Rong biển là thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, cung cấp nhiều khoáng chất và bổ sung i-ốt, giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể.

Chống ung thư, kháng vi rút, chống đông máu và các tác dụng kỳ diệu khác của rong biển

Đan Thuỳ | 24/11/2021, 11:34

Rong biển là thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, cung cấp nhiều khoáng chất và bổ sung i-ốt, giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể.

Vicky Lau, đầu bếp kiêm chủ sở hữu của nhà hàng Tate Dining Room đạt hai sao Michelin tại khu dân cư Sheung Wan (Hồng Kông), rất thích chế biến những món ăn từ các loại rong biển (còn được gọi là tảo bẹ). Một trong số những món cô thích nhất là tảo bẹ Kombu.

Được tiêu thụ rộng rãi tại Đông Á, rong biển đã tạo nên hương vị thơm ngon độc đáo cho món súp Nhật Bản (dashi) và gia đình, nhờ vào nồng độ cao của axit glutamic, một loại axit amin phổ biến có trong rau và protein động vật.

“Chúng tôi luôn có tảo bẹ Kombu chất lượng tốt trong nhà hàng của mình. Chúng đem lại vị thơm ngon cho món hải sản của chúng tôi. Chúng tôi cũng thích sử dụng bơ rong biển được làm bằng cách ngâm tảo bẹ Kombu rồi nấu nó trong nồi áp suất với rượu Sake và nước tương, sau đó trộn với bơ để cho ra một hỗn hợp sền sệt. Chúng tôi phục vụ bơ rong biển cùng bánh mì chua cũng như chế biến với các món ăn như mì mực kèm nước sốt rong biển hay Rissoto (món cơm Ý - PV) nấu với trai”, Vicky Lau chia sẻ.

anh-chup-man-hinh-2021-11-24-luc-10.15.49.png
Đầu bếp Vicky Lau - Ảnh: SCMP  

Đầu năm tới, Vicky Lau sẽ còn gây chú ý khi ra mắt thực đơn 6 món mang tên Ode to Seaweed tại nhà hàng của mình gồm các loại thực vật biển như carrageenan đỏ (được chiết từ các loài rong sụn hay rong đỏ), rong biển, rau câu.

Ngoài hương vị ngọt và thanh, rong biển có ở nhiều dạng - gồm tảo bẹ, tảo biển và rau diếp biển - chứa rất nhiều dinh dưỡng. Theo Karen Chong, chuyên gia dinh dưỡng tại Bệnh viện Quốc tế Matilda (Hồng Kông), rong biển là nguồn cung cấp i-ốt tuyệt vời cùng các khoáng chất khác như canxi, sắt, magie, kali, vitamin A, B12 và axit folic. Rong biển cũng giàu chất xơ, ít calo và không có chất béo.

I-ốt rất cần thiết cho sức khỏe tuyến giáp. Đây là tuyến có hình dạng con bướm ở phía trước cổ, sử dụng i-ốt từ thức ăn để sản xuất hormone tuyến giáp, giúp điều chỉnh sự tăng trưởng và tiêu hao năng lượng.

Nếu không có i-ốt, tuyến giáp có thể không sản xuất đủ hormone và trở nên hoạt động suy yếu. Điều này có thể dẫn đến một tình trạng gọi là suy giáp gây ra các triệu chứng như mệt mỏi, táo bón, tăng cân không rõ nguyên nhân, khó chịu và nhịp tim chậm.

Karen Chong cũng cho biết hấp thụ quá nhiều i-ốt cũng không có lợi cho sức khỏe. Điều này có thể dẫn đến bệnh cường giáp, gây ra các triệu chứng như nhịp tim nhanh hoặc không đều, giảm cân không rõ nguyên nhân, thay đổi tâm trạng, rụng tóc, tiêu chảy và mất ngủ.

anh-chup-man-hinh-2021-11-24-luc-10.16.01.png
Karen Chong là chuyên gia dinh dưỡng tại Bệnh viện Quốc tế Matilda - Ảnh: SCMP

I-ốt không chỉ được tìm thấy trong rong biển, mà cũng có trong cá, tôm, các sản phẩm từ sữa và muối i-ốt. Đây là điều quan trọng cần nhớ nếu bạn đang theo dõi lượng i-ốt của mình.

“Dù thêm rong biển vào chế độ ăn uống hằng ngày là ý kiến hay, nhưng ăn quá nhiều cũng không phải là một điều tốt. Lượng i-ốt được khuyến nghị hàng ngày là 150 microgram (mcg) với người lớn và 90 – 150mcg với trẻ em. Con số này tương đương với 5 -10 g rong biển”, Karen Chong chia sẻ.

Nori, Kombu và Wakame là một số dạng rong biển ăn được phổ biến nhất. Nori (rong biển khô) được ép thành các miếng khô và ăn như một món ăn nhẹ hoặc được sử dụng để làm sushi và cuộn kimbap. Tảo bẹ Kombu được làm khô, dùng làm súp dashi và thức uống lên men kombucha. Rong biển Wakame thường được thêm vào món súp hoặc thưởng thức như một món salad.

