Quy định mới vừa được Bộ Công Thương đưa ra sẽ bãi bỏ quy định về đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo tại Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), bãi bỏ quy định về giá sàn gạo xuất khẩu, giảm lượng gạo dự trữ lưu thông xuống còn 5%...

Chính thức xóa bỏ nhiều đặc quyền của Hiệp hội Lương thực Việt Nam

25/10/2018, 15:27

Quy định mới vừa được Bộ Công Thương đưa ra sẽ bãi bỏ quy định về đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo tại Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), bãi bỏ quy định về giá sàn gạo xuất khẩu, giảm lượng gạo dự trữ lưu thông xuống còn 5%...

Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 30/2018/TT-BCT quy định chi tiết điều kiện xuất khẩu gạo với doanh nghiệp - Ảnh: Tuyết Nhung

Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư quy định một số điều của Nghị định số 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo. Theo đó, quy định này đã điều chỉnh quy định điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo theo hướng loại bỏ rào cản về quy mô, rào cản địa bàn đầu tư xây dựng kho chứa, cơ sở xay xát, chế biến thóc gạo để đáp ứng điều kiện kinh doanh.

Thông tư cũng bổ sung quy định cơ chế xuất khẩu tự do không cần đáp ứng điều kiện kinh doanh, không cần cấp giấy chứng nhận nhằm khuyến khích thương nhân đầu tư sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng gạo có chất lượng, giá trị cao; không buộc thương nhân phải sở hữu mà có thể đi thuê kho chứa, cơ sở xay xát, chế biến thóc gạo để đáp ứng điều kiện kinh doanh nhằm giảm thiểu chi phí gia nhập thị trường, tạo điều kiện khai thác, sử dụng hiệu quả các cơ sở xay xát, chế biến, kho chứa đã có, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư của thương nhân và đầu tư xã hội, giải phóng năng lực kinh doanh thương mại.

Đặc biệt, tại thông tư này, Bộ Công Thương đã quyết định cắt bỏ hàng loạt đặc quyền của Hiệp hội Lương thực Việt Nam trong việc điều phối xuất khẩu gạo, cụ thể là bãi bỏ các quy định tạo rào cản không phù hợp với tình hình thực tiễn, gây bất lợi cho thương nhân trong hoạt động kinh doanh, như bãi bỏ quy định đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo tại Hiệp hội Lương thực Việt Nam, bãi bỏ quy định về giá sàn gạo xuất khẩu, giảm lượng gạo dự trữ lưu thông xuống còn 5%, bỏ quy định thương nhân phải có lượng gạo tồn kho tối thiểu tương đương 50% lượng gạo trong hợp đồng đăng ký xuất khẩu, giúp giảm đáng kể áp lực tồn đọng vốn và chi phí vốn, giảm giá thành, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm và sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Ngoài ra, thông tư mới quán triệt tinh thần đẩy mạnh cải cách hành chính, theo đó điều chỉnh các quy định về thủ tục hành chính liên quan đến việc cấp, cấp lại, điều chỉnh nội dung giấy chứng nhận theo hướng đơn giản hóa hồ sơ, giấy tờ, quy định rõ các loại thủ tục, cách thức thực hiện thủ tục, rút ngắn thời gian thực hiện để tạo thuận lợi cho thương nhân khi thực hiện các thủ tục này.

"Đây là bước tiến mới về thể chế, hoàn thiện khung khổ pháp lý cho hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo và công tác điều hành xuất khẩu theo hướng mở, xây dựng thể chế kiến tạo, minh bạch, tạo thuận lợi sẽ có tác dụng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, rào cản cho thương nhân khi gia nhập thị trường xuất khẩu gạo, góp phần phát triển ổn định, bền vững của ngành sản xuất, xuất khẩu gạo, nâng cao tính cạnh tranh của thương nhân và của sản phẩm gạo Việt Nam trên thị trường trong nước và thế giới", Bộ Công Thương cho hay.

Trước đó tại Nghị định 109, việc đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo giao cho VFA thực hiện. Tuy nhiên thời gian qua, xung quanh việc tổ chức đăng ký hợp đồng của Hiệp hội có nhiều ý kiến phản đối, cho rằng tiềm ẩn nguy cơ đối với việc bảo mật thông tin giá cả, khách hàng của doanh nghiệp khi đăng ký hợp đồng; coi đây là một thủ tục cản trở xuất khẩu cần bãi bỏ để tạo thuận lợi, thông thoáng cho doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng VFA chỉ là hiệp hội của doanh nghiệp xuất khẩu và chỉ đại diện cho quyền lợi của doanh nghiệp lớn bởi một trong những rào cản lớn nhất đối với việc gia nhập VFA hiện nay là phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định của Chính phủ.

Thời gian tới, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, các đơn vị liên quan triển khai các giải pháp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 3.7.2017 về Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030 theo hướng phát triển bền vững, sản xuất gắn với nhu cầu thị trường, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu gạo, giảm sự lệ thuộc vào một số thị trường nhất định, khai thác cơ hội, tiềm năng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do, các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Tuyết Nhung

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chủ tịch nước Lương Cường dâng hương tại Hoàng thành Thăng Long
một giờ trước Sự kiện
Sáng 19.1, Chủ tịch nước Lương Cường và phu nhân cùng đại diện lãnh đạo các bộ ban ngành trung ương, thành phố Hà Nội, và gần 100 đại biểu kiều bào thực hiện nghi lễ dâng hương tại điện Kính Thiên ở Hoàng thành Thăng Long để thành kính tưởng nhớ đến các thế hệ cha ông đã chiến đấu, hy sinh gìn giữ, bảo vệ non sông nước Việt.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chính thức xóa bỏ nhiều đặc quyền của Hiệp hội Lương thực Việt Nam