Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nhiều người sử dụng ngân sách còn xem là tiền trời cho, tiền từ đâu rơi xuống chứ không nghĩ là tiền thuế của dân. Nhiều nơi sử dụng thiếu trách nhiệm, thậm chí là vô trách nhiệm.

Chuyên gia Phạm Chi Lan: Nhiều người tưởng ngân sách là tiền… trên trời rơi xuống

Trí Lâm | 11/06/2016, 05:03

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nhiều người sử dụng ngân sách còn xem là tiền trời cho, tiền từ đâu rơi xuống chứ không nghĩ là tiền thuế của dân. Nhiều nơi sử dụng thiếu trách nhiệm, thậm chí là vô trách nhiệm.

Ngân hàng HSBC vừa đưa ra dự báo tỷ lệ nợ công trên GDP của Việt Nam sẽ tăng lên 64,5% GDP trong năm 2016, gần đạt ngưỡng giới hạn của Quốc hội đề ra là 65%.

Điều đáng nói làmột phần đáng kể của nợ công được sử dụng để trả nợ thay cho đầu tư phát triển. Những năm gầy đây, chi ngân sách chủ yếu là chi thường xuyên với mức tăng trưởng là 18,44%/năm. Ngược lại, chi đầu tư phát triển có xu hướng giảm, nhất là từ năm 2013 đến nay, chỉ ở mức 4,8%/năm. Chỉ tiêu nợ phải trả (nợ gốc và lãi) có nguy cơ tiến sát vượt ngưỡng cảnh báo. Nghĩa vụ trả nợ tăng nhanh trong khi nguồn trả nợ công không bền vững.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ tiêu nghĩa vụ trả nợ/thu NSNN tăng lên 38% vào năm 2014 và 45% năm 2015. Hệ quả làtình trạng vay để trả nợ gốc ngày càng tăng, lên đến 80.000 tỉ đồng năm 2014 và 150.000 tỉ đồng năm 2015. Tuy nhiên, khả năng gia tăng thu ngân sách/GDP giảm mạnh, cụ thể năm 2011 là 25,9%xuống còn22,1% năm 2015 và dự kiến tiếp tục giảm.

Theo báo cáo kinh tế vĩ mô quý 1/2016, bội chi ngân sách đã tăng từ mức 65,8 nghìn tỉ đồng năm 2011 lên mức 263,2 nghìn tỉ đồng năm 2015. So với GDP, bội chi đã tăng từ mức 4,4% GDP năm 2011 lên mức 6,1% GDP năm 2015, cao hơn giới hạn 5% theo quy định của Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến 2030.

Phóng viên báo điện tử Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan về vấn đề này.

Không thể tiếp tục nâng trần nợ công

Với việc nợ công đang tăng nhanh, bà có nghĩ sắp tới chúng ta phải tiếp tục nâng trần nợ công hay không?

Chúng ta đã mấy lần nâng trần rồi, từ 55% lên 60%, rồi 65% như bây giờ. Tôi nghĩ không còn chỗ nâng được nữavà cũng không nên nâng tiếp, để rồi tự an ủi nhau là vẫn trong ngưỡng an toàn.

Tốc độ tăng của nợ công vẫn là rất cao trong thời gian vừa qua, năm sau còn cao hơn những năm trước. Khối lượng cụ thể củanợ công thì mỗi một năm một lớn. Trung bình phần trăm tăng lên của năm sau lớn hơn nhiều so với phần trăm tăng thêm của năm trước.

Theo nhận định của các chuyên gia trong nước cũng như quốc tế thì nợ công của Việt Nam đã vượt qua con số 65% từ lâunếu tính theo chuẩn của quốc tế. Ví dụ như những phần nợ mà chủ sở hữu phải trả, rồi nợ của công ty nhà nước, nợ địa phương… mà được tính vào thì con số đã cao hơn trần Quốc hội đề ra.

Vấn đề nợ công tăng nhanh và càng ngày càng caođã trở thành một thách thức, là một rủi ro rất lớn của nền kinh tế nước ta. Điều này cũngđược đề cập rất nhiều và luôn luôn đi cùng với những phê phán, cảnh báo và đề xuất của các chuyên gia, của các cơ quan khác nhau về việc là phải chấn chỉnh… nhưng có vẻ tình hình ngày càng trầm trọng hơn.

Tôi thấy tình hình năm nay còn đáng lo ngại hơn. Đó là khó khăn về nguồn thu ngân sách khi mà nền kinh tế không còn có được sự tăng trưởng như trước đây. Các doanh nghiệpkhó khăn nhiều hơn, các doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng lên. Nguồn vốn mà chúng ta dùng với giá rẻ hơn từ bên ngoài như ODA thì cũng có chi phí cao hơn rất nhiều so với trước. Tài nguyên thiên nhiên dần cạn kiệt đi…

Những vấn đề khiến dư luận chú ý là chi thường xuyên quá lớn, đầu tư công không hiệu quả, thiếu trách nhiệm… Bà nghĩ sao về điều này?

