Krystsina Tsimanouskaya từ chối lên chuyến bay sau khi nói rằng được đưa đến sân bay trái với mong muốn của cô. Hôm 2.8, nữ vận động viên Belarus bước vào Đại sứ quán Ba Lan ở Tokyo, Nhật Bản.

Chuyên gia chạy 200 mét bị ép chạy 400 mét tiếp sức đã trốn vào Đại sứ quán Ba Lan tại Nhật

Sơn Vân | 02/08/2021, 16:20

Krystsina Tsimanouskaya từ chối lên chuyến bay sau khi nói rằng được đưa đến sân bay trái với mong muốn của cô. Hôm 2.8, nữ vận động viên Belarus bước vào Đại sứ quán Ba Lan ở Tokyo, Nhật Bản.

Krystsina Tsimanouskaya (24 tuổi) sẽ xin tị nạn ở Ba Lan, theo một thành viên của cộng đồng Belarus địa phương có liên hệ với cô.

Nữ vận động viên chạy nước rút đến trước Đại sứ quán Ba Lan ở Tokyo trong chiếc ô tô màu bạc không nhãn mác khoảng 5 giờ chiều giờ địa phương. Cô bước ra với hành lý chính thức của đội, sau đó chào hai quan chức trước khi vào đại sứ quán.

Hôm 1.8, người phát ngôn của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) - Mark Adams nói trong một cuộc họp báo rằng một số cơ quan đã liên hệ với vận động viên nước rút, bao gồm cả Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn.

Trong sự cố ngoại giao đang diễn ra, cả Ba Lan và Cộng hòa Séc trước đó đã công khai đề nghị hỗ trợ cô.

"Cô ấy đã đảm bảo với chúng tôi rằng cô an toàn và được bảo vệ. Chúng tôi đang nói chuyện lại với cô ấy sáng nay để hiểu các bước tiếp theo sẽ như thế nào. Chúng tôi cần lắng nghe cô ấy, tìm hiểu những gì cô muốn và ủng hộ cô trong quyết định của mình", Mark Adams nói.

bi-dua-den-san-bay-vi-he-lo-bi-mat-ve-hlv-va-dong-doi-nu-vdv-olympic-tu-choi-ve-nuoc132.jpg
Krystsina Tsimanouskaya bị bắt về nước sau khi hé lộ bí mật về HLV và đồng đội
nu-vdv-olympic-bi-ep-ve-nuoc-xin-ti-nan-o-nhat1.jpg
nu-vdv-olympic-bi-ep-ve-nuoc-xin-ti-nan-o-nhat.jpg
Vận động viên chạy nước rút người Belarus - Krystsina Tsimanouskay đến Đại sứ quán Ba Lan ở thủ độ Tokyo, Nhật Bản ngày 2.8 - ảnh: Reuters

Đáng ra sẽ thi đấu môn chạy 200 mét vào ngày 2.8 nhưng Krystsina Tsimanouskaya đã bị cắt ngắn thời gian ở Olympic Tokyo và bị đưa đưa đến sân bay để lên chuyến bay của hãng Turkish Airlines.

Krystsina Tsimanouskaya tiết lộ với phóng viên Reuters qua Telegram rằng huấn luyện viên trưởng người Belarus đã đến phòng của cô ấy hôm 1.8 tại làng vận động viên và nói rằng cô phải rời đi.

"Huấn luyện viên trưởng đến gặp tôi và nói rằng đã có lệnh từ phía trên để loại bỏ tôi. Lúc 5 giờ chiều, họ đến phòng tôi, bảo tôi đóng gói và họ đưa tôi đến sân bay”, Krystsina Tsimanouskaya viết trong tin nhắn.

Thế nhưng, Krystsina Tsimanouskaya từ chối lên chuyến bay và nói: "Tôi sẽ không trở lại Belarus".

Krystsina Tsimanouskaya cho biết đã bị loại khỏi đội do "thực tế là tôi đã nói trên Instagram của mình về sự sơ suất của huấn luyện viên".

Tsimanouskaya trước đó đã tiết lộ rằng cô đã được vào trong nội dung tiếp sức 4x400m sau khi một số thành viên của đội bị phát hiện là không đủ điều kiện để thi đấu tại Olympic vì chưa trải qua đủ quá trình kiểm tra doping.

