Chính quyền Joe Biden hôm 26.12 đã không phủ quyết lệnh của Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC) cấm nhập khẩu một số mẫu Apple Watch vào Mỹ dựa trên đơn khiếu nại từ hãng công nghệ giám sát y tế Masimo.
Thế giới số

Chính quyền Biden không phủ quyết lệnh cấm nhập khẩu và bán Apple Watch Series 9 và Ultra 2

Sơn Vân 21:49 26/12/2023

Chính quyền Joe Biden hôm 26.12 đã không phủ quyết lệnh của Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC) cấm nhập khẩu một số mẫu Apple Watch vào Mỹ dựa trên đơn khiếu nại từ hãng công nghệ giám sát y tế Masimo.

Lệnh của ITC sẽ có hiệu lực vào ngày 26.12, cấm nhập khẩu và bán Watch Series 9 cùng Ultra 2 do sử dụng công nghệ vi phạm bằng sáng chế để đo nồng độ oxy trong máu của Masimo.

Apple đã tích hợp tính năng đo mức độ oxy trong máu vào đồng hồ thông minh của mình, bắt đầu từ mẫu Series 6 năm 2020.

Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ hôm 26.12 cho biết rằng Đại diện Thương mại Mỹ - Katherine Tai đã quyết định không hủy bỏ lệnh cấm sau khi được tham vấn kỹ lưỡng và động thái của ITC trở thành quyết định cuối cùng vào ngày 26.12.

Đại diện Apple và Masimo đã không trả lời ngay lập tức các câu hỏi tìm kiếm bình luận hôm 26.12.

Apple có thể kháng cáo lệnh cấm lên Tòa phúc thẩm Liên bang Mỹ. Công ty này đã tạm dừng bán Apple Series 9 và Ultra 2 tại Mỹ kể từ tuần trước. Lệnh cấm không ảnh hưởng đến Apple Watch SE. Các đồng hồ thông minh Apple từng được bán trước đây sẽ không bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm.

Masimo đã cáo buộc Apple thuê nhân viên của mình, đánh cắp công nghệ đo nồng độ oxy trong máu và tích hợp nó vào Apple Watch.

Một phiên tòa xét xử cáo buộc của Masimo tại tòa án liên bang ở California đã kết thúc mà không có kết quả vào tháng 5. Apple cũng kiện Masimo về tội vi phạm bằng sáng chế tại tòa án liên bang ở Delaware và gọi hành động pháp lý của Masimo là "mưu đồ dọn đường" cho mẫu đồng hồ thông minh của riêng mình.

Chính phủ Mỹ chưa từng bác bỏ một quyết định nào của ITC kể từ năm 2013. Đó là thời điểm chính quyền Barack Obama đã bác bỏ lệnh cấm nhập khẩu iPhone và iPad của Apple trong tranh chấp bằng sáng chế với Samsung.

Chính quyền Biden vào tháng 2 đã quyết định không phủ định một lệnh cấm nhập khẩu riêng biệt với Apple Watch dựa trên khiếu nại vi phạm bằng sáng chế từ hãng công nghệ y tế AliveCor. ITC đã tạm ngừng lệnh cấm này vì những lý do khác.

Hoạt động kinh doanh thiết bị đeo, đồ gia dụng và phụ kiện của Apple, bao gồm Apple Watch, AirPods và các sản phẩm khác, đã mang lại doanh thu 8,28 tỉ USD trong quý 3/2023, theo báo cáo của công ty.

chinh-quyen-biden-khong-phu-quyet-lenh-cam-nhap-khau-ban-apple-watch-series-9-va-ultra-2.jpg
Watch Ultra 2, mẫu đồng hồ thông minh cao cấp nhất của Apple hiện tại - Ảnh: Bloomberg

Apple hôm 19.12 tuyên bố sẽ ngừng bán Watch Series 9 và Ultra 2 tại Mỹ sau khi ITC ra phán quyết rằng việc hãng sử dụng cảm biến đo nồng độ oxy trong máu đã vi phạm bằng sáng chế thuộc sở hữu của Masimo. Apple không đồng ý với kết luận của ITC nhưng đã công bố kế hoạch rút Watch Series 9 và Watch Ultra 2 khỏi kệ hàng ở Mỹ.

