Chuyện thương tâm 1 bé gái sơ sinh chưa cắt rún bị bỏ rơi ở con hẻm thuộc P.9. TP.Cà Mau, tỉnh Cà Mau, tạm lặng im do bà Hồ Huỳnh Như, Chủ tịch UBND phường - nơi tìm thấy bé bị bỏ rơi, nhận làm con nuôi. Nhưng chưa đầy 2 tháng, nhóm người tự xưng là cha, mẹ đẻ và gia đình họ đến xin nhận nuôi.
Tranh chấp nuôi con bỏ rơi
Những ngày qua - bắt đầu từ ngày 26.2, một nhóm người tự xưng là cha, mẹ đẻ và người thân đến phòng làm việc tại UBND P.9 và nhà riêng bà Hồ Huỳnh Như ở P.7, để xin nhận lại bé bị bỏ rơi cách đây gần 3 tháng. Thậm chí, họ quỳ trước nhà bà Chủ tịch phường để xin được đón bé về. Ngoài lá đơn kiêm tờ tường trình gởi Chủ tịch UBND TP.Cà Mau, anh Cao Nhơn (27 tuổi), cùng người phụ nữ là Nguyễn Thị Bích Kiều - tự xưng là mẹ đẻ, và một số người thân đã gây náo loạn, tạo áp lực để bà Như trả lại con bỏ rơi...
Quỳ trước nhà Chủ tịch phường để xin lại con - Ảnh: Nguyễn Hưng
Trước đó, sáng 1.1.2019, trong lúc mưa bão đang diễn ra, một số người dân tại khóm 5, P.9, TP.Cà Mau, nghe tiếng khóc phát ra từ chiếc túi xách để trên ghế đá ở vỉa hè. Tò mò, một số người đến gần và phát hiện 1 bé gái khoảng 5 ngày tuổi, còn nguyên dây rốn, nặng khoảng 2,8 kg trong túi. Bà Như được phân công làm Chủ tịch P.9 trước đó không lâu, đã chạy xe đến để cùng các cơ quan chức năng xử lý vụ việc.
Bà Như nhớ lại: “Trên đường chạy xe đến hiện trường, trong đầu tôi liên tưởng trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền cơ sở, tình cảm của người phụ nữ từng làm mẹ, làm bà. Tôi gặp bé như duyên nợ của đời người”. Và sau đó, bà Như trực tiếp chăm sóc, lui tới bệnh viện, ẳm về nhà nuôi dưỡng trong thời gian thông báo tìm cha mẹ ruột của bé.
Ngày qua ngày, không ai đến nhận, nên bà Như hoàn tất thủ tục nhận con nuôi, đặt tên là Hồ Thiên Mỹ. Nay bé đã tăng nặng được 6 kg, rất dễ thương. Bà Như không giấu đượctình cảm của 1 người đã từng làm mẹ, làm bà nội ngoại của cháu ruột: “Tôi xử lý vụ bé sơ sinh bỏ rơi, nhận về nuôi, mến tay mến chân và nay không thể giao cho họ vì hậu quả pháp lý, vì đạo đức, vì trách nhiệm”.
Về việc nhóm người tự nhận là cha mẹ và người thân của bé gái bị bỏ rơi đến nhà mình quỳlạy, van xin, gây áp lực nặng nề, bà nói: “Tôi không hiểu việc làm của nhóm người trên là nhằm mục đích gì. Nhưng tôi sẽ bảo vệ con hết mình. Họ cứ làm như thế khiến tôi cảm thấy phiền phức, cuộc sống đảo lộn. Đến lúc cần thiết, tôi yêu cầu cơ quan chức năng bảo vệ.
Tôi đang kiểm soát, kiềm chế và ứng xử đúng mực. Về lý, không thể giao trả đứa bé được khi những người đó chưa chứng minh được đầy đủ căn cứ pháp lý là cha mẹ đẻ của cháu bé cũng như quy định pháp luật. Về tình thì thú thật tôi cũng đã bén hơi và quá thương đứa con nuôi của mình…”.
Chính quyền TP.Cà Mau đã xác minh, xem xét việc xin nhận lại bé sơ sinh nhưng chưa có kết quả. Bà Như nói trong nước mắt: “Các cơ quan chức năng đã nắm bắt được chứng cứ về người tự xưng là cha và mẹ ruột nhưng không tiện công bố. Nhưng tôi băn khoăn nhất là việc trả lại con nuôi cho nhóm người này có phải là vô tình bỏ bé tội nghiệp một lần nữa không?”.