Tsimanouskaya nói với Reuters từ sân bay: “Một số VĐV của chúng tôi đã không bay đến đây để thi đấu 4x400 m tiếp sức vì họ chưa trải qua đủ quá trình kiểm tra doping. Huấn luyện viên đã thêm tôi vào cuộc tiếp sức mà tôi không hề hay biết. Tôi đã nói về điều này một cách công khai. Huấn luyện viên trưởng đến gặp tôi và nói rằng đã có lệnh từ phía trên để loại bỏ tôi".

Ủy ban Olympic Belarus tuyên bố rằng các huấn luyện viên đã quyết định rút Tsimanouskaya khỏi Olympic theo lời khuyên của bác sĩ về "trạng thái tâm lý, cảm xúc" của cô.

Huấn luyện viên trưởng của điền kinh Belarus - Yuri Moisevich nói với truyền hình nhà nước rằng ông "có thể thấy có điều gì đó không ổn với cô ấy... Cô ấy ẩn mình hoặc không muốn nói chuyện".

IOC sẽ tiếp tục các cuộc trò chuyện với Tsimanouskaya vào 2.8 và cơ quan điều hành Olympic đã yêu cầu một báo cáo đầy đủ từ ủy ban Olympic Belarus.

Trước một số câu hỏi của các nhà báo về việc IOC sẽ làm gì để đảm bảo các vận động viên khác được bảo vệ, người phát ngôn của IOC cho biết họ vẫn đang thu thập thông tin chi tiết về những gì chính xác đã xảy ra.

Xin tị nạn

Đã tiếp xúc với vận động viên này suốt đêm, một thành viên của cộng đồng Belarus địa phương cho biết sau cuộc nói chuyện dài cùng các quan chức khác nhau, Krystsina Tsimanouskaya đã nộp đơn xin tị nạn ở Nhật Bản.

Chính phủ Nhật Bản nói vận động viên được đảm bảo an toàn trong khi ban tổ chức Olympic Tokyo 2020 và IOC kiểm tra ý định của cô.

"Nhật Bản đang phối hợp với các bên liên quan và tiếp tục có hành động thích hợp", Chánh văn phòng nội các Nhật - Katsunobu Kato cho biết.

Quan chức Bộ Ngoại giao Ba Lan - Marcin Przydacz viết trên Twitter rằng Tsimanouskaya đã được "cấp thị thực nhân đạo và có thể tự do theo đuổi sự nghiệp thể thao của mình ở Ba Lan nếu cô ấy muốn".

Ngoại trưởng Cộng hòa Séc - Jakub Kulhanek cũng lên tiếng giúp đỡ cô.

"Cộng hòa Séc sẵn sàng giúp đỡ. Chúng tôi đang cung cấp cho cô ấy một thị thực nhập cảnh vào lãnh thổ để có thể nộp đơn xin bảo vệ tầm quốc tế với chúng tôi. Đại sứ quán của chúng tôi ở Tokyo cũng sẵn sàng giúp đỡ", Jakub Kulhanek tweet.

Hôm 2.8, người phát ngôn của IOC cho biết đã thực hiện một số hành động chống lại Ủy ban Olympic của Belarus trong thời gian diễn ra Olympic Tokyo. Vào tháng 3.2021, IOC đã từ chối công nhận việc bầu chọn Viktor, con trai Tổng thống Alexander Lukashenko làm người đứng đầu Ủy ban Olympic của Belarus. Hai cha con Tổng thống Alexander Lukashenko đều không được hoan nghênh dự Olympic.

Bài liên quan
Clip sao Premier League và Bundesliga tỏa sáng, Olympic Brazil hẹn gặp Tây Ban Nha ở chung kết
Richarlison (Everton) chuyền bóng cho Matheus Cunha (Hertha BSC) ghi bàn thắng duy nhất giúp Olympic Brazil đánh bại Ai Cập ở tứ kết bóng đá nam Olympic Tokyo 2020.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
11 giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyên gia chạy 200 mét bị ép chạy 400 mét tiếp sức đã trốn vào Đại sứ quán Ba Lan tại Nhật