Trong thời gian chờ phiên tòa phúc thẩm đưa ra xét xử việc 8 hộ dân kiện UBND thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương) ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) một cách “trái pháp luật” để cấp cho một cá nhân khác, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, chính quyền Dĩ An lại tiếp tục chấp thuận cho chuyển nhượng thửa đất đang tranh chấp này sang một người khác khiến sự việc trở nên phức tạp hơn.
Tranh chấp chưa giải quyết xong đã cho chuyển nhượng?
Tháng 10.2015, những hộ dân này bất ngờ nhận được yêu cầu của UBND thị xã Dĩ An về việc mời đến nhận Quyết định thu hồi các Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) đã cấp cho họ trước đó với lý do các GCNQSDĐ này đã được cấp trái pháp luật.
Ngày 21.12.2015 những hộ dân này nhận được qua đường bưu điện các Quyết định hủy GCNQSDĐ của họ (lý do: “hủy theo Điều 87 Nghị Định 43/2014/NĐ-CP ngày 15.5.2014 đã có Quyết định thu hồi giấy chứng nhận nhưng người được cấp giấy chứng nhận không giao nộp bản chính GCNQSDĐ”) của UBND thị xã Dĩ An với ngày ban hành là ngày 1.12.2015.
Nhận thấy quyền lợi bị xâm phạm, tập thể người dân khởi kiện UBND thị xã Dĩ An ra TAND thị xã Dĩ An để đòi hỏi quyền lợi hợp pháp của mình. Thế nhưng, ngày 23.12.2015, chưa đầy 2 tháng, UBND thị xã Dĩ An đã hoàn tất việc cấp Giấy chứng nhận những thửa đất từng thuộc quyền sử dụng của họ cho ông Ngô Phạm Thiện - một người chẳng liên quan gì đến những người dân đang bị trực tiếp thu hồi quyền sử dụng đất (?!).
Ngày 25.9.2017, Tòa án nhân dân (TAND) thị xã Dĩ An đưa ra xét xử vụ án của 8 hộ dân khiếu kiện quyết định hành chính về việc thu hồi đất, hủy GCNQSDĐ của UBDN thị xã Dĩ An. Tại bản án số 01/2017/HC-ST, TAND thị xã Dĩ An bác đơn khởi kiện của các người dân khởi kiện; các hộ dân có quyền kháng cáotrong thời hạn 15 ngàykể từ ngày nhận được bản án. Vì TAND thị xã Dĩ An cho rằng: “UBND thị xã Dĩ An thu hồi GCNQSDĐ của các hộ dân là đúng với quy định của pháp luật”.
Ngay sau khi bản án tòa sơ thẩm được ban hành, các hộ dân lại đồng loạt gửi đơn kháng cáo lên cấp phúc thẩm để tiếp tục khiếu kiện quyết định hành chính về việc thu hồi, hủy GCNQSDĐ của UBND thị xã Dĩ An.
Ngày 15.11.2017, TAND tỉnh Bình Dương ra Thông báo số 04/2017/TLPT-HC, thông báo về việc thụ lý vụ án để đưa ra xét xử. Ngày 22.12.2017, TAND tỉnh Bình Dương ra Quyết định số 03/2017/QĐ-PT, quyết định đưa vụ án ra xét xử vào ngày 11.1.2018.
Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm của TAND tỉnh Bình Dương - Ảnh chụp văn bản
Sự việc sẽ không có gì đáng nói nếu trong thời gian chờ TAND tỉnh Bình Dương đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm, chính quyền thị xã Dĩ An không thực hiện các thủ tục chuyển nhượng thửa đất đang tranh chấp này sang một người khác. Hiện tại, chính quyền Dĩ An đã hoàn tất các thủ tục chuyển nhượng đất đang tranh chấp và đang trong quá trình xét xử, giải quyết này.
