Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm cụ thể hơn đến nhà khoa học, để các nhà khoa học có nhiều đóng góp cho sự phát triển của các địa phương và đất nước.

Chủ tịch nước đề nghị quan tâm hơn đến các nhà khoa học

Lam Thanh | 21/05/2022, 15:31

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm cụ thể hơn đến nhà khoa học, để các nhà khoa học có nhiều đóng góp cho sự phát triển của các địa phương và đất nước.

Sáng 21.5, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã dự và phát biểu chỉ đạo tại Lễ tôn vinh trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu năm 2022.

Chủ tịch nước cho biết: “Có một điều mà ai trong chúng ta đều nhớ và cần tiếp tục truyền lại mạnh mẽ cho thế hệ mai sau. Đó là, trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, cha ông ta luôn quý trọng hiền tài và đội ngũ trí thức, coi hiền tài là nguyên khí quốc gia”.

Theo đó, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu. Ngay từ khi mới giành lại được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu cũng đã nói: "Nước nhà cần phải kiến thiết, kiến thiết cần phải có nhân tài".

Theo Chủ tịch nước, trong bối cảnh toàn cầu hóa và xu thế phát triển khoa học và công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, quan điểm nhất quán của Đảng ta về phát triển đất nước là "phải bằng và dựa vào khoa học và công nghệ", "phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước".

“Rõ ràng, nhiệm vụ trao cho đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ nước nhà là hết sức to lớn và ngày càng nặng nề. Trong đó, phát hiện, tôn vinh các cá nhân tiêu biểu trong hoạt động sáng tạo khoa học và công nghệ cũng được xác định là một nhiệm vụ quan trọng”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

ctn.jpg
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Lễ tôn vinh trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu 

Theo Chủ tịch nước, việc tổ chức xét chọn, tôn vinh trí thức KH-CN tiêu biểu của Liên hiệp Các hội khoa học và công nghệ Việt Nam là một sự kiện có ý nghĩa rất lớn đối với đội ngũ trí thức KH-CN của cả nước. Danh hiệu trí thức KH-CN tiêu biểu không chỉ mang đến niềm tự hào đối với chính bản thân người được tôn vinh và gia đình mà còn trở thành niềm vinh dự và trách nhiệm lớn lao đối với Liên hiệp hội và các hội thành viên.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Chủ tịch nước cũng cho biết năng lực và trình độ công nghệ của nền kinh tế còn thấp; công nghiệp vẫn chủ yếu là gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng không cao; công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm, tỷ lệ nội địa hóa thấp, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu hiệu quả còn hạn chế; mô hình tăng trưởng chưa dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, tính tự chủ của nền kinh tế còn thấp, vẫn còn phụ thuộc vào bên ngoài.

Chủ tịch nước cho rằng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hiện nay đã mở ra cơ hội để nước ta rút ngắn khoảng cách, tăng tốc phát triển. Vị thế và yêu cầu của đất nước đang đòi hỏi đội ngũ trí thức KH-CN nước nhà hãy miệt mài hơn nữa, sáng tạo hơn nữa, tạo ra nhiều giá trị hơn nữa cho cuộc sống từ các công trình nghiên cứu, phát minh, sáng chế của mình.

Với vai trò là tổ chức đại diện cho trí thức KH-CN, Chủ tịch nước yêu cầu Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam và các tổ chức thành viên cần làm tốt hơn nữa vai trò tham vấn chính sách KH-CN, đổi mới sáng tạo; cơ chế chính sách về tài chính, điều kiện làm việc, đãi ngộ… cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ; kết nối tốt hơn các nhà khoa học, xây dựng khối đại đoàn để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.      

Nhân nhịp này, Chủ tịch nước đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp, các bộ ngành quan tâm cụ thể hơn đến nhà khoa học và Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật để các nhà khoa học có nhiều đóng góp cho sự phát triển của các địa phương và của đất nước.

"Nhiệt huyết thiếu đi tri thức là lửa thiếu đi ánh sáng". Giấc mơ Việt Nam thịnh vượng chỉ có thể được soi đường bằng ánh sáng của tri thức. Tôi mong rằng thành công của các nhà khoa học được vinh danh hôm nay sẽ tiếp tục truyền cảm hứng, tạo ra động lực lan tỏa thúc đẩy đội ngũ trí thức KH-CN Việt Nam ngày càng lớn mạnh, đóng góp ngày càng nhiều hơn cho sự phát triển của nước nhà”, Chủ tịch nước nêu.

Trước đó, tại cuộc gặp gỡ báo chí, ban tổ chức cho biết trong 106 trí thức tiêu biểu được vinh danh đợt này có 50 trí thức do các liên hiệp hội địa phương để cử, 40 trí thức do các hội ngành toàn quốc đề cử, 16 trí thức do hội đồng xét chọn đề cử; 68 người có học hàm, học vị từ phó giáo sư, tiến sĩ trở lên, 20 người có học vị thạc sĩ, 18 người có học vị cử nhân và tương đương; 2 Anh hùng Lao động; 16 nữ, 90 nam.

Trong 106 trí thức tiêu biểu đợt này có 2 trí thức cao tuổi nhất là GS-TS-BS Hoàng Bảo Châu sinh năm 1929 (93 tuổi), nguyên Phó chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam; GS-TS Lê Xuân Tùng, sinh năm 1936 (86 tuổi), nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội; có 1 trí thức nam trẻ tuổi nhất là ThS Trần Văn Vũ, sinh năm 1979 (43 tuổi) - Phó chủ tịch kiêm Trưởng ban Kiểm tra Liên hiệp Các hội KH-KT tỉnh Trà Vinh, và 1 trí thức nữ trẻ tuổi nhất là GS-TS Nguyễn Khánh Diệu Hồng, sinh năm 1981 (41 tuổi) - Viện trưởng Viện Nghiên cứu đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, đơn vị trực thuộc Liên hiệp hội Việt Nam.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kênh đào Phù Nam - Techo sẽ làm tăng tình trạng hạn mặn ở ĐBSCL
3 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 23.4, tại TP.Cần Thơ, Ủy hội Sông Mê Kông quốc tế (MRCS) tổ chức hội nghị tham vấn về đề xuất dự án kênh đào Phù Nam - Techo (Campuchia) nhằm thông tin về dự án cũng như các phản hồi, hành động của Ủy hội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chủ tịch nước đề nghị quan tâm hơn đến các nhà khoa học