Ở thời điểm hiện tại, vấn đề quan trọng nhất đối với nền kinh tế và các DN Việt Nam vẫn là: cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Chính phủ rất nỗ lực nhưng điều quan trọng là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Một Thế Giới | 11/02/2016, 09:20

Ở thời điểm hiện tại, vấn đề quan trọng nhất đối với nền kinh tế và các DN Việt Nam vẫn là: cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Những ngày đầu tiên của tháng 2.2016, cũng là những ngày đầu tiên của năm mới Âm lịch, chứng kiến những nỗ lực lớn từ phía chính phủ Việt Nam để thúc đẩy một loạt các lĩnh vực được xem là trọng yếu với nền kinh tế. Có vẻ như những ý kiến về sự cấp thiết phải có những thay đổi để đón đầu những cơ hội mà các hiệp định thương mại như TPP và các FTA đem lại đã thực sự nhận được sự quan tâm từ phía chính phủ, khi các gói hỗ trợ mà doanh nghiệp (DN) và nền kinh tế chờ đợi từ lâu đã có quyết định và chuẩn bị được triển khai, điển hình là gói hỗ trợ các DN đầu tư vào phát triển công nghiệp hỗ trợ. Nhưng, ở thời điểm hiện tại, vấn đề quan trọng nhất đối với nền kinh tế và các DN Việt Nam vẫn là: cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Thông báo về quyết định hỗ trợ từ phía Nhà nước dành cho các DN có ý định đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ, theo đó các DN đầu tư vào lĩnh vực này sẽ được vay đến 70% tổng vốn đầu tư, được xem là một tin tức đáng mừng. Trên thực tế, ngành công nghiệp hỗ trợ được xem là ngành mũi nhọn có thể đem lại giá trị gia tăng rất lớn, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang có tới khoảng 58.000 DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp sản xuất, trong đó có rất nhiều tập đoàn và doanh nghiệp FDI lớn với các dự án công nghệ cao lên tới hàng tỷ USD như Samsung, Intel. Nếu Việt Nam có thể đặt nền tảng và phát triển thành công lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ thì đó sẽ là một bước tiến dài cho nền kinh tế đất nước.

Tuy nhiên, nếu xem xét vấn đề một cách tổng quát, thì những gói hỗ trợ thiên về tài chính như quyết định hỗ trợ 70% vốn đầu tư cho các dự án công nghiệp hỗ trợ như trên vẫn không phải là yếu tố đóng vai trò chủ đạo và quan trọng nhất. Đúng là việc thiếu vốn đã ảnh hưởng đến việc phát triển công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam, do phần lớn các DN không có đủ tiềm lực tài chính để nhập các công nghệ và dây chuyền hiện đại đủ sức đáp ứng các tiêu chuẩn rất cao của các DN FDI, và quả thực là các DN cần đến sự hỗ trợ về nguồn vốn và tài chính từ phía chính phủ. Nhưng, chỉ hỗ trợ về vốn và tài chính không thôi thì chưa đủ. Mà điều cần thiết thậm chí còn lớn hơn nữa là môi trường kinh doanh đi kèm.

Theo các thống kê, thì trong yếu tố ngăn cản DN trong nước tiếp cận và đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ nói riêng và các lĩnh vực trong nền kinh tế nói chung, về cơ bản vẫn là do môi trường kinh doanh trong nước chưa được cải thiện. 
Theo con số mà chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đưa ra, thì hiện các DN Việt Nam đang phải đóng khoảng 40,6% lợi nhuận cho các loại thuế phí, cao hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực trung bình chỉ khoảng 17%. Điều này khiến cho các DN Việt Nam gặp hạn chế nghiêm trọng về nguồn vốn để tái đầu tư.

Vướng mắc này không thể đơn giản được giải quyết chỉ bằng một giải pháp là nhà nước hỗ trợ về vốn trong các dự án đầu tư, chẳng hạn như vào ngành công nghiệp hỗ trợ, được. Vì về thực chất, dù được hỗ trợ tới 70% thì đó vẫn là món nợ mà DN đi vay và phải gánh, một khi môi trường kinh doanh không được cải thiện và các DN vẫn phải đóng quá nhiều lợi nhuận cho các khoản thuế phí, thì họ sẽ chẳng dại gì mà đi vay để đầu tư dù chính phủ có ưu đãi cho vay 100% vốn đầu tư ban đầu đi nữa, nhất là lại vào một lĩnh vực vẫn được đánh giá là có mức rủi ro khá cao ở thời điểm hiện tại như ngành công nghiệp hỗ trợ.