Cụ thể, ngày 21.10.2017, ông Ngô Phạm Thiện thực hiện việc chuyển nhượng thửa đất đang tranh chấp sang cho bà Hoàng Đình Uyên Thảo bằng hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ được công chứng tại Văn phòng công chứng Trần Thanh Vũ (địa chỉ: đường Trần Hưng Đạo, khu phố Tây A, phường Đông Hòa, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương). Ngày 01.11.2017, Phó giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai thị xã Dĩ An, ông Lê Minh Hiếu xác nhận cho việc chuyển nhượng trên hoàn thành.
Hợp đồng ông Ngô Phạm Thiện chuyển nhượng thửa đất cho bà Hoàng Đình Uyên Thảo tại Văn phòng công chứng Trần Thanh Vũ - Ảnh chụp văn bản
Phó giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai thị xã Dĩ An, ông Lê Minh Hiếu xác nhận cho việc chuyển nhượng trên hoàn thành - Ảnh chụp văn bản
Mặc dù, Luật đất đai 2013 quy định rất rõ về điều kiện được thực hiện việc chuyển nhượng QSDĐ, nhưng chính quyền thị xã Dĩ An vẫn để ông Thiện chuyển nhượng thửa đất đang giải quyết tranh chấp sang cho bà Hoàng Đình Uyên Thảo, cũng là người đại diện theo ủy quyền của chính ông Thiện.
Cụ thể tại Điều 188 Luật đất đai 2013 quy định: “Người sử dụng đất chỉ có quyền thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người khác khi đáp ứng tất cả các điều kiện sau đây: Có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Đất không có tranh chấp; Quyền sử dụng đất không bị kê biên để đảm bảo thi hành án; Trong thời hạn sử dụng đất”.
Mặt khác, tại Khoản 2 Điều 215 của Luật tố tụng hành chính quy định về Hậu quả của việc kháng cáo, kháng nghị như sau: Bản án, quyết định hoặc phần của bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị thì có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị. Tức thì, bản án, các quyết định của tòa án cấp sơ thẩm chỉ có hiệu lực kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo mà không bị kháng cáo, kháng nghị. Như vậy, bản án, các quyết định của TAND thị xã Dĩ An hoàn toàn chưa có hiệu lực để thi hành. Vì, ngay sau khi bản án sơ thẩm được ban hành thì các hộ dân liền kháng cáo lên cấp phúc thẩm là TAND tỉnh Bình Dương và đã được thụ lý để đưa ra xét xử.
Một điều thấy rất rõ là khi ông Thiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho bà Hoàng Đình Uyên Thảo đã không thỏa mãn điều kiện “Đất không có tranh chấp” và bản án, quyết định của TAND thị xã Dĩ An chưa có hiệu lực thi hành, nhưng chính quyền thị xã Dĩ An, Văn phòng Đăng ký đất đai thị xã Dĩ An vẫn chấp thuận. Như vậy, việc ông Thiện chuyển nhượng thửa đất đang tranh chấp này rõ ràng là một việc làm trái với quy định của pháp luật. Và để làm “trót lọt” các thủ tục chuyển nhượng nàyđã có sự “trợ giúp” từ chính các cơ quan hành chính Nhà nước tại thị xã Dĩ An.
Một sự thật nữa là, 08 hộ dân ngụ tại thị xã Dĩ An đã được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ và họ đã hoàn thành các nghĩa vụ liên quan đối với Nhà nước, thì các Giấy chứng nhận QSDĐ của 08 hộ dân này là hoàn toàn hợp pháp và được pháp luật Bảo hộ quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hợp pháp của người sử dụng đất (Luật đất đai 2013), nhưng UBND thị xã Dĩ An đã thực hiện thu hồi và hủy tất cả các Giấy chứng nhận QSDĐ của 08 hộ dân vì lý do “cấp trái pháp luật” mà không hề có bất kỳ một động thái nào chứng tỏ cho việc quyền lợi của các hộ dân được bảo hộ và bảo đảm. Trong khi tất cả các việc mua bán, tặng cho, chuyển nhượng đất đai đều phải chịu sự giám sát và hướng dẫn của các cơ quan chức năng Nhà nước. Vậy, bên thiếu hiểu biết về các quy định của pháp luật (người dân) làm sai hay bên hiểu rõ luật pháp (UBND thị xã Dĩ An) sai?
