Theo ông Trương Gia Bình – Chủ tịch Tập đoàn FPT, tiềm năng của đất nước Việt Nam trong nền công nghiệp 4.0 là rất lớn với lượng dân số trẻ chiếm tỷ lệ cao, có tính hiếu học và đã hình thành một thế hệ Internet. Thế nhưng cần phải lưu ý rằng khởi nghiệp sáng tạo cần gắn liền với tính chấp nhận mạo hiểm.
Ngày20.6, tại buổi giao lưu trực tuyến trên trang VnExpress, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Tập đoàn FPT và ông Phạm Văn Tam - CEO Công ty Asanzo Việt Nam đã chia sẻ về cơ hội cũng như thách thức mà các startup và thế hệ trẻ Việt Nam đã và sẽ gặp phải trong cách mạng công nghiệp 4.0.
“Bình dân hóa” 4.0
Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra và tác động mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực nhưng không phải ai cũng hiểu rõ về bản chất của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Giải thích cho điều này, ông Trương Gia Bình cho biết bản chất của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 chính là thay cái cũ bằng cái mới một cách toàn diện và 4.0 là thế giới mà trong đó thực và ảo sẽ hòa làm một, một thế giới kết nối, thế giới trí tuệ của máy và sẽ thay đổi hoàn toàn hành vi của nhân loại trong thế giới đó.
Trên cương vị CEO của công ty Asanzo Việt Nam, ông Phạm Văn Tam cho biết Asanzo Việt Nam cũng từng bước ứng dụng công nghệ để thay đổi thói quen tiêu dùng của khách hàng. Thay vì dùng phiếu bảo hành, Asanzo Việt Nam từ ngày đầu thành lập đã sử dụng các phần mềm thay thế, mọi thông tin của khách hàng sẽ được thu thập lại, dễ dàng kiểm tra, đối chiếu và tiết kiệm chi phí không chỉ cho doanh nghiệp mà cho cả người dân.
Ông Phạm Văn Tam -CEO của công ty Asanzo Việt Nam
Được biết, đi liền với cuộc cách mạng công nghệ 4.0 phải kể đến Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại ảo (AR), mạng xã hội, điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn (SMAC)... để chuyển hóa toàn bộ thế giới thực thành thế giới số.
Tuy cuộc cách mạng này tác động mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực; với sự xuất hiện của robot có trí tuệ nhân tạo mang lại nhiều ứng dụng trong xã hội… nhưng CEO Asanzo lại có quan điểm nên “bình dân hóa” thành tựu của cách mạng 4.0: “Quan trọng là làm thế nào để bình dân hóa 4.0 trong suy nghĩ của cộng đồng, để họ thấy không còn cản trở và không còn sợ sự thay đổi”.
Theo ông Trương Gia Bình, tại Việt Nam trong vòng 10 năm tới, công nghiệp 4.0 sẽ còn phát triển rất nhanh vì đây là cuộc cách mạng đã có nền tảng từ trước; trong vòng 10 - 15 năm nữa, rất có thể các ô tô đều có thể tự vận hành, sẽ có những thành phố không có đèn tín hiệu, quần áo sẽ được gắn chip khổng lồ… tạo ra sự biến đổi khủng khiếp, ảnh hưởng đến toàn hệ thống chính phủ, ngân hàng và toàn xã hội.
Khởi nghiệp sáng tạo phải chấp nhận mạo hiểm
Hiện nay, có rất nhiều startup ở Việt Nam đang khởi nghiệp và ứng dụng những công cụ hỗ trợ của cuộc cách mạng 4.0 như AI, VR, IoT… và theo ông Trương Gia Bình, các bạn trẻ đang có nhiều lợi thế lớn bởi khi đã có Internet, các bạn trẻ đã là công dân toàn cầu, khi thế giới đã phẳng, cơ hội của thế giới cũng là cơ hội của mỗi người trẻ. Hơn nữa, cả nước đang đứng sau, thúc giục người trẻ tiến lên, hà cớ gì những bạn trẻ không tiến về phía trước.
Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Tập đoàn FPT
Dù 4.0 mang lại nhiều cơ hội cho Việt Nam, nhưng theo 2 vị lãnh đạo, các startup cũng không tránh khỏi vô vàn khó khăn trong đó,hạn chế về ngoại ngữ là rào cản lớn cho nguồn nhân lực thế hệ 4.0 đồng thời, khởi nghiệp luôn gắn với tính mạo hiểm.
Kể lại câu chuyện khi sang Harvard để giải thích cho điều này, ông Bình chia sẻ: “Ở Harvard, họ đã phân tích rằng Silicon Valley (Mỹ) là trung tâm khởi nghiệp lớn nhất thế giởi bởi đó là những nhóm sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm. Quay sang Đức và Nhật – tuy là 2 cường quốc công nghiệp, nhưng ởHarvard lại cho rằng người Đức và người Nhật có mức độ chấp nhận mạo hiểm thấp”.
Đưa ra lời khuyên cho các startup, Chủ tịch Tập đoàn FPT cho biết 4.0 chỉ thiên về ý tưởng, công nghệ nên các bạn trẻ có thể đi từ những ngành tiểu ngạch, tận dụng những gì sẵn có, mở ra nhiều chiều, trong đó có chiều công nghiệp.
Thu Anh