Với nền kinh tế định hướng về xuất khẩu như Việt Nam, việc chuyển đổi xanh của các doanh nghiệp được xem là yếu tố sống còn.
Sản xuất xanh, xuất khẩu xanh, tiêu dùng xanh... đã và đang trở thành xu hướng phát triển trên toàn cầu như một giải pháp tích cực giúp giảm phát thải nhà kính, nâng cao năng lực chống chịu và tính sáng tạo của nền kinh tế. Xu hướng này đang hình thành các tiêu chuẩn mới về môi trường và phát triển bền vững do các thị trường nhập khẩu, nhà nhập khẩu quy định.
Tại các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như: Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... người tiêu dùng ngày càng có xu hướng quan tâm nhiều hơn việc bảo vệ môi trường bên cạnh chất lượng và giá cả sản phẩm. Các quốc gia phát triển đã và đang triển khai chương trình phát triển xanh, khung pháp lý để nhập khẩu hàng hóa của các nước là phải bảo đảm sản xuất xanh.
Ví dụ các yêu cầu hết sức khắt khe của thị trường châu Âu (EU) mới được cập nhật và phổ biến rộng rãi đến cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam như Hướng dẫn 79/117/EEC của Ủy ban châu Âu (EC), dư lượng thuốc bảo vệ thực vật được phép tồn dư trên sản phẩm nhập khẩu vào EU rất thấp, gần như bằng 0.
Nếu EU phát hiện có bất cứ một chất cấm nào tồn dư trong mẫu sản phẩm nhập khẩu, lô hàng đó sẽ bị từ chối và tiêu hủy, nhà cung cấp (xuất khẩu) sẽ phải chịu toàn bộ chi phí tiêu hủy, thậm chí có thể bị truy tố và bị áp lệnh cấm xuất khẩu sản phẩm đó vào EU trong thời gian chờ đợi cơ quan có thẩm quyền của EU tiến hành điều tra và xử lý.
Nhiều nền kinh tế phát triển trên thế giới đã đặt ra những quy định liên quan đến môi trường khắt khe hơn đối với hàng hóa nhập khẩu như: chính sách tăng trưởng xanh châu Âu, thỏa thuận xanh châu Âu kèm theo các cơ chế chương trình. Cụ thể là Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (Carbon Border Adjustment Mechanism - CBAM); Chiến lược từ trang trại đến bàn ăn (Farm to Fork); Kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn (Circular Economy Action Plan) hay Chiến lược đa dạng sinh học đến năm 2030...
Trao đổi với Một Thế Giới, đại diện Bộ Công Thương cho biết xuất khẩu xanh đang là xu hướng tất yếu, các quy định, tiêu chuẩn liên quan đến yếu tố xanh đang dần được luật hóa tại các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam. Nói về cơ hội, xuất khẩu xanh sẽ mang lại lợi nhuận biên cao hơn cho sản phẩm. Những sản phẩm đáp ứng được tiêu chuẩn xanh, chứng chỉ carbon có giá bán cao hơn rất nhiều lần so với sản phẩm thông thường.
Do vậy, để đáp ứng các tiêu chuẩn xanh, doanh nghiệp phải nâng cao năng lực để tạo ra được sản phẩm xanh. Khi đó doanh nghiệp một mặt không phải nộp thuế carbon, sản phẩm lại có lợi thế cạnh tranh hơn so với sản phẩm cùng loại của nước khác chưa đáp ứng tiêu chuẩn này.
Ngoài ra, trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn xanh, kinh doanh có điều kiện đối với các tập đoàn kinh tế lớn, đa quốc gia có chuỗi cung ứng dài và rộng khắp thế giới thì chi phí chuyển đổi là rất lớn, thời gian chuyển đổi sẽ lâu hơn. Trong khi đó, với Việt Nam, hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu có quy mô nhỏ và vừa, việc chuyển đổi hệ thống kiểm soát nội bộ sẽ nhanh hơn, tốn ít chi phí hơn.
Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ làm việc với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để cung cấp nhanh những thông tin, yêu cầu mới và hướng dẫn của EU liên quan đến thỏa thuận xanh, chuyển đổi xanh của EU giúp doanh nghiệp thích ứng hiệu quả và nhanh nhất đối với yêu cầu mới này. Song song với việc hỗ trợ tiếp cận thông tin, nâng cao năng lực đáp ứng tiêu chuẩn mới cho doanh nghiệp, các bộ ngành liên quan nhanh chóng bổ sung và hoàn thiện khung khổ pháp lý, đưa ra các quy định, tiêu chuẩn để xác định thế nào là xanh.
Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) nói: "Riêng trong công tác xúc tiến thương mại, chúng tôi đã xây dựng bộ chỉ số về năng lực xúc tiến thương mại, sắp tới bộ chỉ số này sẽ được bổ sung những chỉ số về chuyển đổi xanh trong xúc tiến thương mại và xúc tiến xuất khẩu".
Theo ông Phú, việc cần phải làm khẩn trương nhất vẫn là phổ biến tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp xuất khẩu về chuyển đổi xanh, chấp hành Thoả thuận Xanh của EU và sản xuất kinh doanh có trách nhiệm để một mặt tiếp cận, thích ứng với yêu cầu mới, mặt khác tận dụng nhanh cơ hội mang lại từ quy định so với các đối thủ cạnh tranh.
Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ triển khai các chương trình hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực với sự hợp tác của các tổ chức quốc tế để nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng cho các ngành sản xuất, đặc biệt với từng ngành có liên quan đến cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của EU.
Thép là ngành vật liệu cơ bản, đáp ứng cho nhiều ngành sản xuất công nghiệp lẫn xây dựng, nhưng cũng là ngành phát thải lớn. Do vậy, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) nhìn nhận công cuộc chuyển đổi sản xuất để sản phẩm xanh hơn cũng là một thách thức không hề nhỏ. Giải pháp được ngành đặt ra là tập trung nâng cấp, đổi mới, cải tiên công nghệ với các nhà máy hiện có, mục tiêu để giảm phát thải xuống mức thấp nhất.
Một trong những giải pháp trọng tâm là các nhà máy sản xuất thực hiện chuyển đổi từ lò cao, lò thổi sử dụng nguyên liệu quặng sắt, nhiên liệu than cốc sang công nghệ mới tiết kiệm và hiệu quả hơn, đồng thời thu gom CO2 vào năm 2035.
Hiệp hội Cơ khí Việt Nam cũng cho rằng trong việc chuyển đổi xanh có thể bắt đầu tư năng lượng tái tạo, tận dụng hồ thủy lợi, kênh mương tưới tiêu để sản xuất điện năng lượng mặt trời. Cùng với đó, trồng tre ở ven các hồ thủy lợi vừa mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân, giữ nước, đất và cây tre cũng mang lại giá trị cả về tín chỉ carbon. Nếu thực hiện được thì việc chuyển đổi sản xuất xanh hóa sẽ rất hiệu quả trong việc phát triển thị trường và xuất khẩu vào thị trường EU.