Ngày 2.12, chính quyền Trump đã mở rộng áp lực kinh tế lên Tân Cương, cấm nhập khẩu bông từ tổ chức bán quân sự quyền lực của Trung Quốc với lý do "sử dụng lao động bị cưỡng bức".
Theo Reuters, Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ cho biết lệnh này sẽ cấm nhập khẩu bông và các sản phẩm bông từ Tập đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương (XPCC), một trong những nhà sản xuất lớn nhất của Trung Quốc.
Điều này nằm trong số một số động thái mà chính quyền Trump sắp mãn nhiệm thực hiện nhằm củng cố lập trường của Mỹ với Trung Quốc, khiến Tổng thống đắc cử Joe Biden khó làm dịu căng thẳng Mỹ - Trung.
Được biết, XPCC sản xuất 30% bông của Trung Quốc vào năm 2015.
Hồi tháng 7, Bộ Tài chính Mỹ cấm tất cả các giao dịch tài chính với XPCC.
Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ cũng đã áp đặt lệnh cấm nhập khẩu với một số thực thể Trung Quốc hoạt động ở Tân Cương. Ban đầu, cơ quan này có ý định cấm tất cả các sản phẩm bông và cà chua từ Tân Cương, trong đó có XPCC, nhưng lệnh cấm đã được thu hẹp với các công ty cụ thể sau những phản đối từ Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, Bộ trưởng Nông nghiệp Sonny Perdue và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin.
Các nhà sản xuất hàng may mặc Mỹ chỉ trích một lệnh cấm rộng hơn.
Trung Quốc sản xuất khoảng 20% lượng bông của thế giới và phần lớn đến từ Tân Cương. Trung Quốc cũng là nhà nhập khẩu bông lớn nhất thế giới, bao gồm cả từ Mỹ.
Bộ trưởng Bộ An ninh Nội địa Mỹ - Kenneth Cuccinelli, người giám sát Cục Hải quan và Biên phòng, nói trong một cuộc họp báo rằng lệnh cấm nhập khẩu bông trên toàn khu vực Tân Cương vẫn đang được nghiên cứu.
Kenneth Cuccinelli nói: “Những món hàng bông rẻ tiền mà bạn có thể mua cho gia đình và bạn bè trong mùa tặng quà này - nếu đến từ Trung Quốc - có thể được tạo ra bởi lao động nô lệ trong một số hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng nhất hiện nay trong thế giới hiện đại”.
Bộ Tài chính Mỹ vào tháng 7 đã áp đặt các biện pháp trừng phạt tài chính cấm giao dịch bằng đô la với XPCC, nói rằng tập đoàn này trực tiếp tham gia vào “hoạt động giám sát, giam giữ, truyền dạy toàn diện” của đảng Cộng sản Trung Quốc với người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi và các dân tộc thiểu số khác ở Tân Cương.
Với Lệnh Giải phóng Khấu trừ, Cục Hải quan và Biên phòng có thể tạm giữ các lô hàng do nghi ngờ có hành vi cưỡng bức lao động theo luật lâu đời của Mỹ nhằm chống buôn người, lao động trẻ em và các hành vi vi phạm nhân quyền khác.
Chính quyền của Trump đã gây áp lực lên Trung Quốc về việc nước này đối xử với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, nơi Liên Hợp Quốc trích dẫn các báo cáo đáng tin cậy cho biết 1 triệu người Hồi giáo bị giam giữ trong các trại đã được đưa vào làm việc.
Trung Quốc phủ nhận việc ngược đãi người Duy Ngô Nhĩ và nói rằng các trại này là trung tâm đào tạo nghề cần thiết để chống lại chủ nghĩa cực đoan.
Đến tháng 7.2020, chính quyền Trump đã đưa ra lời cảnh báo công ty Mỹ kinh doanh ở Tân Cương hoặc các tổ chức sử dụng lao động Tân Cương có thể phải chịu “rủi ro về danh tiếng, kinh tế và pháp lý”.
Bộ Ngoại giao đã gửi lá thư tới các công ty hàng đầu Mỹ như Walmart, Apple và Amazon, cảnh báo họ về những rủi ro phải đối mặt khi duy trì chuỗi cung ứng liên kết với vi phạm nhân quyền ở vùng Tân Cương.
Trong thông báo dự thảo được Reuters nhìn thấy, Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ cho biết đã xác định các chỉ số lao động bị cưỡng bức liên quan đến chuỗi cung ứng bông, dệt và cà chua, “bao gồm nợ nần, di chuyển không tự do, cô lập, đe dọa, giữ lại tiền lương, điều kiện sống và làm việc tồi tệ”.