Trong 2 thập kỷ qua, Đài Loan cố gắng mua tàu ngầm hiện đại từ nước ngoài để đối phó mối đe dọa từ Trung Quốc, nhưng chẳng ai bán cả.

Chương trình tàu ngầm Đài Loan được sự giúp đỡ bí mật từ nhiều nước

Cẩm Bình | 06/12/2021, 09:00

Trong 2 thập kỷ qua, Đài Loan cố gắng mua tàu ngầm hiện đại từ nước ngoài để đối phó mối đe dọa từ Trung Quốc, nhưng chẳng ai bán cả.

Mỹ - đối tác cung cấp vũ khí chính của Đài Loan - sở hữu hạm đội tàu ngầm hạt nhân và đã không đóng tàu ngầm diesel nhiều thập kỷ nay. Trong khi đó, các quốc gia khác ngại làm mất lòng Trung Quốc.

Nhưng giờ đây khi Chủ tịch Tập Cận Bình tăng cường uy hiếp quân sự Đài Loan, hàng loạt đơn vị cung cấp công nghệ tàu ngầm đang hỗ trợ đảo tự trị triển khai chương trình đóng tàu ngầm bí mật. Đài Loan âm thầm nhận được công nghệ, linh kiện, chuyên gia đến từ ít nhất 7 quốc gia, giúp họ lập nên đội tàu ngầm đủ sức buộc Trung Quốc phải trả giá nặng nề nếu phát động chiến tranh.

Mỹ cung cấp hàng loạt công nghệ quan trọng như các thành phần thuộc hệ thống chiến đấu, hệ thống định vị bằng sóng âm. Ngoài Mỹ còn nhiều quốc gia khác giúp đỡ bằng nhiều cách.

Theo nguồn tin của Reuters, cựu đại tá Ian McGhie từng phục vụ trong hạm đội tàu ngầm Anh là nhân vật quan trọng trong nỗ lực tuyển dụng chuyên gia về tàu ngầm. Ông hỗ trợ một công ty trụ sở ở Gibraltar thuê kỹ sư (gồm cả cựu quân nhân hải quân Anh).

Thông tin từ Bộ Thương mại quốc tế Anh còn cho thấy giới chức đảo quốc sương mù 3 năm qua phê duyệt nhiều giấy phép xuất khẩu, cho phép công ty Anh cung cấp thành phần, công nghệ hoặc phần mềm tàu ngầm cho Đài Loan. Giá trị của loạt công nghệ được cấp phép xuất khẩu tăng theo cấp số nhân vài năm gần đây.

Chủ tịch Hiệp hội Thương nghiệp Mỹ - Đài Loan Rupert Hammond-Chambers ví chương trình tự đóng tàu như một trò chơi ghép hình. Đài Loan phân chia công việc thành từng phần nhỏ rồi xác định xem phần nào cần hỗ trợ từ nước ngoài (chẳng hạn như thiết kế tàu).

Chương trình tự đóng tàu ngầm chính thức khởi động từ năm 2017. Công ty CSBC bắt đầu đóng tàu từ năm 2020, đặt mục tiêu bàn giao chiếc đầu tiên (trong kế hoạch đóng 8 tàu) vào năm 2025.

Trước thông tin Reuters tiết lộ, Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ trích giới chức Đài Loan thông đồng với thế lực bên ngoài và nói rằng các quốc gia hỗ trợ đang “chơi với lửa và sẽ tự thiêu đốt mình”.

chrtsnz48.jpg
Đài Loan triển khai đóng 8 tàu ngầm mới - Ảnh: Reuters

Lo sợ bị trả đũa

Theo 2 nguồn thạo tin tại Đài Loan, các nhân vật phụ trách chương trình cố gắng giữ bí mật nhằm hạn chế nguy cơ Trung Quốc gây sức ép khiến chính phủ và công ty nước ngoài không hợp tác với Đài Loan. 

Nguồn tin còn tiết lộ phía Đài Loan tiếp cận trực tiếp với công ty trước thay vì đề nghị chính phủ nước nào đó cho phép cung cấp thiết bị, công nghệ. Công ty nước ngoài sau khi có đơn đặt hàng sẽ xin chính phủ nước sở tại cấp phép xuất khẩu. Các thành phần quan trọng của tàu ngầm đã được cấp phép xuất khẩu cho Đài Loan, theo nguồn tin lẫn thông tin chính thức.

Tuy nhiên, nỗi sợ bị Trung Quốc trả đũa ảnh hưởng đến vài thương vụ. Một đơn vị Đức đột ngột chấm dứt hợp đồng vào năm ngoái và người trong đơn vị tiết lộ chính công ty mẹ đã ra tay ngăn chặn do có lợi ích kinh doanh tại Trung Quốc. Để giảm thiểu trở ngại như trên, Đài Loan tìm đến 2-3 nhà cung cấp với mỗi công nghệ quan trọng, phòng trường hợp 1 nhà cung cấp rút lui.

Hà Lan - nước đồng ý giúp bảo trì 2 tàu ngầm lớp Hải Long (dựa trên mô hình tàu ngầm lớp Zwaardvis của Hà Lan) mà Đài Loan đang sử dụng - không tham gia chương trình đóng tàu mới mà quyết định tôn trọng một thỏa thuận ký năm 1984 với Trung Quốc, không cấp bất cứ giấy phép xuất khẩu trang thiết bị quân sự cho Đài Loan nữa.

Tại Nhật - quốc gia ủng hộ Đài Loan mạnh mẽ, ý tưởng giúp đảo tự trị đóng tàu ngầm từng được đưa ra bàn bạc không chính thức nhưng cuối cùng đã bị loại bỏ. Cựu đô đốc hải quân Yoji Koda cho biết một trong số lý do khiến Nhật do dự là lo sợ Trung Quốc trả đũa kinh tế.

Thành công của Đài Loan trong tiếp cận chuyên gia và công nghệ tàu ngầm phản ánh mối lo ngại ngày càng tăng của phương Tây đối với sức mạnh quân sự Trung Quốc. Đây quả thực là bước đột phá với Đài Loan - đảo tự trị không được công nhận chính thức từ các quốc gia cấp phép xuất khẩu.

Một nguồn tin đánh giá: “Đài Loan trên thực tế không cô đơn. Dựa trên số giấy phép xuất khẩu mà chúng tôi nắm thông tin, chúng tôi biết rất nhiều quốc gia đang giúp đỡ họ”.

ch96d74815807c453fa2ff645e2800f8c2_167185_1v7a4030_149783_base.jpg
Một cơ sở đóng tàu của CSBC tại Cao Hùng - Ảnh: Reuters

Vai trò của tàu ngầm

Lầu Năm Góc xác định Trung Quốc sở hữu 58 tàu ngầm, trong đó 6 chiếc là tàu ngầm hạt nhân mang được tên lửa đạn đạo. Đài Loan hiện chỉ có 4 chiếc gồm 2 tàu ngầm lớp Guppy phục vụ từ năm 1974 đến nay - “đồ cổ” chỉ dùng được cho hoạt động huấn luyện và 2 tàu ngầm lớp Hải Long hoạt động từ năm 1987 đến nay.

Theo một số chuyên gia, 8 tàu đóng mới cộng thêm 2 tàu ngầm lớp Hải Long hiện tại sẽ là mối đe dọa chết người đối với một hạm đội xâm lược. Số tàu này nếu trang bị ngư lôi cùng tên lửa chống hạm mạnh mẽ có thể đủ sức tấn công cả tàu vận tải lẫn tàu chiến Trung Quốc thực hiện nhiệm vụ đổ bộ.

2 nguồn thạo tin nhận định tàu ngầm có thể được triển khai đến vùng biển phía đông Đài Loan, đảm bảo loạt cảng bờ đông luôn mở duy trì tiếp tế thông suốt nếu xung đột quân sự nổ ra. Sự hiện diện của tàu ngầm ngoài khơi cũng buộc Trung Quốc phải duy trì liên tục hoạt động chống ngầm.

Bà Thái Anh Văn đã quyết tâm đóng tàu ngầm mới ngay cả trước khi thắng cử vị trí lãnh đạo, theo vài nguồn tin. Năm 2015, Dương Nghị - một cựu chỉ huy tàu ngầm - từng trình bày tầm quan trọng của vũ khí này với bà Thái. Nhiều sĩ quan hải quân khác gồm cả Tư lệnh Hoàng Thự Quang đều ủng hộ ý kiến đóng tàu. Bước ngoặt đến vào năm 2016 lúc bà Thái thắng cử. Năm 2017, cơ quan phòng vệ Đài Loan ký hợp đồng đóng tàu với công ty CSBC.

ch33566503915_10d0e8af2e_o.jpg
Bà Thái Anh Văn rất quyết tâm trong việc đóng tàu ngầm mới - Ảnh: Reuters

Tiến hành trong bí mật

Nghị sĩ dự cuộc họp báo cáo tiến trình đóng tàu đều phải ký văn bản giữ bí mật thông tin. Sĩ quan hải quân đem mô hình tàu đến báo cáo trong hộp kín, mô hình mỗi lần đều trông khác nhau vì thiết kế thay đổi.

Trong cuộc họp cuối năm ngoái, giới sĩ quan hải quân trình tài liệu về loạt giấy phép xuất khẩu của nước ngoài để các nghị sĩ xem xét. Tên công ty nước ngoài được mã hóa, muốn biết rõ phải tra một sổ tay riêng, lịch sử tra cứu đều được ghi nhận.

