Tại Diễn đàn An ninh Aspen (Mỹ), một chuyên gia về châu Á của CIA lên án việc Trung Quốc chiếm các thực thể trên Biển Đông, cải tạo đất và quân sự hóa các đảo nhân tạo xây trái phép.

Chuyên gia CIA: Mỹ cần ép Trung Quốc đàm phán về Biển Đông

23/07/2018, 18:10

Tại Diễn đàn An ninh Aspen (Mỹ), một chuyên gia về châu Á của CIA lên án việc Trung Quốc chiếm các thực thể trên Biển Đông, cải tạo đất và quân sự hóa các đảo nhân tạo xây trái phép.

Máy bay ném bom Trung Quốc tập hạ cánh trên Biển Đông - Ảnh: Quân đội Trung Quốc

Mỹ cần ép Trung Quốc đàm phán

Quân đội Trung Quốc đang hiện đại hóa, trong khi Mỹ và nhiều nước khác phản đối Trung Quốc xây căn cứ quân sự trên các đảo nhân tạo xây trái phép ở Biển Đông.

Bà Susan Thornton, quyền trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Vụ Đông Á-Thái Bình Dương, nói sự hiện diện quân sự Mỹ ở Biển Đông có thể ép Bắc Kinh phải đàm phán với các nước tranh chấp vùng biển này.

Ông Marcel Lettre, cựu trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về quốc phòng và tình báo, nói Trung Quốc có ngân sách quốc phòng lớn hàng thứ nhì thế giới, bộ binh đông nhất thế giới, không quân lớn hàng thứ ba thế giới và hải quân có 300 tàu chiến và hơn 60 tàu ngầm, trong quá trình hiện đại hóa và nâng cấp quân đội.

Ông Lette còn nói Trung Quốc đang thúc đẩy thu thập thông tin về trí thông minh nhân tạo, không gian mạng, công nghệ, khả năng chống vệ tinh và vũ khí trượt siêu thanh.

Hồi tháng 5, Trung Quốc đã khoe chiếc tàu sân bay tự đóng đầu tiên chạy thử trên biển, tiếp sau bài phát biểu của ông Tập ngày 12.4, qua đó ông công bố kế hoạch xây dựng lực lượng hải quân “tầm cỡ thế giới”.

Trong khi chiếc tàu sân bay tự đóng 50.000 tấn sẽ tăng sức mạnh quân sự Trung Quốc ở khu vực, các chuyên gia nói nó vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu, kém xa tiêu chuẩn đóng tàu sân bay của Mỹ.

Trung Quốc cũng đã lập các cảng ở Ấn Độ Dương, lập căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài (tại Djibouti) và năm 2017 đã cử hai tàu chiến mang theo một số quân đến đó.

Tướng Mỹ chưa thấy Bình Nhưỡng thực hiện phi hạt nhân bán đảo Triều Tiên

Ông Collins cũng nói Trung Quốc đang lẳng lặng tiến hành một dạng chiến tranh lạnh với Mỹ, sử dụng mọi nguồn lực để “bật” Mỹ khỏi ngôi thống trị toàn cầu.

Ông nhấn mạnh: Bắc Kinh không muốn chiến tranh, nhưng chính quyền Trung Quốc dưới quyền Chủ tịch Tập Cận Bình đang ngấm ngầm dàn nhiều mặt trận để gây hại cho Mỹ, khác với kiểu hành động chống Mỹ công khai của Nga.

Ông Collins nói: “Tôi có thể khẳng định rằng điều họ đang chống chúng ta là một cuộc chiến tranh lạnh, không giống kiểu Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ với Liên Xô, mà là một cuộc chiến tranh lạnh theo đúng nghĩa. Trung Quốc khai thác hợp pháp hoặc trái phép những khả năng công-tư, kinh tế-quân sự, để gây hại cho vị thế của địch mà không cần đến xung đột. Trung Quốc không muốn xung đột. Điều họ muốn là khi quyết định về quyền lợi của mình ở các vấn đề, thì từng quốc gia trên thế giới đều phải nghiêng về Trung Quốc trước tiên chứ không phải Mỹ”.

Ông Collins còn nói khi nghiên cứu Tư tưởng Tập Cận Bình, ông khẳng định mối đe dọa từ Trung Quốc chính là thách thức cấp toàn cầu mà Mỹ hiện phải đối mặt. Căng thẳng Mỹ-Trung đang tăng, vượt quá tranh chấp thương mại mà hai bên áp các mức thuế để trả đũa lẫn nhau.

Lời cảnh báo của vị chuyên gia CIA về tầm ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc tiếp sau những phát biểu khác ở Aspen. Tiếng chuông báo động vào lúc Mỹ cần Trung Quốc giúp tăng sức ép để CHDCND Triều Tiên ngưng chạy đua vũ khí hạt nhân (VKHN).

Đang chỉ huy quân đội Mỹ ở Hàn Quốc, Tướng Vincent Brooks tham dự Diễn đàn Aspen hôm 21.7 khẳng định: Triều Tiên vẫn còn nguyên phương tiện sản xuất bom hạt nhân, và “chúng tôi chưa trông thấy kết thúc hoàn toàn khâu sản xuất, chưa trông thấy dỡ bỏ các thanh nhiên liệu”.

Tuyên bố của vị tướng chưa đầy một tháng sau cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với lãnh đạo Triều Kim Jong-un ngày 12.6 ở Singapore.

Ngày 22.7, báo Washington Post đưa tin trong riêng tư, ông Trump đã thất vọng vì lời hứa phi hạt nhân hóa Triều Tiên của ông Kim bị chậm tiến bộ.

Tướng Brook nói: “Cần phải có một hành động cụ thể theo hướng đó, hoặc chúng ta không thể hài lòng và không thể làm bạn, cũng như không thể có hòa bình. Cho đến nay, Triều Tiên hoàn toàn chưa có hành động nào”.

Ông cũng lưu ý điều quan trọng là “không phản ứng thái quá trước tình hình này, trong khi các nhà ngoại giao vẫn nỗ lực giải quyết căng thẳng và xây dựng sự tín nhiễm lẫn nhau giữa Mỹ-Triều.

Cần cảnh giác với tình báo Trung Quốc

Ngày 18.7, Giám đốc FBI Christopher Wray nói tại Diễn đàn Aspen: điệp viên Trung Quốc có mặt ở khắp 50 tiểu bang Mỹ, trong khi Giám đốc Tình báo quốc gia (DNI) Dan Coats cũng cảnh báo Trung Quốc tăng hành động hung hăng, và Mỹ cần mạnh mẽ chống Trung Quốc ăn cấp bí mật công nghiệp và nghiên cứu kỹ thuật cao của Mỹ.

Bà Thornton nói một cách hạn chế tổn thất là sự cảnh giác dân Mỹ về hoạt động của hàng trăm ngàn sinh viên Trung Quốc du học, hoặc các tổ chức Trung Quốc ở các đại học Mỹ.

Bảo Vĩnh (theo Business Insider)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
3 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyên gia CIA: Mỹ cần ép Trung Quốc đàm phán về Biển Đông