Vải thiều đang chuẩn bị vào mùa vụ và việc đảm bảo đầu ra cho sản phẩm này luôn được người dân quan tâm. Bộ Công thương cũng sớm đưa ra hàng loạt các biện pháp để giúp nông dân tiêu thụ vải, tuy nhiên với quả vải xuất ngoại thì dường như vẫn phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp cũng như thị trường Trung Quốc.

Xuất khẩu vải thiều: Bộ Công thương vẫn hướng về các doanh nghiệp Trung Quốc?

Duyên Duyên | 10/06/2016, 13:19

Vải thiều đang chuẩn bị vào mùa vụ và việc đảm bảo đầu ra cho sản phẩm này luôn được người dân quan tâm. Bộ Công thương cũng sớm đưa ra hàng loạt các biện pháp để giúp nông dân tiêu thụ vải, tuy nhiên với quả vải xuất ngoại thì dường như vẫn phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp cũng như thị trường Trung Quốc.

Vải thiều Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên... vốn nức tiếng cả nước về độ thơm ngon, đang vào vụ. Để chủ động tìm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm này, lãnh đạo Bộ Công thương cho biết, đơn vị này đã phối hợp với các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại để quảng bá cho vải thiều.

Cụ thể, trao đổi với báo chí, ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, Bộ đã tham gia và chỉ đạo Hội nghị xúc tiến thương mại tiêu thụ quả vải và nông sản tỉnh Hải Dương năm 2016.

Đồng thời, Bộ Công thương cũng phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội nghị bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn, xúc tiến thương mại tiêu thụ vải thiều năm 2016 tại tỉnh Bắc Giang; phối hợp với UBND TP. Hà Nội và UBND tỉnh Bắc giang tổ chức tuần lễ vải thiều Lục Ngạn - Bắc Giang tại Hà Nội vào cuối tháng 6 năm 2016.

"Để triển khai công tác hỗ trợ kết nối tiêu thụ quả vải vào thị trường khu vực phía Nam, Bộ Công thương đã có công văn chỉ đạo, hướng dẫn UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều tại TP. Hồ Chí Minh dự kiến tổ chức vào ngày 17.6.2016", ông Hải cho biết.

Tuy nhiên, đó là các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm tiêu thụ quả vải ở thị trường trong nước. Riêng đối với thị trường nước ngoài, ông Đỗ Thắng Hải chỉ nêu ra một hoạt động duy nhất là kết hợp với UBND tỉnh Lào Cai, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên triển khai Hội nghị tiếp xúc với các doanh nghiệp Trung Quốc nhập khẩu vải thiều tươi từ Việt Nam sang Trung Quốc năm 2016 tổ chức tại tỉnh Lào Cai.

Từ đó có thể thấy, mặc dù vải thiều của Việt Nam đã tiếp cận được nhiều thị trường cao cấp như Mỹ, Úc, Châu Âu, nhưng đến nay Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu chính yếu. Điều này cũng được cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang thừa nhận.

Cụ thể, theo ông Dương Văn Thái, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, trong năm 2016, sản lượng vải thiều Bắc Giang ước đạt 130.000 tấn, trong đó dự kiến sẽ xuất khẩu khoảng 40% sang Trung Quốc, tương đương 90% lượng xuất khẩu.

Vào vụ thu hoạch vải thiều, tại tỉnh Bắc Giang thường có gần 3.000 điểm thu mua với trên 1.500 thương nhân trong và ngoài nước, trong đó có hơn 200 người Trung Quốc. Do quá lệ thuộc thị trường Trung Quốc nên lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang hết sức băn khoăn trong việc giữ ổn định cho đầu ra của nông sản này.

Còn ông Nguyễn Anh Cương, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cũng cho biết, tính đến thời điểm hiện nay, vải thiều của Hải Dương đã xuất khẩu được 25% sản lượng, chủ yếu sang thị trường Trung Quốc.

Trong khi đó, thống kê quy mô xuất khẩu vải thiều, ông Trần Thanh Hải, Cục phó Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) khẳng định, tổng lượng vải thiều xuất khẩu mùa vụ 2015 đạt 98.000 tấn (chiếm khoảng 40% tổng sản lượng vải thiều của các tỉnh có cây trồng này).

Trong đó, xuất khẩu vải thiều sang thị trường Trung Quốc qua 3 cửa khẩu Lào Cai, Lạng Sơn, Hà Giang là 91.000 tấn, chiếm khoảng gần 93% tổng sản lượng xuất khẩu.

Duyên Duyên
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ba kịch bản về lạm phát năm 2024
Ba kịch bản lạm phát năm 2024 tương ứng với CPI bình quân năm lần lượt là 3,8%, 4,2% và 4,5%.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xuất khẩu vải thiều: Bộ Công thương vẫn hướng về các doanh nghiệp Trung Quốc?