Chính quyền thị xã Dĩ An có hiểu luật?
Như lý do thu hồi Giấy chứng nhận QSDĐ của UBND thị xã Dĩ An đưa ra là vì “cấp trái pháp luật” thì sự trái pháp luật này chỉ được diễn ra tại cơ quan hành chính Nhà nước, cụ thể là UBND thị xã Dĩ An. Vì người dân không thể tự cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cho bản thân mình, mà tất cả các việc này đều phải thông qua các cơ quan hành chính Nhà nước có chuyên môn. Việc thu hồi – hủy Giấy chứng nhận QSDĐ đất hợp pháp của 08 hộ dân để cấp lại cho một cá nhân khác, nhưng không đảm bảo được quyền và lợi ích của người dân khiến họ phải gian nan trong khiếu kiện, lỗi này rõ ràng là thuộc về chính quyền thị xã Dĩ An, vì người dân chỉ biết là theo các hướng dẫn của cơ quan Nhà nước trong các thủ tục hành chính.
Mặc dù đã có những quy định pháp luật và căn cứ thực tế cho thấy việc ông Thiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất là không hợp pháp, hợp lý nhưng UBND thị xã Dĩ An, Văn phòng Đăng ký đất đai thị xã Dĩ An chẳng những không ngăn chặn mà vẫn bất chấp xác nhận, cho phép việc chuyển nhượng này.
Là một cơ quan hành chính Nhà nước và cũng là bên bị kiện, UBND thị xã Dĩ An phải hiểu rõ hơn ai hết việc ông Thiện tiếp tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất đang tranh chấp cho một người khác là vi phạm pháp luật, nhưng vì sao nó vẫn diễn ra một cách như hợp pháp dưới sự điều hành và quản lý của bên bị kiện là UBND thị xã Dĩ An?
Chỉ là những người nông dân, ít hiểu biết về pháp luật chỉ biết làm lụng mưu sinh qua ngày nhưng cũng có thể nêu ra những căn cứ pháp luật để lý giải cho việc vì sao họ kiện UBND thị xã Dĩ An và cho rằng UBND thị xã Dĩ An vi phạm pháp luật. Những thông tin này người dân nắm bắt được sau khi bị vướng phải “điều tồi tệ” này. Báo điện tử Một Thế Giới xin trích đăng lại như sau:
“Theo Khoản 1 Điều 26 Luật đất đai 2013, nguyên tắc đầu tiên thể hiện sự bảo đảm của Nhà nước đối với người sử dụng đất là: Bảo hộ quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hợp pháp của người sử dụng đất.
Quyền sở hữu đất của các hộ dân trên cũng đã được Nhà nước Việt Nam công nhận là hợp pháp bằng các Giấy chứng nhận QSDĐ đã cấp, vì nếu không hợp pháp thì sao UBDN thị xã Dĩ An lại cấp cho người dân? Về nguyên tắc, khi một giao dịch tuân thủ các quy định của pháp luật, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong giao dịch sẽ được bảo vệ bởi pháp luật Việt Nam mà không có bất kỳ cá nhân, tổ chức nào có thể xâm phạm được.
Ngoài ra, Theo quy định tại Khoản 5, Điều 87, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP: “Nhà nước không thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp trái pháp luật trong các trường hợp quy định tại Điểm d, Khoản 2 Điều 106 Luật đất đai nếu người được cấp Giấy chứng nhận đã thực hiện thủ tục chuyển đổi, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc chuyển mục đích sử dụng đất và đã được giải quyết theo quy định của pháp luật".
Việc UBND Thị Xã Dĩ An với tư cách là cơ quan hành chính nhà nước tại địa phương ra các quyết định thu hồi, hủy Giấy chứng nhận QSDĐ không những xâm phạm quyền sử dụng đất hợp pháp mà còn xâm phạm đến quyền sở hữu hợp pháp các tài sản gắn liền với đất của các hộ dân, vi phạm nguyên tắc bảo hộ của Nhà nước và pháp luật đất đai hiện hành.
