi ích chính đáng của doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển và hạn chế rủi ro.

dong-1.jpg
Ông Quách Quang Đông, Phó vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương)

Đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, ông Đông cho rằng để phát triển theo hướng xanh, bền vững thì việc thay đổi, chuyển đổi cũng như nâng cao, cải thiện dây chuyền công nghệ sản xuất là rất cần thiết. Tuy nhiên, việc này cũng đòi hỏi chi phí đầu tư lớn, do đó để hỗ trợ các doanh nghiệp, Chính phủ cần phát huy, hỗ trợ để khai thác tối đa nguồn lực trong nước và quốc tế, trong đó có những nguồn tài chính mới như tài chính xanh hoặc thị trường carbon để thêm nguồn lực hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển.

“Tầm nhìn và chiến lược của một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn còn hạn chế, vẫn mang tính thời vụ, ngắn hạn. Do đó để chuyển đổi theo hướng xanh, bền vững, vươn mình ra thế giới, đòi hỏi các doanh nghiệp phải có tầm nhìn chiến lược, dài hạn, bảo đảm lợi ích lâu dài, bảo đảm tính cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa và đáp ứng xu thế chung của toàn cầu”, ông Đông nói.

Bài liên quan
Dự báo khả quan về tăng trưởng GDP năm 2024
Tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2024 dự kiến đạt 6,4% và sẽ tăng lên mức 6,6% năm 2025, nhờ các yếu tố nội tại mạnh mẽ và nhiều cải thiện.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chốt lịch nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ và các ngày lễ năm 2025
32 phút trước Sự kiện
Công chức, viên chức được nghỉ Tết Nguyên đán 2025 từ ngày 25.1 - 2.2.2025 (26 tháng chạp năm Giáp Thìn đến mùng 5 tháng giêng năm Ất Tỵ).
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tăng trưởng xanh là cuộc chơi toàn cầu, doanh nghiệp phải có tầm nhìn dài hạn