Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu các ngành, các cấp thành phố chủ động mọi phương án, có các kịch bản ứng phó với dịch COVID-19 để không rơi vào sự bị động, gục ngã như nước Ý.

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong: Nếu chủ quan TP.HCM sẽ gục ngã như nước Ý

Phan Thị Diệu | 19/03/2020, 20:18

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu các ngành, các cấp thành phố chủ động mọi phương án, có các kịch bản ứng phó với dịch COVID-19 để không rơi vào sự bị động, gục ngã như nước Ý.

Chiều 19.3, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 TP.HCM tổ chức họp giao ban trực tuyến về tình hình dịch bệnh diễn ra trên địa bàn.

Theo Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh, hai tuần sắp tới là thời gian tuần có ý nghĩa quyết định đối với Việt Nam. “Chính phủ và các địa phương đã phát đi thông điệp người dân nếu không có việc gì tối cần thiết thì không nên ra ngoài. Chúng ta đã kịp thời nhưng phải quyết liệt hơn, chạy nhanh trước khi dịch lan rộng ra cộng đồng”, ông Bỉnh nói.

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, hiện tại các khu cách ly tập trung của thành phố tại các cơ sở quân đội, khách sạn, khu ký túc xá đại học có tổng quy mô đạt được 23.698 giường; còn ở 24 quận, huyện là 798 giường. Thành phố đã triển khai 1.000 giường cách ly tại Khu ký túc xá Đại học quốc gia, mỗi ngày tiếp tục triển khai 2.000 giường. TP.HCM đảm bảo cuối tuần triển khai 10.000 giường, đến ngày 27.3 đảm bảo triển khai xong 20.000 giường.

Thành phố tiếp tục mở rộng quy mô các khu cách ly để có đủ diện tích bố trí giường cách ly riêng biệt, hạn chế nguy cơ lây nhiễm chéo trong khu cách ly nếu có người nhiễm. Đồng thời, chuẩn bị khu vực để cách ly riêng những trường hợp nghi nhiễm bệnh, không để lây lan trong khu cách ly.

Đáng chú ý, TP.HCM còn tính đến phương án chuyển tất cả bệnh nhân mắc bệnh khác COVID-19 từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP đi nơi khác điều trị, dành toàn bộ bệnh viện này để chữa trị bệnh nhân nhiễm COVID-19. Đây là bệnh viện nằm trong nội ô, cũng là bệnh viện tuyến cuối. Tuy nhiên, phương án này là phương án sau cùng vì cách ly, điều trị trong nội ô là trường hợp bất khả kháng.

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh còn thông tin, hiện tại có 3 công ty thi công phòng cách ly áp lực âm cho TP.HCM dưới sự tài trợ của các đơn vị và của nhà nước. Nhiều nhà tài trợ cũng đồng thuận nên thành phố có thể làm thêm 100 phòng.

“TP.HCM đã lập trung tâm vận hành nguồn nhân lực để cung cấp nhân sự cho các khu tập trung mới, sẵn sàng nhân lực ứng phó cho 2 bệnh viện dã chiến. Đội cơ động đã đi Củ Chi, xuống Cần Giờ. Lực lượng sẽ luân phiên nhau đi, đảm bảo hoàn thành khối lượng công việc”, ông Bỉnh nói.

Chỉ đạo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong dẫn chứng bài viết "Bệnh viện Ý gục ngã trước COVID-19" để đưa ra những kinh nghiệm và bài học trong phòng chống dịch.Theo ông Phong, câu chuyện ở Ý như một lời cảnh báo.

“Do không chủ động mọi phương án, không lường trước hậu quả tăng chóng mặt của dịch COVID-19 nên đã gục ngã. Nhiều khu vực tại Ý đang phải cầu cứu đội ngũ y, bác sĩ về hưu, các sinh viên y khoa để giúp họ chống dịch COVID-19. Tôi đưa ra thông tin này để khuyến cáo rằng, chúng ta phải chủ động mọi phương án, có các kịch bản ứng phó để không rơi vào sự bị động, gục ngã như thế”, ông Phong nói và yêu cầu các ngành các cấp không được phép chủ quan mà phải chủ động ngay từ đầu.

Thông tin tại cuộc họp, ông Phong cũng cho biết, trong 10 ngày tới, dự kiến thành phố sẽ tiếp nhận khoảng 17.000 người Việt Nam trở về nước và có mong muốn được cách ly tại TP.HCM. Vì vậy, các lực lượng cần tính toán lại các khu cách ly tập trung; khả năng đáp ứng về giường bệnh, bác sĩ, y tá, điều dưỡng và đội ngũ phục vụ, trang thiết bị… để đảm bảo không bị lúng túng khi triển khai. Trước mắt, ông chỉ đạo phải phát huy hết công suất khu cách ly tại Đại học Quốc gia TP.HCM.

Về nhân lực, thành phố cần tính tới phương án huy động lực lượng Thanh niên xung phong cho công tác chuẩn bị và hậu cần; toàn bộ các y bác sĩ đã nghỉ hưu, bác sĩ thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu, bác sĩ ngành công an, các sinh viên trường Y… để có phương án cụ thể đáp ứng yêu cầu đề ra.

Trong khi đó, ông Phong cũng chỉ đạo Sở Công Thương phối hợp với Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại thành phố (Saigon Co.op) có phương án chuẩn bị cung ứng đủ nguồn lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các khu cách ly và cho người dân trên địa bàn thành phố trong trường hợp dịch bùng phát trên diện rộng.

Phan Diệu
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Mục tiêu chống 'vàng hóa' đã thành công, nên bỏ độc quyền vàng miếng SJC
Các chuyên gia khẳng định mục tiêu chống "vàng hóa" đã thành công, họ đề xuất bỏ quy định nhà nước độc quyền vàng miếng SJC.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong: Nếu chủ quan TP.HCM sẽ gục ngã như nước Ý