Hiện pho tượng nữ thần gần 1.500 tuổi đã được người đàn ông và một nhà sư đem giao nộp cho Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long để nơi đây trưng bày và bảo quản. Đây là một trong những pho tượng quý hiếm mà cả khu vực Đông Nam Á vẫn chưa tìm thấy pho thứ hai.
Xóm làng dậy sóng vì pho tượng quý giá
Nhữngngày qua ngôi nhà của anh Lê Văn Thông ở ấp Nước Xoáy, xã Tân An Luông, H.Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Longliên tục có hàng xóm đến hỏi thăm về pho tượng nữ thần quý trị giá lên đến 7,5 tỉ đồng mà anh Thông vô tình sở hữu được. Không chỉ khách đến nhà hỏi thăm mà điện thoại của anh Thông cũng liên tục có người quen gọi đến, chia vui cùng anh.
Anh Lê Văn Thôngkể: “Thực ra pho tượng này tôi vô tình sở hữu được đã hơn hai năm qua. Nhưng mới đây nhiều người biết đến là do UBND tỉnh Vĩnh Long đã tuyên dương tôi và một nhà sư vì đã giao nộp pho tượng quý này cho bảo tàng. Chúng tôi còn được nhận tiền thưởnggần 75 triệu. Buổi tuyên dương có nhiều báo đài đến quay phim, chụp hình đưa tin nên bây giờ người ta mới biết”.
Anh Thông kể chuyện vô tình sở hữu tượng nữ thần vô cùng quý giá - Ảnh: Thanh Nguyên
Anh Thông kể, cuối năm 2016anh đang đi bơm cát cho một công trình ở H.Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, thì nhận điện thoại của người làm thuê là phát hiện một pho tượng nằm lẫn trong sà lan cát. Anh lập tức kêu người thợ đem tượng lên bờ chờ anh về xử lý. Nghe báo lại là pho tượng rất nặng, không dễ mang lên, anh Thông huy động một xe múc, chạy về múc lấy pho tượng đem về nhà.
“Như vậy là trong lúc múc cạp cát ở dưới sông Cổ Chiên, người làm của tôi vô tình đã múc luôn được pho tượng lên sà lan. Đến khi hút cát ra công trình thì pho tượng mới lộ ra. Nhìn thấy pho tượng tôi không biết là tượng gì, cứ nghĩ là tượng Quan Âm. Mừng lắm, vì nghĩ biết bao nhiêu người múc cát, khai thác thủy sản trên sông Cổ Chiên, vậy mà mình gặp được. Tôi cho là mình may mắn lắm”, anh Thông thật thà kể.
Anh Thông cho biếtpho tượng cao khoảng 1,4 mét, thân tượng 1,13 mét, bằng đá, phần tay bị bể từ lâu. Ngoài ra còn có một phần đế cũng bằng đá bị bể mất một nửa. Ban đầu anh tính để ở nhà để thờ nên chùi rửa sạch sẽ cấttrong nhà. Nhưng tính đi tính lại, vợ anh Thông cho rằng nếu gia đình thờ tượng mà không biết rõ nguồn gốc, không biết đường để cúng kiếngvan vái thì có khi lại có tội với thần thánh.
Anh Thông cũng đồng tình với vợ nên liên hệ với chùa Phước An (ấp Hồi Thạnh, xã Xuân Hiệp, H.Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) để xin tặng bức tượng lại cho chùa. Nhận được thông tin đó, Đại đức Thích Đức Hiền, trụ trì chùa Phước An tìm đến nhà của anh Thông để tận mắt nhìn thấy photượng.
Đại đức Thích Đức Hiền cho biết: “Nhìn photượng, tôi trả lời với gia đình anh Thông đây không phải là tượng Quan Âm như họ nghĩ. Đây là tượng của 1 nữ thần, còn thần gì thì tôi cũng chịu. Sau đó, tôi đem về chùa, dự tính là sẽ tìm người hiểu biết để biết được đây là tượng gì”.
Gian nan tìm nguồn gốc pho tượng
Đem pho tượng về chùa, vị trụ trì hiểu rõ đây không phải là pho tượng của Phật giáo nên không dám thờ mà huy động cả chục phật tử khênhvào để một góc chùa. Thời gian này, trụ trì chụp hình tượng, liên hệ với nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, nhà khảo cổ học ở Cần Thơ để nhờ tìm hiểu nguồn gốc của pho tượng nhưng không có kết quả.
Đại đức Thích Đức Hiền trao đổi với phóng viên - Ảnh: Thanh Nguyên
“Họ phản hồi lại với tôi là bây giờ có nhiều pho tượng giả lắm. Thấy họ không mặn mà, tôi cũng thôi không liên hệ. Tôi tự tìm hiểu và suy đoán đây là pho tượng có nguồn gốc của người Chăm. Tôi lại tiếp tục gửi hình ảnh ra các tỉnh miền Trung nơi có cộng đồng người Chăm sống để nhờ một số chuyên gia thẩm định. Nhưng chính những người này họ cũng không biết, họ cho rằng pho tượng này không xuất phát từ người Chăm. Tôi cũng không biết tính sao, đành cứ để vậy”, vị trụ trì kể.
Nhân dịp Tết âm lịch 2017, một học trò của thầy Hiền hiện làPhó hiệu trưởng của một trường THPT có tiếng ở Vĩnh Long ghé thăm chùa. Vốn có chuyên môn về văn hóa, người thầy giáo này nhanh chóng nhận ra đây là pho tượng nữ thần cổ quý giá. Không lâu sau, Sở Văn hóa -Thể thao -Du lịch (VH-TT-DL) tỉnh Vĩnh Long đã cử người đến để tìm hiểu về pho tượng.
“Sau vài lần tìm hiểu, Sở đề nghị tôi đưa pho tượng này về Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long để thẩm định nguồn gốc, giá trị. Tôi đồng ý ngay, nhưng vì đây là pho tượng của anh Thông tặng cho chùa, tôi cũng phải thông qua anh ấy. Sau khi cả hai người thống nhất, pho tượng được được đưa về bảo tàng tỉnh”, thầy Hiền kể.
Sở VH-TT-DL sau đó đã lập Hội đồng thẩm định để truy tìm nguồn gốc pho tượng. Sau gần hai năm thẩm định, các chuyên gia cổ vật kết luận tên gọi bức tượng là tượng nữ thần Saraswati, vợ của thần Brahma. Đây là bức tượng quý mà ở khu vực Đông Nam Á chưa hề tìm thấy. Tượng được làm bằng đá sa thạch, niên đại từ thế kỷ 6đến 7. Khung đỡ tượng hình chữ U rất chắc chắn.
Thân tượng bị gãy tay phải một đoạn; tay trái cầm bình kendy tạo nước thánh mang ý nghĩa tạo mầm sống, mang đến sự tốt lành cho cư dân và rửa đi mọi tội lỗi (tương tự như ở Ấn Độ có nữ thần sông Hằng); bệ tượng bị vỡ một mảng… Đặc biệt, Hội đồng thẩm định xác định tượng nữ thần trị giá 7,5 tỉ đồng.
Sở VH-TT-DL tỉnh Vĩnh Long xác định đây là lần đầu tiên tượng nữ thần Saraswati được tìm thấy ở Việt Nam. Đó là một tư liệu lịch sử đặc biệt quý hiếm tiêu biểu của đất nước, góp phần vào việc nghiên cứu lịch sử vùng đất Nam Bộ và lịch sử Việt Nam.
Sau gần 2 năm giao nộp tượng nữ thần, thầy Hiền và anh Thông cũng không quan tâm nữa, cứ nghĩ pho tượng nữ thần đã được đưa về đúng chỗ. Bất ngờ, ngày 9.11 vừa qua, UBND tỉnh Vĩnh Long đã mời anh Thông và thầy Hiền lên để tuyên dương, trao tặng bằng khen vì đã giao nộp pho tượng quý. Ngoài bằng khen, anh Thông và thầy Hiền cùng nhận số tiền thưởng 75 triệu đồng (1% trị giácủa pho tượng).
Tượng nữ thần Saraswati hiện đang được Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long bảo quản - Ảnh: Thanh Nguyên
“Bữa đó, tôi nghĩ là mình đi dự như những vị khách bình thường thôi. Tôi đưa vợ lên đi chơi cho biết. Tới nơi nhìn vô hội trường thấy sao toàn lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở ngành. Tôi hết hồn, len lén đưa vợ xuống ngồi hàng ghế cuối cùng.
Đến khi có người đến mời tôi lên, nói rằng chỗ tôi không phải ngồi ở hàng cuối, hôm nay tôi là một trong những nhân vật chính, lên hàng ghế đầu mà ngồi. Tôi bất ngờ không hiểu chuyện gì. Tôi cũng không nghĩ mình được trao bằng khen, được thưởng tiền. Rồi xong xuôi đài truyền hình phỏng vấn, báo chí hỏi chuyện tôi mắc cỡ quá trời”, anh Thông thật thà kể.
Cả Đại đức Thích Đức Hiền và anh Thông đều có chung một suy nghĩtượng nữ thần Saraswati đã được đưa về đúng nơi đúng chỗ của nó. Thầy Hiền cho rằng“Giá trị của pho tượng này cho dù có bao nhiêu nữa, tôi cũng không tiếc mà lại còn mừng.Đây sẽ là đề tài cho các nhà nghiên cứu văn hóa, khảo cổ học nghiên cứu để tìm hiểu về văn hóa Óc Eo ngàn năm trước. Tôi cũng mong rằng, bà con nếu có tìm được 1 vật cổ nào cũng nên chủ động giao nộp cho nhà nước để có những nghiên cứu giá trị”.
Còn anh Thông thì đơn giản hơn: “Tôi nghĩ nếu mình để tượng nữ thần Saraswati trong nhà thì chỉ có gia đình mình ngắm. Còn mình đem nộp cho nhà nước thì sẽ được bảo quản tốt hơn, nhiều người nhìn ngắm, tham quan tìm hiểu hơn. Còn nó có giá trị như thế nào tôi cũng không tiếc”. Số tiền 75 triệu đồng được thưởng, anh Thông nhận 35 triệu. Số còn lại, anh tặng cho chùa Phước An để làm công quả.
Phần thưởng của mình, vợ chồng anh Thông còn đem san sẻ cho những người làm công của mình một người vài triệu để cùng chia vui. “Tôi chỉ mong trời phật phù hộ cho vợ chồng tôi làm ăn suôn sẻ, gia đình khỏe mạnh, vậy là tốt nhất rồi”, anh Thông chia sẻ.
Tranh vẽnữ thần Saraswati - Ảnh: Thanh Nguyên
Nữ thần Saraswati là vị thần trong đạo Hindu (Nữ thần Devi) là vị thần của tri thức, âm nhạc, nghệ thuật và thiên nhiên. Bà là mộttrong 3 vịthần nữ gồm Saraswati, Lakshmi và Parvati. 3 vị nữ thần này cùng nhau hỗ trợ các thần nam là Brahma, Vishnu và Shiva trong sự sáng tạo, duy trì sự sống và sự hủy diệtcủa vũ trụ.
Thanh Nguyên