Ngày cuối cùng để mua Apple Watch Series 9 và Watch Ultra 2 trực tuyến ở Mỹ là 21.12.

270 cửa hàng bán lẻ của Apple tại Mỹ sẽ ngừng bán hoàn toàn các mẫu đồng hồ thông minh này vào ngày 24.12. Bên thứ ba như Best Buy hoặc Amazon có thể tiếp tục bán Apple Watch Series 9 và Watch Ultra 2 cho đến khi hết nguồn cung.

Bên ngoài thị trường Mỹ, Apple vẫn được bán Watch Series 9 và Ultra 2.

Apple cho biết sẽ kháng cáo quyết định này và có thể mất hơn một năm để giải quyết.

Các luật sư của Milbank LLP, công ty luật về doanh nghiệp quốc tế, viết: “Trong lịch sử, các Tổng thống Mỹ chỉ sử dụng quyền phủ quyết 5 lần kể từ khi ITC thành lập (năm 1916). Lần thứ 6 phán quyết của ITC bị đảo ngược là vào năm 2013, khi Tổng thống Barack Obama phủ quyết quyết định cấm một số mẫu iPhone và iPad”.

Trang The Verge đưa tin quyền phủ quyết thường yêu cầu một công ty chứng minh rằng có lợi ích công cộng hoặc đó là vấn đề về chính sách y tế.

Apple cũng đang tìm kiếm giải pháp thông qua các bản cập nhật phần mềm, các nguồn tin quen thuộc với vấn đề này nói với Bloomberg.

Joe Kiani, Giám đốc điều hành Masimo, đã lên tiếng về cuộc xung đột giữa hãng công nghệ y tế mà ông lãnh đạo với Apple, dẫn đến việc quyết định ngừng bán vài mẫu Apple Watch.

Ông cho rằng quyết định của ITC cần được tôn trọng, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và duy trì niềm tin của công chúng vào hệ thống cấp bằng sáng chế của Mỹ cũng như khuyến khích trong ngành công nghiệp Mỹ.

Joe Kiani chia sẻ bí mật với Bloomberg TV rằng đã nói chuyện với Apple vào năm 2013 vì nhà sản xuất iPhone cân nhắc việc mua lại Masimo hoặc tuyển dụng ông.

“Họ đã bị bắt quả tang đang thò tay vào lọ bánh quy”, Joe Kiani nói. Ông cáo buộc Apple đã thuê hơn 20 kỹ sư từ Masimo.

“Đây không phải là một hành vi vi phạm ngẫu nhiên. Đó là hành vi cố ý chiếm đoạt tài sản trí tuệ của chúng tôi. Tôi rất vui vì giờ đây thế giới có thể thấy chúng tôi là những nhà phát minh và sáng tạo thực sự của những công nghệ này”, Giám đốc điều hành Masimo cho hay.

Joe Kiani nói thêm rằng Masimo sẵn sàng giải quyết với Apple, nhưng gã khổng lồ công nghệ đến nay vẫn chưa ngồi vào bàn đàm phán. “Họ chưa gọi điện. Một mối quan hệ cần sự hợp tác của cả hai bên", ông nói thêm.

Trong một tuyên bố với trang Insider, người phát ngôn Masimo cho biết: "Sau cuộc điều tra pháp lý kỹ lưỡng kéo dài nhiều năm, ITC phát hiện ra rằng Apple đã vi phạm một số cải tiến được cấp bằng sáng chế của Masimo để đo nồng độ oxy trong máu. Quyết định này loại trừ một số mẫu Apple Watch được sản xuất ở nước ngoài chứng tỏ rằng ngay cả công ty quyền lực nhất thế giới cũng phải tuân thủ luật pháp”.