Vì thế, nếu so sánh về lợi ích, thì rõ ràng việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh sẽ đem lại nhiều lợi ích hơn hẳn so với việc chỉ hỗ trợ các DN về vốn đầu tư trong các dự án. Chưa kể việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh sẽ đem lại lợi ích cho hàng loạt các lĩnh vực của nền kinh tế hơn là chỉ có duy nhất một ngành công nghiệp hỗ trợ mà chính phủ vừa ra quyết định. 
Một khi môi trường kinh doanh được cải thiện, các loại thuế phí và các thủ tục hành chính được giảm thiểu, thì tự khắc các DN sẽ bắt đầu có thể tích lũy vốn và lợi nhuận để tái đầu tư vào các dự án và các lĩnh vực mới mà không cần sự hỗ trợ về tài chính từ phía chính phủ. Khi đó, vai trò của chính phủ sẽ được tập trung vào vấn đề quy hoạch và điều tiết nền kinh tế, tạo liên kết theo trục dọc giữa các DN FDI với các DN trong nước để tận dụng tối đa các lợi ích mà những hiệp định thương mại như TPP hay các FTA đem lại, vốn là điều mà các DN không thể làm được nếu thiếu sự hỗ trợ về pháp lý và chính sách của chính phủ.
Vấn đề cấp bách nhất đối với kinh tế Việt Nam hiện nay, vì thế là phải tìm cách cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Theo thống kê của viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) thì trong xếp hạng môi trường kinh doanh của các nước trên thế giới, thì Việt Nam bị xếp hạng ở mức nửa cuối, trong đó có khá nhiều chỉ số nằm trong nhóm 25% cuối cùng của thế giới. So sánh với môi trường đầu tư kinh doanh của các nước trong khu vực, Việt Nam đang thua kém rất xa. 
Chẳng hạn như, chỉ số thành lập doanh nghiệp, hiện Việt Nam có số ngày thành lập và số ngày khởi sự doanh nghiệp lần lượt là 14 và 34 ngày, trong khi đó ở Singapore là 1 và 3 ngày, Thái Lan là 6 và 28 ngày, Malaysia là 6 và 6 ngày. Về chỉ số nộp thuế và bảo hiểm xã hội, ở Việt Nam là 872 giờ, trong khi ở Singapore chỉ là 82 giờ, Thái Lan là 264 giờ, Malaysia là 133 giờ. Một chỉ số khác là thông quan hàng hóa, Việt Nam là 21 ngày với cả xuất và nhập khẩu, trong khi ở Singapore là 6 và 4 ngày, Thái Lan là 14 và 13 ngày, Malaysia là 11 và 8 ngày.
Việc tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, về lâu dài sẽ là yếu tố quan trọng nhất để phát triển các DN trong nước, vốn là vấn đề quan trọng trong giai đoạn hội nhập và cạnh tranh khi TPP và các FTA đi vào hoạt động. Còn nếu không cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, và vẫn để tình trạng các DN mất tới hơn 40% lợi nhuận để đóng thuế phí và không còn đủ khả năng tài chính để tái đầu tư, thì dù có hỗ trợ tài chính bao nhiêu đi nữa trong các dự án cũng sẽ không có tác dụng. 
Dĩ nhiên, trong một số lĩnh vực đặc biệt trong đó DN cần thiết phải có sự hỗ trợ về nguồn vốn tài chính từ phía chính phủ như công nghiệp hỗ trợ, thì hoàn hảo nhất là nhà nước vừa cải thiện môi trường đầu tư nói chung, vừa có biện pháp hỗ trợ các DN về vốn trong các dự án phát triển công nghiệp hỗ trợ. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ các loại thuế phí chồng chất, đó chính là liều thuốc tốt nhất đối với các DN Việt Nam ở thời điểm hiện tại.
Nhàn Đàm 
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Người Việt có gien về KH-CN, là lợi thế để phát triển ngành bán dẫn
25 phút trước Nhịp đập khoa học
Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho hay Việt Nam có nhiều lợi thế về công nghiệp bán dẫn, trong đó đáng chú ý là người Việt có gien về khoa học công nghệ. Lợi thế này không kém gì lợi thế về địa chính trị.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chính phủ rất nỗ lực nhưng điều quan trọng là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh