Ngày giữa tháng trăng được gọi trung tuần, là rằm. Từ tháng giêng tới tháng chạp, cứ ngày 15 hằng tháng đều rằm tất. Mở đầu là rằm tháng giêng, nguyên tiêu.

Chuyện cúng rằm

08/02/2020, 06:31

Ngày giữa tháng trăng được gọi trung tuần, là rằm. Từ tháng giêng tới tháng chạp, cứ ngày 15 hằng tháng đều rằm tất. Mở đầu là rằm tháng giêng, nguyên tiêu.

Phiên chợ tết ở nông thôn thời xưa - Ảnh: Tư liệu/Internet

Hôm nay, theo âm lịch, là rằm tháng giêng, Tết Nguyên tiêu.

Cho tới bây giờ, xứ ta vẫn xài lịch Tàu, âm lịch, mặc dù lịch Tây, dương lịch, phổ biến hơn, được áp dụng hằng ngày.

Âm lịch do người Trung Quốc căn cứ vào hoàn cảnh, điều kiện về thời tiết, khí hậu, đất đai, phong tục... của họ để chế ra, nhưng khi nhà cai trị Tàu kéo xuống phương nam thì đem theo mọi thứ của họ, trong đó có lịch, bắt bản địa phải tuân phục. Có điều là vùng miền Bắc nước Việt có khí hậu gần giống bên Tàu, đủ cả 4 mùa xuân hạ thu đông nên dùng âm lịch cũng không bị chỏi lắm.

Điều dễ thấy nhất khi dùng âm lịch là người ta rất coi trọng ngày giữa tháng, còn gọi ngày rằm. Theo quan niệm phương đông, mặt trời đồng nghĩa với ban ngày, là dương, còn mặt trăng ban đêm, là âm. Người tây dùng lịch tính theo chu kỳ mặt trời, dương, nên chả chú ý tới rằm riếc gì, ngày nào cũng như ngày nào, nếu có hơi kiêng một tí thì họ chỉ quan tâm ngày 13 trong mọi tháng, liên quan tới Chúa chứ cũng không dính tới mặt trời, khí hậu. Ngày duy nhất trong suốt 12 tháng mà họ quan tâm là ngày 1 của tháng đầu năm, đó là tết năm mới, cũng chỉ nghỉ ngơi vui chơi ngày ấy rồi sau đó đi làm. Những ngày như lễ Phục sinh, lễ Giáng sinh, Noel… chỉ liên quan tới người theo đạo Thiên chúa Jesus chứ không phải tất cả dân mắt xanh mũi lõ. Còn mấy thứ lẻ tẻ như lễ tình nhân, "ha lô uyn"... không đáng kể. Ngẫm cứ đơn giản, gọn nhẹ thế mà lại sướng.

Phe xài âm lịch thì căn vào mặt trăng méo hay tròn mà đặt thành lễ thành tục. Mặt trăng khi mới xuất hiện bé tí những ngày đầu tháng được gọi là trăng thượng tuần (còn có tên khác là thượng huyền), những ngày cuối tháng thì hạ tuần (hạ huyền). Trăng thượng tuần trăng non, trăng hạ tuần trăng già trăng xế. Ca dao có câu “Trăng bao nhiêu tuổi trăng già/Núi bao nhiêu tuổi gọi là núi non”. Các cụ ngày xưa ý nhị, chơi chữ, bởi ta thường nói núi non vùng này, núi non vùng kia, thế mà chuyển phắt thành núi non (chưa già), rõ khéo tán nhau, chứ như bọn trẻ bây giờ chỉ giỏi dùi đục chấm mắm cáy, chưa chi đã...

Ngày giữa tháng trăng được gọi trung tuần, là rằm. Từ tháng giêng tới tháng chạp, cứ ngày 15 hằng tháng đều rằm tất. Mở đầu là rằm tháng giêng, nguyên tiêu. Báo chí truyền thông bây giờ, rồi cả rất nhiều tổ chức, cơ quan nhà nước đàng hoàng, đã có sự nhầm lẫn về 2 loại lịch âm dương. Theo lịch dương, tháng được đánh số từ tháng 1 tới tháng 12, nhưng lịch âm lại bắt đầu từ tháng giêng, tiếp theo là hai, ba, tư… tới tháng mười, tiếp nữa là tháng một (tức tháng mười một), kết thúc bằng tháng chạp. Nhiều người do ít hiểu biết cứ nhầm lẫn giữa tháng 1 dương lịch với tháng giêng âm lịch.

Xài âm lịch nên trong năm có nhiều lễ tết lắm. Có thể kể ra đây, mở đầu là Tết Nguyên đán, bây giờ ta gọi tết cổ truyền, nghĩa là do người xưa (cổ) truyền lại, to nhất trong năm. Cùng trong tháng giêng có Tết Nguyên tiêu, tết này vào đúng ngày rằm. Vừa mới ăn tết cực to xong, lại ăn ngay tết rằm này, kể cũng bận rộn bấn bíu phết. Sang tháng ba có Tết Hàn thực (ăn thức ăn (thực) nguội lạnh (hàn), kiêng nấu nướng bếp núc củi lửa; Tết Thanh minh nhân dịp tiết Thanh minh, chủ yếu đi tảo (dọn dẹp) mộ. Sang tháng năm thì Tết Đoan ngọ, vào ngày mùng 5, để giết sâu bọ. Tới tháng bảy, lại đúng rằm là Tết Trung nguyên. Khi còn bé tôi đã nghe người nhớn bảo nhau “cả năm mới có một rằm tháng bảy”, tết này to lắm, chỉ kém Tết Nguyên đán, tổ chức ăn uống linh đình. Những nhà nghèo nhất ở nông thôn cũng phải cố soạn được mâm cơm cúng, bởi theo quan niệm xưa, đây là khoảng thời gian âm phủ xá tội vong nhân, thả hồn về cõi dương gian, phải có đồ cúng dâng để tổ tiên ông bà về ăn khi chính phủ dưới âm tạm nghỉ.

Sang tháng tám, Tết Trung thu cũng trùng vào ngày rằm. Ngay cái tên, trung thu tức là giữa mùa thu, đúng ngày trăng tròn thì ăn tết. Ban đầu tết này chỉ của trẻ con nhưng dần dà người nhớn lấn át, gạt tụi con nít ra ngoài rìa (chuyện này sẽ nói kỹ sau).

Tháng chín, vào ngày 9 luôn, có Tết Trùng cửu (tức là lặp hai số 9). Tháng mười có Tết Trùng thập, mùng 10 tháng mười. Tới tháng cuối cùng năm âm lịch, cứ tưởng hết các loại tết để chuẩn bị đón năm mới, ai dè vẫn còn Tết Táo quân, ngày 23, còn gọi thành tết cúng ông táo chầu giời. Nhiều người đùa bảo tết ông táo là tiền tết, tết nháp, tết tiền trạm.

Vẫn chưa hết, tới tận ngày 30 tháng chạp còn phải có cái lễ trọng nữa, đón giao thừa, gọi tên chữ là trừ tịch, trừ (loại bỏ) hết năm cũ để sang năm mới. Trừ tịch là thứ lễ tết riêng chứ hoàn toàn không gắn gì với Tết Nguyên đán như lâu nay nhiều người vẫn nghĩ.

Nói tóm lại, hầu như tất cả thứ lễ tết cổ truyền ấy đều do người Tàu bày vẽ, người xứ ta cứ thế làm theo, cả cái hợp lẫn cái không hợp. Mà không chỉ về lịch pháp, lễ tết, cúng bái, còn có bao nhiêu cái khác nữa những năm sau này. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tốc độ tăng GDP quý 1/2024 cao nhất trong 4 năm nay
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý 1 các năm từ 2020 - 2023.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện cúng rằm