Ở Việt Nam thì gần như không thể lường được chi phí đầu tư công. Như ông Nguyễn Sinh Hùng – nguyên Chủ tịch Quốc hội đã phải thốt lên ngạc nhiên vì dự toán một đằng, quyết toán lại đội giá lên gấp nhiều lần. Quốc hội là nơi quyết định việc chi ngân sách mà lại phải thốt lên câu đó thì chúng ta hiểu rằng hiệu quả đầu tư công thấp đến mức nào.

Rồi lại thêmtình trạng các doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ, gây thất thoát tiền của. Gần đây là hàng loạt nhà máy nghìn tỉ xây lên rồi chịu lỗ, bỏ hoang… cũng là một thực tế đáng buồn.

Về chi thường xuyên hiện nay quá lớn cũng là điều không ổn. Bây giờ vừa phải nâng cao trách nhiệm, vừa phải giảm bộ máy Nhà nước xuống vì hiện nay đang phình ra quá lớn, xã hội thực sự không thể nào gánh nổi.

Hàng năm trung bình chi thường xuyên của Việt Nam ở mức 68 - 69% tổng chi ngân sách, có lúc lên đến 72% tổng chi ngân sách. Năm nay Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký phê duyệt chi thường xuyên có ít hơn đôi chút, nhưng vẫn ở con số 65%. Khoảng 30% dùng để trả nợ. Đầu tư cho phát triển năm nay chỉ vào khoảng 17%.

Trước đây, thời của Thủ tướng Phan Văn Khải, chi thường xuyên cũng chỉ ở ngưỡng 50% của chi ngân sách. Điều đó nói lên gì? Tức là chúng ta cũng đã có thời kỳ chi thường xuyên ở mức không cao nhưng vẫn đạt được hiệu quả về mặt kinh tế. Các nhân tố đóng góp cho tăng trưởng dựa nhiều vào năng suất, không gâynặng gánh cho ngân sách như sau này. Trước kia làm được thì bây giờ không có lý do gì để không làm được điều đó.

Dù là tiền đi vay hay tiền thu nội địa để chi tiêu công, đầu tư công đều có rủi ro cao nếu không kiểm soát được. Khi đi vay thì còn lãi, còn sức ép phải trả nợ. Nhiều người sử dụng ngân sách còn xem là tiền trời cho, tiền từ đâu rơi xuống chứ không nghĩ là tiền thuế của dân. Nhiều nơi sử dung thiếu trách nhiệm, thậm chí là vô trách nhiệm.

Cần phải truy trách nhiệm đến từng cá nhân

Bà có nói đến việc đội ngũ ăn lương Nhà nước của chúng ta quá lớn, xin bà nói cụ thể hơn về điều này?

Bộ máy nhà nước của chúng ta hiện nay có khoảng 2,8 triệu cán bộcông chức (CBCC), viên chức. Nếu cộng cả đối tượng nghỉ hưu, các đối tượng khác hưởng lương, trợ cấp từ ngân sách nhà nước (NSNN), con số này lên tới 7,5 triệu người, chiếm 8,3% dân số cả nước.Còn nếu cộng toàn bộ số người hưởng lương và mang tính chất lương thì con số này lên tới 11 triệu người. Không ngân sách nào nuôi cho được bộ máy ăn lương lớn như vậy.

Qua cuộc bầu cử vừa rồi, càng ở những cấp gần dân thì tình trạng bầu thiếu càng nhiều, điều đó cũng nói lên sự mất tín nhiệm của người dân đối với một bộ phận công chức hiện nay.

Bà có thể đưa ra một số gợi ý để giải quyết tình trạng này không?

Tất cả những nơi quyết định về chi tiêu công, đầu tư công phải quyết liệt, chặt chẽ hơn nữa. Bây giờ không chỉ là phải minh bạch, giám sát mà còn cần phải giải trình, truy trách nhiệm đến từng cá nhân. Lâu nay quyết định thường mang tính tập thể.

Cần làm rõ trách nhiệm của Quốc hội trong khâu thẩm định. Làm rõ trách nhiệm của những cá nhân ở cơ quan được Quốc hội chuẩn chi, ở tầm đó thì sẽ dễ dàng tìm ra được người phải chịu trách nhiệm.

Chúng ta vừa bầu Quốc hội khóa 14, Quốc hội mới cần có thái độ cương quyết hơn đối với vấn đề nợ công để thể hiện trách nhiệm củamình với tư cách đại diện cho người dân. Trước tiên là kiểm soát chi tiêu công, đầu tư công rồi đánh giá lại vai trò của Nhà nước.

Cái gì tư nhân không thể làm thì Nhà nước hãy làm, còn không hãy để tư nhân làm. Nhà nước chỉ đứng ra làm nhiệm vụ điều tiết, kiến tạo, phục vụ… chứ đừng biến thành nhà đầu tư lớn của xã hội như trước.

Nhà nước cần thực hiện là tạo điều kiện thuận lợi và môi trường kinh doanh tốthơn nữa cho doanh nghiệp phát triển. Cách thức tận thu doanh nghiệp trong thời gian vừa qua thực sự làm họ cạn kiệt nguồn lực và chán nản.

Xin cảm ơn bà!

Trí Lâm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Loạt chính sách có hiệu lực từ tháng 5
Giá điện được điều chỉnh 3 tháng/lần; tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan nhà nước... là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 5.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyên gia Phạm Chi Lan: Nhiều người tưởng ngân sách là tiền… trên trời rơi xuống