Hijiki là một loại rong biển khác thường được sử dụng trong ẩm thực Nhật Bản, song Karen Chong cảnh báo chúng có thể chứa hàm lượng thạch tín cao.

Theo đánh giá của 100 nghiên cứu công bố vào năm 2011 trên tạp chí Hóa học Nông nghiệp và Thực phẩm Mỹ, rong biển đã được chứng minh là có tác dụng hỗ trợ sức khỏe tim mạch. Điều này một phần nhờ vào chất xơ hòa tan cao và hàm lượng axit béo omega-3.

Các nghiên cứu được công bố vào năm 2008 trên tạp chí Nutrition Research and Practice và trên tạp chí Oleo Science vào năm  2015 cho thấy, rong biển cũng có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu chứ không  chỉ đơn giản là cung cấp chất xơ. Đặc biệt, Fucoxanthin, một hợp chất chống oxy hóa được tìm thấy trong rong biển nâu được cho là có thể giúp giảm tình trạng kháng insulin.

Một nghiên cứu khác được công bố vào năm 2020 trên tạp chí Marine Drugs tiết lộ rong biển còn có tác dụng chống ung thư, kháng vi rút, chống đông máu, chống hàm lượng cholesterol cao và chống oxy hóa. Các nhà nghiên cứu cho rằng tiêu thụ thường xuyên rong biển có thể giúp cải thiện chất lượng cuộc sống và góp phần tạo ra một chế độ ăn uống cân bằng hơn.

anh-chup-man-hinh-2021-11-24-luc-10.16.09.png
Rong biển Wakame - Ảnh: SCMP
anh-chup-man-hinh-2021-11-24-luc-10.16.15.png
Rong biển khô Nori - Ảnh: SCMP

Một nghiên cứu được công bố trong năm nay trên tạp chí Marine Drugs đã phát hiện ra rằng rong biển đỏ còn có khả năng prebiotic mạnh mẽ. Prebiotic giống như thức ăn cho những vi khuẩn có lợi (hoặc men vi sinh) có trong đường ruột, giúp chúng phát triển và ngăn chặn những vi khuẩn xấu. Điều này có nghĩa là chúng giúp cho hệ tiêu hóa của con người khỏe mạnh hơn, từ đó làm giảm tỷ lệ mắc các vấn đề về đường tiêu hóa như táo bón, tiêu chảy.

Sản xuất rong biển là một ngành công nghiệp phát triển mạnh. Năm 2019, ngành công nghiệp này trị giá khoảng 12 tỉ USD trên toàn cầu và đến năm 2025, dự kiến con số này sẽ đạt 26 tỉ USD. Rong biển không chỉ là thực phẩm mà còn được sử dụng trong y học, mỹ phẩm, phân bón sinh học và nhiên liệu sinh học.

Trồng rong biển đã phổ biến từ lâu tại Nhật Bản, Trung Quốc, Indonesia và Philippines. Gần đây Ấn Độ cũng quan tâm nhiều hơn đến việc trồng rong biển khi đặt mục tiêu thúc đẩy sản lượng rong biển từ 30.000 tấn ở thời điểm hiện tại lên hơn một triệu tấn mỗi năm vào 2025. Úc cũng có kế hoạch phát triển ngành công nghiệp sản xuất rong biển trị giá 100 triệu USD vào năm 2025.

Các nhà khoa học gọi rong biển là “cây trồng kỳ diệu” khi không cần đến đất, nước ngọt, thuốc trừ sâu hay phân bón. Rong biển hấp thụ carbon dioxide trong đại dương, khoảng 173 triệu tấn mỗi năm - lượng khí thải hàng năm tương đương tiểu bang New York, theo một bài báo năm 2016 trên Nature Geosciences.

Ngoài ra, rong biển cũng cung cấp oxy và nuôi dưỡng hệ sinh thái biển khi nó phát triển mạnh.

“Rong biển là một trong những nguyên liệu tốt nhất để chế biến món ăn vì nó bổ dưỡng, có tính bền vững và có sẵn rộng rãi trên toàn thế giới. Tôi rất vui mừng khi nhiều người ngày càng quan tâm nhiều đến nó. Là một đầu bếp, tôi đánh giá cao sự đa dạng của rong biển. Rong biển cũng có tác dụng làm món ăn trông ngon mắt hơn, đặc biệt là khi bạn muốn chế biến một bữa ăn thịnh soạn với nhiều món đa dạng”, Vicky Lau nói. 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Làm việc với Công an Phú Thọ, Thủ tướng nhấn mạnh cần chuyển đổi số từ cơ sở
12 giờ trước Nhịp đập khoa học
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Công an tỉnh Phú Thọ cần quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn nữa trong triển khai Đề án 06, theo hướng tổng thể, toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chống ung thư, kháng vi rút, chống đông máu và các tác dụng kỳ diệu khác của rong biển