Để giữ chân đối tác, Đài Loan xúc tiến chương trình một cách thầm lặng nhưng đôi lúc vẫn tiết lộ thông tin. Tháng 11 năm ngoái, chủ tịch CSBC Trịnh Văn Long cho biết công ty tự vẽ bản thiết kế dưới sự hỗ trợ của chuyên gia kỹ thuật nước ngoài.

Công ty Gavron đặt trụ sở ở Gibraltar, do 2 ông Gil Yossef Cooper và Arie Beizer đứng đầu, giành được hợp đồng tư vấn kỹ thuật cho CSBC. Đến nay chỉ có thông tin họ thắng thầu và tuyển dụng kỹ sư cho chương trình đóng tàu mà thôi. Gavron từ chối cung cấp thông tin khác cho Reuters và cũng không sắp xếp cho 2 ông Cooper, Beizer trả lời phỏng vấn.

Trên trang web của mình, Gavron cho biết công ty đem đến kinh nghiệm tích lũy qua nhiều thập kỷ của chuyên gia tư vấn đóng tàu ngầm hạt nhân cũng như các kỹ thuật khác. Không ít chuyên gia làm việc cho công ty từng phục vụ trong hạm đội tàu ngầm Anh, gồm cả cựu đại tá Ian McGhie. Một bản tin tuyển dụng kỹ sư tàu ngầm phụ trách công việc ở Đài Loan của Gavron đăng năm 2017 ghi rõ ông McGhie là người liên hệ.

Bản tin tuyển dụng cũng cho biết công việc sẽ là xem xét thiết kế vỏ áp suất cùng vách ngăn - 2 thành phần quan trọng của tàu ngầm. Khi Reuters liên hệ, ông McGhie nói rằng bản thân cần được Gavron cho phép mới có thể cung cấp thông tin, vì thông tin khách hàng và nghĩa vụ hợp đồng là vấn đề nhạy cảm.

McGhie từng chỉ huy lực lượng Anh đóng tại Gibraltar cho đến năm 2016. Tài khoản LinkedIn viết ông phục vụ trong quân đội 32 năm, là thành viên một nhóm phụ trách Chương trình An ninh mạng quốc gia đầu tiên của Anh.

chian-mcghie_youtube_screenshot.jpg
Cựu đại tá Ian McGhie - Ảnh: Reuters

Ngoài ông McGhie, Reuters còn phát hiện ít nhất 12 kỹ sư nước ngoài tham gia chương trình đóng tàu ngầm hoặc làm việc cho Gavron ở Đài Loan (có cả trẻ tuổi lẫn kỳ cựu). Họ từng tham gia đóng tàu ngầm S-80 của Tây Ban Nha hay tàu ngầm lớp Astute của Anh.

Trong một bài viết đăng trên trang web trường đại học năm 2017, kỹ sư hải quân người Tây Ban Nha Juan Herrero Valero cho biết mình bắt đầu làm việc cho một công ty Anh ở thành phố Cao Hùng, tham gia chương trình đóng tàu ngầm. Ông được tiếp cận thông qua LinkedIn, đang làm việc cùng đội ngũ kỹ sư giàu kinh nghiệm hơn mình rất nhiều.

Năm 2018, Tập đoàn công nghiệp quân sự Lockheed Martin đăng tin tuyển dụng trên trang JobSearcher.com, tìm người phụ trách chương trình tàu ngầm Hải Long lẫn công việc thiết kế tàu ngầm tự đóng. Ứng viên phải biết tiếng Trung phổ thông. Đầu năm 2020, họ lại đăng tin tuyển kỹ sư phụ trách hệ thống chiến đấu tàu ngầm. Lockheed Martin hiện từ chối bình luận.

Danh sách đơn vị nước ngoài tham gia còn có QinetiQ (Anh) cùng BMT chi nhánh Canada. Theo nguồn tin, QinetiQ tư vấn về cách thức hoạt động dưới nước an toàn, còn BMT tư vấn kỹ thuật. Cả 2 cũng không chịu tiết lộ thông tin.

Bài liên quan
Sự khác biệt lớn giữa Thung lũng Silicon ở Mỹ và 'đảo Silicon' Đài Loan
Nữ phóng viên Jane Lanhee Lee của hãng tin Bloomberg đã đặt chân đến Đài Loan, nơi sản xuất ra thế hệ chip tiếp theo, và nhận thấy có sự khác biệt lớn so với Thung lũng Silicon ở Mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 2: Các lĩnh vực đều tăng tốc, bứt phá
Sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 và quý 1/2024 tiếp tục là một trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế với kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng cao, chăn nuôi phát triển ổn định, nuôi trồng thủy sản phát triển khá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chương trình tàu ngầm Đài Loan được sự giúp đỡ bí mật từ nhiều nước