UBND P.9, nơi bà Như làm Chủ tịch - Ảnh: Nguyễn Hưng
Người lớn biết, cho sống thử và hoàn cảnh người mẹ trẻ bỏ con
Đối chiếu tờ tường trình và lời trình bày của gia đình anh Cao Nhơn, khá trùng khớp với diễn biến về bé gái sơ sinh bị bỏ rơi mà bà Như nhận làm con nuôi, nay xảy ra tranh chấp. PV tìm đến gia đình Cao Nhơn, và lời tự tình của Nguyễn Thị Bích Kiều - người nhận là mẹ ruột của bé, khiến nhiều người nghe qua không khỏi nghĩ theo nhiều chiều hướng...
Bà Nguyễn Kim Hồng, 49 tuổi, “nửa đường gãy gánh”, đi bước nữa với ông Huỳnh Chí Th., 1 doanh nhân ngành thuỷ sản. Ly hôn với chồng cũ, bà Hồng nuôi 2 con, trong đó, Cao Nhơn là con trai, đang lái xe tải cho cho cha dượng chở tôm bán đường dài. Theo bà Hồng, thì Nhơn có dẫn Kiều giới thiệu là người yêu.
Bà rất mừng vì con có người yêu, và nghĩ đến hoàn cảnh mình, nên bỏ qua việc Kiều từng có 1 đời chồng, đang làm mẹ đơn thân nuôi con trai vàituổi. Bà Hồng nói: “Dù mừng cho con, thương con dâu tương lai nhưng thấy Kiều tính còn ham chơi, chưa nghề nghiệp, làm tiếp viên quán nên tôi cho thời gian thử thách”.
Bà Hồng xin ẳm cháu - Ảnh: Nguyễn Hưng
Nhưng cuộc sống tình cảm của cặp đôi này không biết bao nhiêu lần nổi sóng gió, công an địa phương phải ra tay dàn xếp. Ở trong căn nhà của bà không êm ấm, bà cho Cao Nhơn với người tình dắt theo đứa con trai riêng, ra ở nhà trọ cho thuê tháng.
Bà Hồng tâm sự: “Nhưng tính nào tật nấy, Kiều ham chơi bời, con tôi cũng cuốn theo. Tôi quá cực khổ để nuôi dưỡng tình cảm của con trai mình”. Cũng theo bà Hồng, từ đó, con trai của bà sống lặng lẽ hơn, không nói chuyện với bà nhiều và gần như dành hết thời gian cho Kiều, không chuyên tâm với việc nhà.
Có lần, Kiều cho hay mang bầu với Nhơn 4 tháng nhưng không ai tin. Và bà Hồng thường mang cơm ra cho họ ăn, cũng không hề phát hiện con dâu tương lai mang bầu. Bà Hồng nói: “Cứ gặp mặt ở phòng trọ, Kiều trùm mền kín, không nhìn thấy vóc dáng gì để phát hiện”. Bởi vậy, khi bể ra chuyện sinh con rồi bỏ rơi, bà không hề tin! Nhưng bây giờ, sau một thoáng suy tư, bà Hồng nói: “Bây giờ nhận ra chuyện con bị bỏ rơi, 2 đứa quấn quít bên nhau không rời, mong được nhận con, thấy thương lắm!”...
Kiều sống trong gia đình tương đối khá giả một thời, nhưng có đến 11 anh em. Kiều học lớp 9, phải ngồi lại lớp và bỏ học để... chơi bời theo bồng bột tuổi trăng rằm. Khi lên 21 tuổi, Bích Kiều kết hôn với người chồng làm nghề sửa xe máy. Hôn nhân của Kiều chưa được mấy năm gãy gánh. Kiều kể: “Khi tôi mang bầu con trai được 4 tháng, chồng đi chung sống với người khác và không biết ở đâu”.
Là người mẹ trẻ gãy gánh dọc đường, Kiều ôm con nhỏ, tự bươn chải nuôi con cùng với sự cưu mang của cha mẹ ruột. Công việc của Kiều không ổn định, chủ yếu làm tiếp viên, phục vụ khách ăn chơi ở các quán nhậu. Sau đó, Nhơn đem lòng yêu thương, rồi chung sống như vợ chồng - dù chưa được kết hôn theo pháp luật.
Bà Hồng nói: “Tôi với cha ruột của Nhơn ly hôn, thiếu thốn tình cảm nên tôi để mắt đến Kiều, mong 1 ngày 2 đứa sửa tính sửa nết để tác hợp thành vợ chồng”. Khi không được ở trong ngôi nhà của bà Hồng, thì hôm đó Kiều có nhắn tin cho bà Hồng, nói rằng mình có bầu. Nhưng lúc đó bà nghĩ chỉ là áp lực của Kiều để bà xúc tiến việc cưới hỏi. Đang mang bầu với người yêu mà chẳng được cha mẹ người yêu tin và hỗ trợ, nên Kiều càng chán nản.
Trước khi Kiều sinh con 1 tháng, Nhơn lại ghen tuông, bỏ mặc Kiều mang bầu quay về tá túc với gia đình (Nguyên nhân là anh trai Kiều hay đến đem thức ăn, nhưng Nhơn hiểu lầm là nhân tình). Người cha khó tính, còn mẹ cảm thông với con gái nên cho ở chung nhà để chờ ngày sinh nở.
Chiều 27.12.2018, Kiều xuống nhà, lội ra đường, bắt xe ôm tự đi sinh nở. Hành trang Kiều đi sinh là chiếc cặp đựng quần áo, nắmtay đứa con trai riêng 5 tuổi dắt theo, và trong túi còn đúng 26.000 đồng. Dù ghen ghét, oán trách nhau nhưng lúc đó Kiều vẫn goị điện thoại cho Nhơn, báo tin. Vừa sinh xong, Nhơn còn mùi rượu bia, chạy đến giường, lật xem mặt con và văng tục: “Không giống tao!”.
Sau lúc cự cãi, lời qua tiếng lại, Nhơn để lại đúng 600.000đ, rồi bỏ đi. Những người nuôi sản phụ quanh đó, thấy cảnh tình Kiều khổ sở, cũng góp chút tiền cho Kiều xuất viện và về thuê căn nhà trọ để ở tạm. Sáng hôm sau, người anh trai đến chở Kiều và bé gái mới sinh đi tìm nơi trọ. Kiều hoang mang, khi cha ruột không nhận con, ông bà khó chấp nhận cháu.
Kiều kể: “Ban đầu tôi định bỏ con trước cổng chùa, nhưng nhiều người qua lại, có người ở trong chùa nữa, nên sợ thấy mặt. Sau đó tôi đi vào 1 con hẻm gần đó, tìm cái nhà tường lớn, đặt lên ghế đá trước nhà. Đứa bé cứ nhìn chằm chằm tôi mà khóc thét, tôi không bỏ được. Tôi phải bế con quay về nhà trọ cho bú, dụ ngủ. Bỏ 4 lần tôimới bỏ được. Bỏ xong 2 anh em rình coi, khi thấy có người phát hiện hô lên mới ra về”.
Vì sao phải bỏ con khi còn quá nhỏ? Kiều nói: “Không có tiền nuôi và ai cũng chối bỏ. Còn bây giờ xin con lại, nhờ cha mẹ anh Nhơn cưu mang, khi họ đã thấu hiểu”.
Luật sư Lê Thanh Thuận - Đoàn Luật sư Cà Mau, phân tích: điều 24 Luật Nuôi con nuôi 2010 quy định, kể từ ngày giao nhận con nuôi, giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con, giữa con nuôi và các thành viên khác của gia đình cha mẹ nuôi cũng có các quyền, nghĩa vụ đối với nhau theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, pháp luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan…
Cha mẹ đẻ không có quyền đòi lại con nuôi sau khi hoàn tất thủ tục nhận nuôi, trừ trường hợp chấm dứt việc nuôi con nuôi, con nuôi được giao cho cha mẹ đẻ theo các trường hợp trong Luật Nuôi con nuôi 2010. Nghĩa là, sau khi người nuôi nhận cháu bé theo đúng thủ tục trên thì từ thời điểm đó trở đi cha mẹ ruột không có quyền đòi lại con trừ khi người nuôi đồng ý.
Trong khi đó, điều 25, Luật Nuôi con nuôi nêu rõ, người được xác nhận là cha mẹ nuôi chỉ có thể chấm dứt việc nhận nuôi con nuôi khi con nuôi đã thành niên và cha mẹ nuôi tự nguyện chấm dứt việc nuôi con nuôi; cha mẹ nuôi bị kết án về 1 trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con nuôi; ngược đãi, hành hạ con nuôi...
Nguyễn Hưng