Việc ông Thiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho bà Hoàng Đĩnh Uyên Thảo là trái với các điều kiện thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo luật định, khi đã không thỏa mãn điều kiện “Đất không có tranh chấp” theo quy định tại Điều 188 Luật đất đai 2013, vì vụ việc vẫn đang trong quá trình giải quyết theo thủ tục phúc thẩm, tranh chấp về quyền sử dụng đất hiện vẫn còn đang diễn ra. Trong khi đó, bà Thảo lại là người đại diện theo ủy quyền của ông Thiện trong vụ án này”.
Xét cho cùng, pháp luật là công cụ để Nhà nước quản lý mọi mặt của đời sống xã hội, thế nhưng dường như chỉ có những người dân “thấp cổ bé họng” là phải tuân thủ pháp luật còn chính quyền thị xã Dĩ An thì không?Vấn đề đặt ra là tại sao một cơ quan hành chính nhà nước được mặc định là phải biết luật, hiểu luật để vận dụng luật trong quản lý, điều hành nhưng lại giải quyết vụ việc như vậy?Liệu UBND thị xã Dĩ An hay Văn phòng Đăng ký đất đai thị xã Dĩ An có thực sự hiểu được các quy định của pháp luật trong công tác đang phụ trách?
Tóm lại, đa số những hộ dân làm đơn kêu cứu khẩn cấp lên các cơ quan truyền thông đang đối diện với một tình huống vô cùng tuyệt vọng: có nguy cơ bị mất trắng tài sản bởi những quyết định hành chính của chính quyền địa phương. Và cuối cùng là 8 hộ dân sẽ phải gánh chịu những thiệt thòi, có thể lâm vào cảnh “mất nhà mất cửa” nếu chính quyền thị xã Dĩ An phạm sai lầm.
Trong trường hợp GCNQSDĐ hợp pháp của những người đứng đơn kêu cứu bị “mất trắng” thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho những thiệt thòi mà những người này phải gánh chịu? Nếu những người dân này phải mặc nhiên gánh chịu hậu quả của một sai lầm nào đó mà không phải do họ gây ra thì luật pháp ở đâu? Chắn chắn rằng phải có một bên nào đó đã để xảy ra sai sót, nhưng cũng chắn chắn rằng bên sai đó không phải là những người dân vô tội đã tuân thủ pháp luật, thực hiện các hành vi mua bán, chuyển nhượng tài sản của mình dưới sự giám sát, công nhận của các cơ quan chức năng. Vậy, bên nào đã và đang làm trái với quy định của pháp luật, bên dân hay chính quyền thị xã Dĩ An (UBND)?
Ngọc Thạnh
8 hộ dân khởi kiện UBND thị xã Dĩ An gồm:
1. Trương Văn Khắng, thường trú tại 16/A14 Khu phố Bình Thuận 2, phường Thuận Giao, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương;
2. Trần Văn Hạnh, thường trú tại 10/3 khu phố Hòa Long, phường Lái Thiêu, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương;
3. Võ Thị Kim Hạnh, thường trú tại 10/3 khu phố Hòa Long, phường Lái Thiêu, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương;
4. Võ Thị Lợi, thường trú tại 11/4B khu phố Hòa Long, phường Lái Thiêu, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương;
5. Hồ Văn Xáng, thường trú tại 140/B3 khu phố Châu Thới, phường Bình An, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương;
6. Trịnh Thị Kim Hà, thường trú tại 9/2 khu phố Đông An, phường Tân Đông Hiệp, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương;
7. Trần Thị Kim Ngân, thường trú tại 140/B3 khu phố Châu Thới, phường Bình An, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương;
8. Nguyễn Thị Tuyết, thường trú tại 159B/19, tổ 19, khu phố Nội Hóa 2, phường Bình An, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
Xem thêm:
>>> Kỳ 1: 8 hộ dân đồng loạt kiện UBND thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương
>>> Kỳ 2: Sổ đỏ hợp pháp không được xem là hợp pháp: Lắt léo từ vụ án
>>> Người dân kháng cáo bản án của tòa