Các kỹ sư tại Apple đang nỗ lực đưa ra một bản sửa đổi phần mềm thay vì phần cứng với hy vọng có thể đáp ứng yêu cầu của ITC mà không cần phải loại bỏ bất kỳ phần cứng nào khỏi Watch Series 9 và Ultra 2, Bloomberg đưa tin. Tuy nhiên, tranh chấp giữa Apple với Masimo chủ yếu liên quan đến phần cứng, bao gồm cách ánh sáng được chiếu vào da để đo nồng độ oxy trong máu.

Phát ngôn viên của Apple chia sẻ công ty đang nộp tài liệu trình bày thay đổi lên hải quan Mỹ, với hy vọng được phê duyệt. Trong khi đó, Masimo khẳng định chỉnh sửa phần mềm sẽ không đủ và "phải thay đổi phần cứng".

Evan Zimmerman, Giám đốc điều hành công ty sản xuất phần mềm soạn thảo bằng sáng chế Edge, cho rằng những tranh chấp kiểu này thường được giải quyết sớm, thay vì dẫn đến kết quả nghiêm trọng hơn.

"Các loại tranh chấp dẫn đến hạn chế nhập khẩu rất hiếm, thường chỉ dùng làm bàn đạp cho các cuộc đàm phán giải quyết", Evan Zimmerman nhận định.

Ông nói thêm Apple có thể gặp khó trong việc giải quyết tranh chấp bằng chỉnh sửa phần mềm, do bằng sáng chế của Masimo bao phủ rất nhiều khía cạnh.

Sau khi chỉnh sửa, việc phân phối lại thiết bị ra thị trường sẽ mất nhiều thời gian. Theo Bloomberg, giai đoạn thử nghiệm phần mềm của Apple thường kéo dài và hãng cần đảm bảo các thay đổi không ảnh hưởng đến những tính năng khác trên Apple Watch. Ngoài ra, Apple cần thêm nhiều kiểm nghiệm bởi đó là các thay đổi liên quan đến tính năng y tế.

Trong trường hợp Apple phải chỉnh sửa phần cứng, việc sản xuất và vận chuyển các mẫu đồng hồ này có thể mất ít nhất 3 tháng, chưa tính thời gian phê duyệt từ hải quan Mỹ.

Kể từ khi Apple Watch được giới thiệu vào năm 2015, sản phẩm này nhanh chóng nổi lên và chiếm khoảng 30% thị trường đồng hồ thông minh toàn cầu vào năm 2022, theo hãng thống kê Statista.

Ryan Reith, quản lý cấp cao bộ phận theo dõi thiết bị di động của hãng nghiên cứu thị trường IDC, cho biết doanh số Apple Watch trong kỳ nghỉ lễ ở Mỹ sẽ không bị ảnh hưởng nhiều.

"Nếu phán quyết có hiệu lực, tác động toàn phần của nó sẽ chỉ bắt đầu từ tháng 1 - 2.2024. Song, đây thường là những tháng Apple ghi nhận doanh số bán hàng thấp nhất trong năm", Ryan Reith nói thêm.

Theo Ryan Reith, vấn đề quan trọng mà Apple cần chú ý hơn là liệu hãng có thể sử dụng công nghệ cảm biến đo nồng độ oxy trong máu trên các thiết bị trong tương lai hay không, hay sẽ phải đạt được thỏa thuận dàn xếp hoặc đưa ra giải pháp mới.

Bài liên quan
Apple gặp khó nếu muốn vốn hóa thị trường có thêm gần 1.000 tỉ USD vào năm 2024
Apple sẽ gặp khó khăn hơn vào năm 2024 nếu muốn có thêm gần 1.000 tỉ USD vốn hóa thị trường như trong 2023.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
12 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chính quyền Biden không phủ quyết lệnh cấm nhập khẩu và bán Apple Watch Series 9 và Ultra 2